Kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững”

Lưu vực sông Sê San không những có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường của Tây Nguyên nói riêng mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam nói chung. Trong những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong lưu vực diễn ra rất mạnh mẽ, các tỉnh trong lưu vực hàng năm đóng góp vào ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn người lao động. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích mang lại thì tình trạng ô nhiễm do những mặt trái của các hoạt động trên gây ra đang ở mức báo động. Môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng trong khu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư cũng như đến các hệ sinh thái cảnh quan trong vùng. Điều này đòi hỏi cần phải kiểm kê các nguồn thải, đánh giá diễn biến môi trường, nhất là môi trường nước mặt xác định tải lượng và thành phần nước thải, từ đó các chỉ tiêu giới hạn về an toàn môi trường sẽ được xác định và sử dụng làm cơ sở cho tính toán khả năng chịu tải của môi trường.

Trong những năm qua các Bộ, Ngành và các địa phương đã triển khai nhiều biện
pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm các nguồn nước, đặc biệt là vấn đề đánh giá xác định sức chịu tải của các nguồn nước. Như vậy, việc đánh giá sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia lưu vực sông Sê San đồng thời đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững là một đòi hỏi cấp bách, là căn cứ phục vụ công tác quản lý, cấp phép, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên.

Chính vì vậy, năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt nội dung, dự toán dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững”. Dự án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, giao cho Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước thực hiện.

Dự án được xây dựng với mục tiêu: Đánh giá được sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Cụ thể gồm: 1. Xác định được đặc điểm các nguồn nước, hiện trạng các nguồn thải; xây dựng bộ dữ liệu phục vụ quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San; 2.  Đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các nguồn nước; 3. Xây dựng kế hoạch quản lý chất  lượng môi trường nước mặt các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững; 4. Công bố sức chịu tải của các nguồn nước và phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các nguồn nước.

Sơ đồ đối tượng và phạm vi thực hiện của dự án

Trong phạm vi thực hiện của dự án này, nhóm đề tài đã lựa chọn 6 sông đã được lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Sê San, Đắk Bla, Sa Thầy, Đắk Pơ Ne, Đắk Po Kei, Ia Krel thuộc hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum để thực hiện dự án. Còn lại  3 sông gồm: Đắk Pne, Đắk Poe, Gia Pô sẽ được thực hiện trong dự án khác trong giai đoạn 2025-2026.

Đến nay theo báo cáo, công tác “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San” thuộc dự án “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Sê San và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” được Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước triển khai từ năm 2021 đã thực hiện hoàn thành khối lượng các hạng mục đúng theo nội dung, dự toán được duyệt. Các nội dung thực hiện phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Dự án.