Trong bối cảnh những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và sự tăng cường hoạt động kinh tế ở vùng ven biển, việc thực hiện Dự án:" Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ " có ý nghĩa đặc biệt đối với việc đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhờ vào việc nắm bắt thông tin và đánh giá sơ bộ về tài nguyên nước một cách chính xác, chúng ta có thể xác định và áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa của vùng ven biển vịnh Bắc Bộ trong tương lai.
Dự án này được giao cho Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì quản lý, Trung tâm giao cho Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc thực hiện, theo sự phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua Quyết định số 1504/QĐ-BTNMT ngày 02 tháng 8 năm 2011 và Quyết định số 99/QĐ-BTNMT ngày 28/01/2013.
Dự án “Điều tra, đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ” đã được tiến hành điều tra thực địa với tỷ lệ 1:50.000 theo các quy định hiện hành trọng tâm là thông tư 12/2014/TT-BTNMT và thông tư 13/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành ngày 17/02/2014 quy định kỹ thuật điều tra đánh giá tài nguyên nước mặt và nước dưới đất. Dự án đã thực hiện đầy đủ bộ sản phẩm theo yêu cầu và đạt được những mục tiêu của dự án theo phạm vi này. Các kết quả chính đạt được như sau:
1- Dự án đã thu thập các thông tin tài liệu có liên quan, cập nhật các tài liệu mới và sắp xếp phân loại theo quy định tại Nghị định 73/2017/NĐ-CP của Chính Phủ. Các thông tin điều tra tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 được rà soát tổng hợp tại hai bộ Phụ lục chính về tài nguyên nước mặt và tài nguyên nước dưới đất. Trong đó tài nguyên nước mặt điều tra tổng số 4654 tuyến, đo đạc 67 mặt cắt, quan trắc bổ sung dòng chảy tại 6 điểm trên các sông suối, lấy và phân tích 92 mẫu nước, tổng hợp 1296 mẫu chất lượng nước. Tài nuyên nước dưới đất điều tra tỷ lệ 1:50.000 với diện tích 2.406 km² và tổng điểm điều tra 5.282 điểm, tổng hợp từ tài liệu hiện có với diện tích 4.214 km2,với tổng điểm là 8.721 điểm. Thực hiện công tác địa vật lý và khoan 1 lỗ khoan VB03 tại huyện Đầm Hà và đồng thời tiến hành quan trắc động thái trong 01 năm. Bên cạnh đó thực hiện công tác bơm thổi rửa, hút nước thí nghiệm lỗ khoan, lấy và phân tích 285 mẫu nước phục vụ công tác tính toán trữ lượng, chất lượng tài nguyên nước dưới đất.
2- Đánh giá tài nguyên nước mặt
– Đã đánh giá sơ bộ đặc điểm và các đặc trưng cơ bản của các nguồn nước chủ yếu trong vùng dự án.
– Đã đánh giá sơ bộ tiềm năng, tổng lượng tài nguyên nước trên các sông có chiều dài ≥20km trên phạm vi toàn vùng, trong đó:
Tổng lượng dòng chảy năm trung bình của các sông trên vùng dự án khoảng 76,66 tỷ m³, trong đó 70,06 tỷ m³ (91,4%) từ vùng lân cận chảy vào và 6,60 tỷ m³(8,6%) được hình thành trên diện tích vùng dự án.
3- Đánh giá tài nguyên nước dưới đất
Tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất khu vực nghiên cứu là 5.603.076 m3/ngày trong đó tổng tiềm năng tài nguyên nước nhạt là 3.697.926 m3/ngày và nước mặn là 1.905.150 m3/ngày, tầng chứa nước qh có tổng tiềm năng tài nguyên lớn nhất là 1.621.866 m3/ngày,tầng p1-2 có tổng tiềm năng tài nguyên nhỏ nhất là 5.269 m3/ngày.
Tổng trữ lượng có thể khai thác trên phạm vi nghiên cứu là 1.601.600 m3/ngày, trong đó tầng chứa nước qh có trữ lượng có thể khai thác lớn nhất với trữ lượng có thể khai thác tính toán được là 486.655 m3/ngày.
4- Đã phân vùng và đánh giá sơ bộ chất lượng các nguồn nước, sơ bộ nhận định, đánh giá sự thay đổi chất lượng nước theo thời gian. Phân loại các đoạn sông, hồ đáp ứng cho mục đích sinh hoạt, nông nghiệp hay giao thông thủy.
5- Đánh giá sơ bộ khả năng khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho nhu cầu cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho vùng dự án, từ đó đưa ra phương phướng khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ tài nguyên nướct. Phương hướng khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất và nước mặt được đề xuất cho từng huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn nghiên cứu.
6- Lập các loại bản đồ chuyên môn về tài nguyên nước, để phục vụ công tác quản lý tài nguyên nước, lập các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng dự án.
Một số vấn đề còn tồn tại:
Do nguồn vốn ngân sách được cấp hạn hẹp đã kéo dài thời gian thi công dự án làm hạn chế phần nào hiệu quả sử dụng và nhất là chưa đảm bảo được tính phục vụ cấp thiết kịp thời của dự án đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực.
Mặc dù báo cáo đã đạt được những kết quả nhất định nêu trên, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số vấn đề chưa được nghiên cứu, giải quyết thỏa đáng như:
– Việc đánh giá tổng lượng nước sông, ngòi (bao gồm lượng nước chảy vào, ra)trong vùng dự án nói chung và các tỉnh nói riêng còn nhiều khó khăn vì mạng lưới sông ngòi dày đặc, đan xen lẫn nhau, chịu tác động của thủy triều, không có số liệu đo đạc và việc tính toán từ mô hình gặp không ít khó khăn.
– Về nhiễm bẩn nước dưới đất mới thực hiện được phần nghiên cứu hiện trạng,đánh giá chất lượng nước dưới đất mà chưa tìm được nguồn gốc nhiễm bẩn để đề ra được các biện pháp khắc phục hoặc ngăn ngừa nhiễm bẩn.
Các tồn tại nêu trên là những vấn đề rất quan trọng đòi hỏi phải được đầu tư đúng mức cả về tiền bạc lẫn chất xám mới có thể giải quyết được.