Kết quả thực hiện Dự án “Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững”

Trong những năm qua, các Bộ, Ngành và các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm các nguồn nước, đặc biệt là vấn đề đánh giá, xác định sức chịu tải của các nguồn nước. Việc đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ; đề xuất xác giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là một đòi hỏi cấp bách, là căn cứ phục vụ công tác quản lý, cấp phép, quy hoạch và bảo vệ tài nguyên nước góp phần cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững khu vực Bắc Trung Bộ.

Dự án “Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt nội dung, dự toán dự án theo Quyết định số 2892/QĐ-BTNMT ngày 22/12/2020. Dự án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì, giao cho Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước thực hiện từ năm 2021.

Dự án được xây dựng với mục tiêu đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ; đề xuất các giải pháp thích hợp và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững, cụ thể như sau: 1. Xác định được đặc điểm các nguồn nước, hiện trạng các nguồn thải; xây dựng bộ dữ liệu phục vụ quản lý các nguồn gây ô nhiễm trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ; 2. Đánh giá được khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các nguồn nước; 3. Xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững; 4. Công bố sức chịu tải của các nguồn nước và phê duyệt kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các nguồn nước.

Căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn, đối tượng thực hiện của dự án là môi trường nước tại 11 sông gồm: dòng chính sông Mã, Chu Bưởi thuộc Lưu vực sông Mã; dòng chính sông Cả, Hiếu, Ngàn Sâu thuộc Lưu vực sông Cả; sông Thị Long thuộc lưu vực sông Yên; sông Rào Trổ thuộc Lưu vực sông Gianh; sông Châu Thị thuộc Lưu vực sông Bến Hải; Ô Lâu và Hương. Phạm vi thực hiện gồm 7 lưu vực sông: Mã (gồm các sông Mã, Chu, Bưởi), Cả (gồm các sông: Cả, Hiếu, Ngàn Sâu), sông Thị Long thuộc Lưu vực sông Yên, sông Rào Trổ thuộc Lưu vực sông Gianh, sông Châu Thị thuộc Lưu vực sông Bến Hải, Ô Lâu và Hương thuộc địa bàn 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng  Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Sơ đồ đối tượng và phạm vi thực hiện của dự án

Đến nay, theo báo cáo của nhóm thực hiện, công tác “Đánh giá sức chịu tải các sông  liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Cả”, “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Mã”, “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh thuộc lưu vực sông Rào Trổ”, “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Thị Long”, “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Châu Thị”, “Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Ô Lâu”, “Đánh giá sức chịu tải các thuộc lưu vực sông Hương” thuộc dự án “Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội bền vững” được Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước triển khai từ năm 2021 đã hoàn thành khối lượng các hạng mục đúng theo nội dung, dự toán được duyệt. Các nội dung thực hiện phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra của Dự án.