Trả lời:
Kết quả của dự án điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đã tác động đối với công tác quản lý nhà nước ngành hoặc lĩnh vực, hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường:
a) Đánh giá tác động kết quả nhiệm vụ hoàn thành đối với công tác quản lý nhà nước ngành/lĩnh vực
Kết quả của Dự án là những số liệu hết sức có giá trị đã được điều tra, thu thập, cập nhật từ nhiều công trình nghiên cứu trước và kết quả điều tra, khảo sát thực tế tài nguyên nước dưới đất của dự án trong thời gian qua. Các sản phẩm này sau khi bàn giao bàn giao sẽ được sử dụng vào xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế các vùng. Đặc biệt là kế hoạch khai thác nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
Công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất của Dự án được thực hiện ở mức độ chi tiết (tỷ lệ 1:25.000) đã nâng mức độ nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 của nước ta thêm 635,4 km2. Kết quả của dự án đã tìm kiếm được nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng đáp ứng được yêu cầu cung cấp nước sinh hoạt ở 88 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xác định được khu vực có triển vọng, vị trí các công trình khai thác nước dưới đất, khoan và kết cấu 224 lỗ khoan khai thác có lưu lượng đạt 39.328 m3/ngày, chất lượng nước tốt được kết cấu đảm bảo điều kiện để khai thác bền vững, đồng thời lập bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:25.000 ở các vùng điều tra.
Số liệu của Dự án sẽ được dùng để các trường đại học, các nhà khoa học, các sinh viên sử dụng trong quá trình đào tạo, nghiên cứu và học tập trong lĩnh vực tài nguyên nước, địa chất, địa chất thủy văn,…
b) Hiệu quả về kinh tế
Dự án đã mang lại những lợi ích kinh tế to lớn. Kết quả tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại 88/89 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước với tổng trữ lượng khai thác đạt 39.328 m3/ng, có khả năng cung cấp nước sạch cho gần 0,4 triệu người (với định mức 100 lít/người/ng). Sau khi được khai dẫn xây dựng mạng cấp nước cho các vùng sẽ nâng cao tỷ lệ người dân được cấp nước sạch tại các tỉnh thực hiện Dự án, người dân sẽ không còn cảnh hàng ngày phải đi lấy nước rất xa khu dân cư, đặc biệt là các vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn. Hơn thế nữa, ở những vùng khan hiếm nước, việc cải thiện tình hình cung cấp nước sạch cho đồng bào sẽ giảm chi phí sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội của các vùng. Điều này đã đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của các vùng.
Với tổng mức đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất của Dự án trong Giai đoạn 2 thực hiện tại 89 vùng là 126.757.623.938 đồng và tổng lưu lượng khai thác công trình dự báo của các công trình tìm kiếm nước dưới đất đạt 39.328 m3/ng thì chi phí giá thành đầu tư cho công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước trung bình cho 1 mét khối nước khai thác trong 27 năm là 322 đồng.
Ngoài ra, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch, hợp vệ sinh cho đồng bào ở các vùng núi cao sẽ làm giảm đáng kể tình trạng nhiễm các bệnh liên quan đến nguồn nước như: thương hàn, tiêu chảy, lỵ, sốt rét, tả, đau mắt hột…, một số bệnh thường gặp nhất là đối với trẻ em, phụ nữ, góp phần làm giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khoẻ nhân dân.
c) Hiệu quả về xã hội
Các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước trong phạm vi thực hiện của Dự án chủ yếu là các xã vùng dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ đói nghèo cao, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn và yếu kém.
Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, các vùng này đã được Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương đồng thuận, quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình, dự án với quyết tâm cao. Mặc dù đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn như Chương trình 134, 135, Chương trình cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn,… nhưng vấn đề cung cấp nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh cho người dân ở các vùng còn chưa được giải quyết triệt để và gặp rất nhiều khó khăn, người dân phải đi hàng chục km để lấy nước.
Kết quả của Dự án có khả năng cung cấp nước sạch đảm bảo vệ sinh cho hơn 0,38 triệu người dân tại 88 vùng núi cao, vùng khan hiếm nước thuộc 25 tỉnh. Việc đảm bảo cung cấp đầy đủ nước sạch đảm bảo vệ sinh mang lại giá trị to lớn đối với người dân, làm giảm bớt những khó khăn trong cuộc sống của người dân ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, từ đó làm cho cuộc sống người dân dần ổn định, thêm vững tin vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực góp sức trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội. Ngoài ra, kết quả của Dự án góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 – 2020.
Ngoài những tác động tích cực mang tích lâu dài đối với xã hội, để Dự án phát huy hiệu quả cao, nguồn nước sạch nhanh chóng đến với đồng bào ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước. Trong quá trình triển khai Dự án, sau khi tìm kiếm được các nguồn nước dưới đất có trữ lượng lớn, chất lượng nước tốt tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức bàn giao Hồ sơ kết quả của Dự án cho các đơn vị liên quan gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh trong phạm vi Dự án để nghiên cứu các giải pháp công nghệ khai thác nước phù hợp, xây dựng kế hoạch khai thác các nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước.
d) Hiệu quả về môi trường
Ngoài hiệu quả về kinh tế và xã hội, Dự án còn có ý nghĩa rất lớn về mặt môi trường. Kết quả thực hiện Dự án ngoài việc tìm kiếm, khoanh định được các vùng có triển vọng khai thác nước còn tính toán xác định trữ lượng nước dưới đất khai thác đảm bảo an toàn, bền vững để không bị suy thoái, cạn kiệt. Đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này.
Đánh giá trữ lượng nước dưới đất trong các tầng chứa nước ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước của Dự án có ý nghĩa rất lớn trong quản lý tài nguyên nước. Đây là cơ sở để các cơ quan quản lý đưa ra các biện pháp quản lý, cấp phép khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước theo hướng hiệu quả và bền vững, giảm thiểu tác động nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.