Kết quả của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, là một dự án quan trọng do Trung Tâm Quy Hoạch và Điều Tra Tài Nguyên Nước Quốc Gia thực hiện, đã chính thức hoàn thành vào năm 2023. Quy hoạch đã được Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà ký Quyết Định số 20/QĐ-TTg ngày 8/1/2024 phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã. Quy hoạch này đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước của lưu vực sông Mã trong thời kỳ 2021-2030, với tầm nhìn mở rộng đến năm 2050.

            Việc phê duyệt quy hoạch này không chỉ là một bước quan trọng trong quá trình phát triển bền vững của khu vực, mà còn là một minh chứng cho sự cam kết và quyết tâm của Chính phủ trong việc bảo vệ tài nguyên nước và môi trường sinh thái. Quy hoạch này sẽ định hình hướng đi cho các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên nước trong các năm tới, góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực và cả nước

            Việc hoàn thành nội dung theo yêu cầu của Quy hoạch tổng thể lưu vực sông Mã đã đánh dấu một bước quan trọng trong việc bảo vệ và quản lý nguồn nước, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực. Với mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân phối tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, thảm phủ thực vật và đa dạng sinh học. Bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và tác hại do nước gây ra gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, di sản, di tích lịch sử văn hóa; có lộ trình phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, đáp ứng yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Từng bước thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia trên cơ sở xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên nước, bảo đảm kết nối với hệ thống thông tin tài nguyên môi trường, các ngành có khai thác, sử dụng nước.

            Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh với phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ diện tích lưu vực sông Mã nằm trong lãnh thổ Việt Nam thuộc địa giới hành chính các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng diện tích 17.653 km2 và được phân chia thành 08 tiểu vùng quy hoạch gồm: thượng sông Mã; trung sông Mã; Nam sông Mã – Bắc sông Chu; Bắc sông Mã; lưu vực sông Bưởi; lưu vực sông Âm; thượng sông Chu; Nam sông Chu

Quy hoạch đã hoàn thành các nội dung chính theo yêu cầu của nhiệm vụ lập quy hoạch:

1. Đã xây dựng được 10 nội dung chủ yếu, bảo đảm quy định của văn bản pháp luật về tài nguyên nước, cụ thể hóa các giải pháp của quy hoạch cấp trên như Quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…

2. Đã xác định được tài nguyên nước hiện có và xu thế diễn biến trong kỳ quy hoạch có xét đến ảnh hưởng của BĐKH theo không gian (vùng, tỉnh), thời gian (tháng,mùa, năm) và các mức bảo đảm khác nhau;

3. Đã xác định hiện trạng khai thác, sử dụng nước và nhu cầu sử dụng nước của các đối tượng theo không gian (vùng, tỉnh), thời gian (tháng, năm);

4. Đã xây dựng được hệ thống thông tin và mô hình số để lập quy hoạch và phục vụ giám sát thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt;

5. Đã xây dựng được 06 kịch bản tính toán và phân tích lựa chọn phương án phù hợp phân bổ nguồn nước trong trường hợp bình thường và trường hợp xảy ra thiếu nước;

6. Đã đề xuất được danh mục các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước; chức năng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu, vùng bổ sung nhân tạo nước dưới đất, nguồn nước dự phòng, mạng giám sát thực hiện quy hoạch;

7. Đã xác định được 03 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch: (1) Hoàn thiện thể chế, chính sách, các quy chuẩn về khai thác, sử dụng, tái sử dụng tài nguyên nước;(2) Điều hòa, phân bổ, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tái sử dụng nước góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước; (3) Khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế;

8. Đã xác định các nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, 05 tỉnh thuộc lưu vực trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch.

Các kết quả chính đạt được cụ thê như sau:

1. Tổng lượng tài nguyên nước trung bình nhiều năm trên lưu vực sông Mã như sau:

– Giai đoạn 1980 – 2022: 23,59 tỷ m3(nước mặt khoảng 19,73 tỷ m3 chiếm 84%, nước dưới đất khoảng 3,86 tỷ m3 chiếm 16%).

– Giai đoạn 2023 – 2030: 24,91 tỷ m3 (nước mặt khoảng 21,05 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 3,86 tỷ m3); nước mặt tăng khoảng 6,2 % so với giai đoạn 1980 – 2022301 (lượng mưa theo kịch bản BĐKH 2020 tăng khoảng 18%).

– Giai đoạn 2031 – 2035: 25,12 tỷ m3 (nước mặt khoảng 21,26 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 3,86 tỷ m3); nước mặt tăng khoảng 7,2% so với giai đoạn 1980 – 2022 (lượng mưa theo kịch bản BĐKH 2020 tăng khoảng 22%).

– Giai đoạn 2036 – 2040: 24,97 tỷ m3 (nước mặt khoảng 21,11 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 3,86 tỷ m3); nước mặt tăng khoảng 6,3% so với giai đoạn 1980 – 2022 (lượng mưa theo kịch bản BĐKH 2020 tăng khoảng 20%).

– Giai đoạn 2031 – 2035: 24,81 tỷ m3 (nước mặt khoảng 20,95 tỷ m3, nước dưới đất khoảng 3,86 tỷ m3); nước mặt tăng khoảng 5,6% so với giai đoạn 1980 – 2022 (lượng mưa theo kịch bản BĐKH 2020 tăng khoảng 15%).

2. Lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên lưu vực sông Mã đến năm 2030 khoảng 21,41 tỷ m3 (nước mặt 20,6 tỷ m3 sau khi chuyển nước qua đập Bái Thượng về lưu vực sông Yên khoảng 448 triệu m3/năm; nước dưới đất 0,81 tỷ m3).

3. Lượng nước có thể phân bổ cho các đối tượng khai thác, sử dụng trên lưu vực sông Mã đến năm 2030 khoảng 15,17 tỷ m3 (nước mặt 14,37 tỷ m3 sau khi giành khoảng 6,23 tỷ m3/năm để duy trì dòng chảy tối thiểu; nước dưới đất 0,80 tỷ m3 sau khi giành khoảng 5,43 triệu m3/năm làm lượng nước dự phòng cho sinh hoạt trong 90 ngày).

4. Nhu cầu sử dụng nước cho các ngành kinh tế trên lưu vực sông Mã:

– Năm 2022: khoảng 1.927 triệu m3/năm;

– Năm 2025: khoảng 1.958 triệu m3/năm, tăng 1,63% so với năm 2022;

– Năm 2030: khoảng 1.878 triệu m3/năm, giảm 2,9% so với năm 2022, giảm 4,5% so với 2025;

– Năm 2035 khoảng 1.885 triệu m3/năm, giảm 2,2% so với năm 2022, giảm 3,8% so với 2025 và tăng 0,8% so với 2030;

– Năm 2040 khoảng 1.898 triệu m3/năm, tăng 0,6% so với 2035;

– Năm 2050: khoảng 1.927 triệu m3/năm, tăng 1,5% so với năm 2040.

5. Xác định chức năng nguồn nước trong kỳ quy hoạch cho 27 đoạn sông trên 09 sông liên tỉnh thuộc 08 vùng quy hoạch và phân vùng mặn nhạt cho các tầng chứa nước qh, qp thuộc vùng đồng bằng Thanh Hóa.

6. Xác định lượng nước phân bổ cho từng đối tượng sử dụng nước trong kỳ quy hoạch theo không gian (vùng, tỉnh), thời gian (tháng, mùa, năm) và các mức bảo đảm khác nhau.

7. Tính toán, xác định nhu cầu chuyển nước từ lưu vực sông Mã sang lưu vực sông Yên khoảng 392,3 triệu m3/năm và giai đoạn 2030-2050 khoảng 448 triệu m3/năm.

8. Các đoạn sông trên các sông Mã, Bưởi chảy qua khu đô thị, khu dân cư tập trung cần bảo vệ để bảo đảm sự lưu thông dòng chảy.

9. Đề xuất các khu vực có khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất thuộc các huyện của tỉnh Thanh Hóa: Yên Định, Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa,Nga Sơn, Hậu Lộc.

10. Xác định các đoạn sông trên các sông Mã, Bưởi, Chu đang được sử dụng để cấp nước cho sinh hoạt cần phải xử lý.

Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Mã được xây dựng trên cơ sở các quy định về quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch góp phần giải quyết những thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực sông Mã và hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch./.