Trả lời
Các vấn đề nổi cộm về tài nguyên nước dưới đất của vùng dự án:
Vấn đề nguy cơ ô nhiễm nguồn nước dưới đất
– Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước các tầng chứa nước phía trên từ nước thải của các hoạt động khai khoáng và các hoạt động công nghiệp. Theo thống kê của Tập đoàn công nghiệp than – khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc, Sở Công thương Quảng Ninh thì mỗi năm các cơ sở sản xuất than thải ra môi trường khoảng trên 100 triệu mét khối nước (năm 2019 là 129 triệu mét khối), hàng triệu mét khối đất đá thải (năm 2019 là 209,7 triệu mét khối), hàng trăm ha thảm thực vật bị phá hủy…Với điều kiện địa hình của khu vực nghiên cứu, việc khai thác than gây ra nhiều bất cập khi nguồn thải đều đổ ra cửa sông, vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long gây bồi lắng, làm ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nước biển ven bờ và chất lượng nước trong các tầng chứa nước phía trên. Nước thải ngành than có tính axit và hàm lượng kim loại nặng cao, là tác nhân và một trong những nguyên nhân gây suy giảm đa dạng sinh học vùng bờ (san hô, thảm cỏ biển….) thời gian qua.
– Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước các tầng chứa nước phía trên từ nước thải Y tế Nước thải y tế chứa vô số loại vi sinh vật, vi khuẩn, virus lây lan bệnh truyền nhiễm và các mầm bệnh khác của người bệnh; các chất kháng sinh và các dược chất, kể cả các chất phóng xạ (dùng trong chẩn đoán và điều trị); các hóa chất và kim loại được thải ra trong các hoạt động của bệnh viện (hóa chất xét nghiệm, các kim loại có trong các thiết bị dụng cụ y tế); các chất thải giống như nước thải sinh hoạt.
Theo thống kê từ báo cáo hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Ninh và báo cáo hiện trạng môi trường thành phố Hải Phòng, thành phố Hải Phòng có 2/32 cơ sở y tế công lập chưa có hệ thống xử lý nước thải, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 32 cơ sở y tế, bệnh viện lớn, có tổng lượng nước thải trung bình đạt 1.441,7 m³/ngày. Trong số 32 cơ sở y tế, có 21 cơ sở đã có trạm xử lý nước thải với công suất từ 25 đến 500 m³/ngày, 11 cơ sở chưa xây dựng trạm xử lý hoặc trạm xử lý không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, không đảm bảo yêu cầu chất lượng nước sau xử lý. Đây cũng là vấn đề cần được khắc phục ngay trong thời gian tới.
– Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước các tầng chứa nước phía trên từ nước thải phát sinh từ các nghành nghề dịch vụ
Nước thải phát sinh do nhu cầu sử dụng của khách du lịch cũng tạo sức ép lớn đến hạ tầng xử lý nước thải của các địa phương tại khu vực nghiên cứu cũng đặt ra vấn đề về an toàn chất lượng nước dưới đất các tầng chứa nước phía trên. Năm 2019 khu vực tỉnh Quảng Ninh đón khoảng 14 triệu lượt khách, tính nhu cầu dùng nước trung bình
200l/người/ngày, mỗi khách lưu trú trung bình 2 ngày thì lượng nước thải phát sinh 5,6 triệu 3/năm. Trong khi chỉ có Hạ Long có trạm xử lý nước thải tập trung, tuy nhiên cũng đang quá tải, còn các địa phương khác cũng mở rộng du lịch nhưng lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
– Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước các tầng chứa nước phía trên từ rác thải chôn lấp, xử lý không đúng cách.
Theo tài liệu thu thập cho thấy tại các khu xử lý chất thải quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hầu hết đáy của các bãi chôn lấp, xử lý này đều được thiết kế có hệ thống thu nước đáy bãi rác tuần hoàn về xử lý rác. Tuy nhiên, các bãi rác, bãi chôn lấp vừa và nhỏ hiện tại chưa có biện pháp xử lý nước thải (nước rỉ rác), chưa có biện pháp xử lý nền khu vực bãi rác dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nước trong các tầng chứa nước bên trên.
Vấn đề nhiễm mặn nước dưới đất
Theo tài liệu thu thập các nghiên cứu giai đoạn trước cũng như tài liệu nghiên cứu của dự án đã xác nhận vấn đề nhiễm mặn nước dưới đất, đặc biệt là các tầng chứa nước phía trên tại khu vực nghiên cứu. Cụ thể các khu vực nhiễm mặn như sau:
– Tầng chứa nước Holocen: Bao gồm phía Nam thị xã Đông Triều, khu vực phía Tây, Tây Nam thị xã Quảng Yên, khu vực ven biển thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả,thành phố Móng Cái, huyện Hải Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh và hầu hết phạm vi thành phố Hải Phòng.
– Tầng chứa nước Pleistocen: Phạm vi nhiễm mặn tầng chứa nước bao gồm hầu hết phạm vi thành phố Hải Phòng.
– Các tầng chứa nước khe nứt khu vực các huyện Thủy Nguyên, An Dương, An Lão, Dương Kinh, Kiến Thụy, thị xã Đồ Sơn, các quận Kiến An, Lê Chân thuộc thành phố Hải Phòng theo tài liệu thu thập cũng đã xuất hiện hiện tượng nhiễm mặn.
Những vùng bị nhiễm mặn gây khó khăn cho quá trình nuôi trồng và canh tác của người nông dân, năng xuất giảm đang là vấn đề đáng quan ngại và cần được quan tâm trong thời gian tới.
Vấn đề sụt lún và suy giảm mực nước dưới đất
Theo tài liệu thu thập khu vực nghiên cứu đã xuất hiện vấn đề sụt lún gây ảnhhưởng tới sinh hoạt của dân cư, nhiều hộ dân trong các khu vực này phải di dời. Các khu vực này có các hoạt động khai thác nước, khai khoáng, tháo khô mỏ và một số có sự phân bố các trầm tích đá vôi Cacbonat, tuy các khu vực đều diễn ra hoạt động khai thác nước nhưng hiện tại vẫn không có đủ cơ sở để kết luận hiện tượng sụt lún này có phải do khai thác nước dưới đất gây ra hay không cần tiến hành nghiên cứu đánh giá chi tiết cho từng vùng. Các khu vực xuất hiện sụt lún cụ thể như sau:
– Bãi Cháy- Hạ Long: Theo ghi nhận, tại khu vực Tổ 3 phường Hà Lầm: hiện tại nước trong giếng đào các hộ dân đã có dấu hiệu suy giảm (mực nước năm 2017 giảm 3m so với năm 2012), đồng thời có hiện tượng lún, nứt nhà cửa sân vường khiến cho khoảng 60-70 hộ dân tổ 36 phường Hà Lầm phải di dời.
– Cẩm Phả: Khu 13, phường Mông Dương: Năm xảy ra 2016, phạm vi Khu 13. Theo phản ánh của nhân dân địa phương về tình trạng sụt lún và nứt vỡ nhà cửa, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo tại Khu 13, phường Mông Dương, kết quả khảo sát cho thấy, tình trạng lún nứt nhà cửa diễn ra khá nghiêm trọng, rất nhiều hộ dân của khu 13 đã phải phá bỏ nhà cửa và di dời đi chỗ khác.
Khu vực tổ 50, khu Hải Sơn 1: Thời gian tháng 7-8/2013, quy mô ảnh hưởng đến 17 hộ gia đình, sâu 2-3m.
Phường Cẩm Sơn: Thời gian tháng 4/2018, quy mô bán kính 5m, sâu 3-4m.
Phường Cẩm Sơn: Thời gian tháng 4/2018, quy mô 200m2, sâu 3m.
– Đông Triều: Kết quả khảo sát, thu thập tài liệu, phỏng vấn người dân cho thấy, trên địa bàn có xảy ra tình trạng sụt lún nền đất tại Xã Hoàng Quế với 04 hố sụt, quy mô từ vài chục đến hàng trăm mét, nghiêm trọng nhất là tại thôn Nội Hoàng Đông.