Cơ sở nào để lựa chọn phương pháp phân tích, xác định lượng lòng chảy nhỏ nhất khi thực hiện dự án Đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc lưu vực sông Kôn – Hà Thanh?

Ở nước ta, nghiên cứu về dòng chảy môi trường phục vụ cho mục đích quản lý và phát triển tài nguyên nước một cách bền vững đã được thực hiện từ năm 2003. Từ đó đến nay, đã có một số nghiên cứu được triển khai, nhưng các kết quả đạt được về phương pháp luận xác định dòng chảy môi trường và dòng chảy tối thiểu đang ở bước ban đầu và còn nhiều hạn chế.

Dòng chảy mùa lũ cần thiết cho việc vận chuyển bùn cát, đẩy mặn, duy trì các khu vực cá đẻ trứng và di cư. Việc phân bổ dòng chảy tối thiểu hoặc chuẩn dòng chảy năm trong mùa lũ sẽ không có nhiều tác dụng.

Dòng chảy mùa kiệt có vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo cấp nước hạ du. Trong trường hợp này dòng chảy tối thiểu đóng vai trò quan trọng.

Xác định và tiến hành các thỏa hiệp là vấn đề trọng tâm của việc thiết lập và thực hiện dòng chảy tối thiểu. Khi dòng chảy được điều chỉnh để cung cấp dòng chảy tối thiểu, sẽ không tránh khỏi việc các đối tượng hoặc loại hình sử dụng nước khác phải thay đổi nhu cầu dùng nước. Sẽ xuất hiện lợi ích cạnh tranh giữa các đối tượng sử dụng và môi trường, thượng và hạ lưu. Sự cạnh tranh cũng sẽ phát sinh giữa các thành phần khác nhau của môi trường sống với những yêu cầu về chế độ dòng chảy tự nhiên khác nhau. Như vậy, xác định dòng chảy tối thiểu cần phải xem xét các lợi ích cạnh tranh, đánh giá sự phù hợp, cách thức thực hiện và cuối cùng cần phải được sự chấp thuận của các bên liên quan. Hơn bốn mươi năm qua, hàng loạt các phương pháp, cách tiếp cận đã được xây dựng nhằm thiết lập dòng chảy tối thiểu. Mỗi phương pháp, cách tiếp cận đều có những ưu và nhược điểm riêng, không có một phương pháp nào được coi là tốt nhất. Vì vậy, mỗi phương pháp, cách tiếp cận chỉ thích hợp cho một điều kiện cụ thể. Các tiêu chí để lựa chọn một phương pháp, cách tiếp cận cụ thể bao gồm nhóm vấn đề đang được xem xét (Công trình khai thác nước, đập,…), trình độ khoa học kỹ thuật, quỹ thời gian và kinh phí hiện có cũng như khuôn khổ pháp lý mà theo đó các chế độ dòng chảy phải tuân thủ.

Những năm gần đây, vấn đề dòng chảy tối thiểu ở nước ta đã bắt đầu được quan tâm và ngày càng được đầu tư nghiên cứu nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một cách tiếp cận hay phương pháp xác định dòng chảy tối thiểu nào được thống nhất áp dụng cũng như được cho là tốt nhất.

Mục tiêu của dòng chảy tối thiểu là cung cấp một dòng chảy đủ để duy trì sông, đảm bảo cho sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái thủy sinh và các hoạt động khai thác sử dụng. Dòng chảy này có ý nghĩa đặc biệt trong mùa khô cạn. Mức độ “sức khỏe” của dòng sông sẽ được duy trì lại tùy thuộc vào sự đánh giá của xã hội, và sự đánh giá này sẽ khác nhau giữa các quốc gia và vùng miền. Vì vậy, thế nào là dòng chảy tối thiểu thích hợp cho một dòng sông cụ thể sẽ phụ thuộc vào những giá trị mà việc quản lý hệ thống sông nhằm đạt được. Những giá trị đó sẽ là cơ sở để đưa ra các quyết định nhằm hài hòa các mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường và việc sử dụng nguồn nước của dòng sông. Điều này có nghĩa là các kết quả đạt được về mặt sinh thái không nhất thiết phải là kết quả duy nhất hoặc thậm chí không phải là kết quả chính của một quá trình xây dựng dòng chảy tối thiểu.

Căn cứ vào điều kiện số liệu khí tượng thủy văn, số liệu kinh tế xã hội trên lưu vực sông Kôn – Hà Thanh và căn cứ vào kinh phí dự án. Lựa chọn phương pháp tính toán dòng chảy tối thiểu của GS.TS Ngô Đình Tuấn – Đại học thủy lợi là phù hợp và tối ưu nhất.