Đặc điểm thủy văn của lưu vực sông Sê – San là gì?

Trả lời:

1. Mạng lưới sông suối

Sông Sê San: Dòng chính Sê San bắt nguồn từ vùng núi cao Ngọc Linh có đỉnh cao 2.598m, chiều dài chảy qua Việt Nam khoảng 254km, diện tích lưu vực 11.510km2. Đoạn thượng nguồn dài khoảng 21,5km mang đặc điểm sông miền núi chảy trong thung lũng hẹp dạng chữ V với độ dốc khoảng 3,3%. Đoạn trung lưu thoải hơn có độ rộng lòng sông khoảng 20-30m trong mùa kiệt và 50-70m trong mùa lũ đoạn này dài 144km, có độ dốc khoảng 1,8%. Độ cao nguồn sông là 2.000m và giảm dần tới chỗ hợp lưu. Từ sau chỗ hợp lưu giữa sông Sê San với sông Đắk Bla đến IaLy thung lũng sông Sê San thu hẹp, đặc biệt là đoạn từ thác IaLy đến cửa sông dòng sông chảy trong lòng dẫn toàn đá cứng có nhiều thác ghềnh mang đặc điểm sông miền núi điển hình, lòng sông có chỗ thu hẹp đột ngột chỉ còn khoảng 15-20m.

Sông Đắk Bla: hay Krông B'Lah là phụ lưu hợp thành chính của sông Sê San. Đắk Bla chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai với chiều dài khoảng 158km. Diện tích lưu vực 3.507km2, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Cơ Rinh cao 2.025m, phía Bắc giáp với hệ thống sông Thu Bồn, phía Đông giáp với hệ thống sông Ba, phía Nam là hạ lưu sông Sê San. Sông Đắk Bla chảy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam và hợp với sông Sê San tại hồ Ia Ly cách 16km về phía hạ lưu. Từ phần trung lưu đến chỗ hợp lưu Sê San sông chảy trên cao nguyên Kon Tum với độ dốc khoảng 1,3%, lòng sông uốn khúc, nhiều ghềnh, thung lũng có nhiều lòng cũ và bãi bồi, mang nét điển hình của sông đồng bằng. Độ cao nguồn sông là 1.650m, tại vị trí nhập lưu vào Sê San có độ cao là 1.100m đổ vào Đắk Bla có 18 nhánh sông, suối chính, có độ dài đa số từ 10 – 70km. Những suối lớn nhất là Đắk Akol, Đắk Pơ Ne, Ia Krom có tổng diện tích lưu vực chiếm 60% diện tích lưu vực sông Đắk Bla.

Sông Sa Thầy: Tên khác gọi khác là Ia H'Đrai, là một phụ lưu bờ phải của sông Sê San. Sông Sa Thầy chảy qua các huyện Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H'Đrai thuộc tỉnh Kon Tum. Diện tích lưu vực 1.570km2 với chiều dài là 115km. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao Cơ Lung Cơ Lui cao 1.511m, sông chảy theo hướng Bắc Nam và đổ vào dòng chính Sê San ở gần biên giới Việt Nam – Campuchia cách cửa sông Sê San 18km.

Sông Đắk Pơ Ne: là sông liên tỉnh, phụ lưu cấp II của sông Sê San. Sông bắt nguồn từ vùng núi cao xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai và hợp thành với dòng chính sông Đắk Bla tại xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, Kon Tum. Sông có chiều dài 56km, diện tích lưu vực là 490km2.

Sông Đắk Po Kei: là sông liên tỉnh, phụ lưu cấp II của sông Sê San. Sông bắt nguồn từ xã Hà Đông, huyện Đắk Đoa, Gia Lai, hợp lưu với sông Đắk Bla tại xã Đắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, Kon Tum, sông có chiều dài 43km, diện tích lưu vực là 300km2.

Sông Ia Krel: là sông xuyên biên giới, thuộc lưu vực sông Sê San, sông bắt nguồn từ xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ, Gia Lai và kết thúc ở phần lãnh thổ Việt Nam tại xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, Gia Lai, sông có chiều dài phần nằm trên lãnh thổ Việt Nam là 63km.

Ngoài ra, trên lưu vực còn có các phụ lưu, sông nhánh như: Đắk Psi Đắk Uy, Ia Krom, Ya Krong Bơ Lah,… tạo nên hệ thống mạng lưới sông phục vụ các hoạt động kinh tế – xã hội của lưu vực.

2. Mực nước

Theo Báo cáo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện, dữ liệu mực nước tại một số trạm thủy văn trên các sông như sau: Trong giai đoạn từ năm 1980-2018, mực nước trung bình hàng tháng ở một số trạm đã giảm trong mùa lũ và tăng vào mùa khô so với các giai đoạn trước do thực hiện theo các quy định trong quy trình vận hành hồ chứa.

Mùa lũ trên lưu vực sông Sê San bắt đầu từ tháng VI đến tháng XI. Các trận lũ lớn thường xuất hiện từ tháng VIII đến tháng XI, một số trận lũ sớm có thể bắt đầu từ tháng V. Tại trạm thuỷ văn Kon Tum, mực nước trung bình tháng giảm dần qua các thời kỳ. Sự sụt giảm mực nước lên tới 1,0m trong giai đoạn trước năm 2000 so với sau năm 2010.

3. Lưu lượng

Trên lưu vực sông Sê San, mùa lũ bắt đầu từ tháng VI tới tháng XI, tổng lượng dòng chảy vào mùa lũ chiếm 65-80% tổng lượng dòng chảy hàng năm.

Dòng chảy trung bình tháng một số trạm trên lưu vực sông Sê San (m3/s)

Nguồn: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Nhìn chung, giá trị lưu lượng trung bình tại các trạm thuỷ văn vào mùa kiệt tăng và giá trị lưu lượng trung bình vào mùa lũ giảm so với toàn bộ thời kỳ 1980÷2018. Nguyên nhân của việc này là do tác động điều tiết của các hồ chứa thượng nguồn.

Kết quả tính toán tần suất lũ trên lưu vực sông Sê San tại các trạm (m3/s)

Nguồn: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Trạm thuỷ văn Kon Tum, Đắk Mốt ghi nhận lưu lượng lớn nhất vào tháng 9/2009. Giá trị lần lượt là 3.500m³/s (ứng với tần suất 0,5%) ngày 28/9, 2.110m³/s (ứng với tần suất 1%) ngày 29/9. Đây cũng là một trong những trận lũ lớn trên khu vực Tây Nguyên.

Giá trị lưu lượng trung bình tháng cao nhất tại trạm Kon Tum đạt 185,04 m3/s vào tháng X, trong đó, giá trị lưu lượng trung bình tháng nhỏ nhất rơi vào tháng IV là 35,52m3/s

Lưu lượng trung bình hàng tháng tại trạm Kon Tum
Nguồn: Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

4. Hiện trạng công trình hồ chứa

Hiện nay trên lưu vực sông Sê San có 8 công trình hồ chứa lớn, phục vụ mục đích cấp nước sử dụng và khai thác thủy điện. Cụ thể là các hồ: Thượng Kon Tum, Đăk Bla 1, PleiKrông, Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4 và Sê San 4A. Các công trình này đều được vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa được ban hành trong quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng chính phủ.

Thông số chủ yếu của các hồ chứa trên lưu vực sông Sê San

Nguồn: Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San