Kết quả thực hiện đề án:” Bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn – giai đoạn II “

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trầm trọng, đặc biệt là tình trạng khai thác nước dưới đất quá mức, việc bảo vệ nước dưới đất trở thành một nhu cầu thiết yếu. Với mục tiêu đánh giá nguồn nước dưới đất ở các đô thị lớn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất tại các đô thị lớn, Đề án :”Bảo vệ nước dưới đất các đô thị lớn – giai đoạn II” đã được triển khai từ năm 2020.

Đề án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì và các đơn vị trực thuộc Trung tâm thực hiện bao gồm: Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam; Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước; Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ tài nguyên nước; Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước. Sau hai năm khẩn trương thi công trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành, vùng miền phải thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 đã được hoàn thành vào cuối năm 2021 thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia và các đơn vị trực tiếp tham gia thi công Đề án, cùng với sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước dưới đất. Sau đây là  chi tiết về kết quả thực hiện đề án và đánh giá tác động của nó đến nguồn nước ngầm tại các đô thị lớn.

Đề án đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng công việc đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ Chính phủ đã đặt ra. Kết quả của Đề án đã đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất ở 8 đô thị lớn là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau, đồng thời đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất cho 8 đô thị lớn. Đây sẽ là sản phẩm phục vụ hữu ích cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội ở các đô thị trong thời gian tới.

Đề án đã tổng rà soát, cập nhật toàn bộ các tài liệu điều tra cơ bản về tài nguyên nước dưới đất ở 8 đô thị lớn của nước ta từ trước đến nay, tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá chi tiết về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề cần bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Có thể nói đây là lần đầu tiên toàn bộ 8 đô thị lớn thực hiện trong Giai đoạn II cũng như 9 đô thị lớn thực hiện trong Giai đoạn I của nước ta được đầu tư một cách toàn diện, chi tiết và bài bản nhất về điều tra cơ bản tài nguyên nước dưới đất. Phát huy những thành quả đạt được và những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai thực hiện 9 đô thị lớn trong Giai đoạn I. Do đó, các số liệu đánh giá về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất ở 8 đô thị lớn trong phạm vi Đề án có độ tin cậy cao, các giải pháp kỹ thuật đưa ra để bảo vệ nước dưới đất khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nước, phát triển bễn vững tài nguyên nước đồng thời phục vụ hữu ích cho mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của các đô thị.

Khoan thăm dò địa chất thủy văn tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu

Quá trình thi công và lập báo cáo tổng kết Đề án, tập thể tác giả đã cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi thảo luận để lựa chọn các phương pháp tính toán, kỹ thuật công nghệ hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế ở 8 đô thị nước ta bằng các phương pháp đánh giá tài nguyên nước dưới đất từ kinh điển đến hiện đại như áp dụng các mô hình số trong lĩnh vực địa chất thủy văn, các phương pháp đánh giá dự báo nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn của nước dưới đất, các phương pháp dự báo lún mặt đất do quá trình khai thác nước gây ra và nhiều phương pháp khoa học hiện đại khác. Một số kết quả chính đạt được của Đề án cụ thể như sau:

1) Kết quả của Đề án đã làm sáng tỏ được cấu trúc địa chất thủy văn, điều kiện tồn tại, sự phân bố của các tầng chứa nước ở 8 đô thị lớn. Theo đó toàn bộ 8 đô thị lớn có 19 tầng chứa nước chính cần phải bảo vệ. Trong đó: đô thị Bắc Ninh có 3 tầng chứa nước cần bảo vệ (qh, qp, t3); đô thị Vĩnh Yên có 2 tầng chứa nước cần bảo vệ (qh, qp); đô thị Quảng Ngãi có 2 tầng chứa nước cần bảo vệ (qh, qp); đô thị Tuy Hòa có 2 tầng chứa nước cần bảo vệ (qh, qp); đô thị Long Xuyên có 2 tầng chứa nước cần bảo vệ (qp2-3, n22); đô thị Rạch Giá có 2 tầng chứa nước cần bảo vệ (qp2-3, qp1); đô thị Bạc Liêu có 3 tầng chứa nước cần bảo vệ (qp2-3, qp1, n22) và đô thị Cà Mau có 3 tầng chứa nước cần bảo vệ (qp2-3, n22, n21).

2) Tổng tiềm năng tài nguyên nước dưới đất tại 8 đô thị là 3.852.962m3/ngày, trong đó phần nước nhạt là 3.180.056m3/ngày, phần nước mặn là 672.906m3/ngày. Tổng trữ lượng có thể khai thác phần nước nhạt là 1.210.033m3/ngày, trong đó: đô thị Bắc Ninh là 287.186m3/ngày; đô thị Vĩnh Yên là 231.489m3/ngày; đô thị Quảng Ngãi là 100.414m3/ngày; đô thị Tuy Hòa là 206.847m3/ngày; đô thị Long Xuyên là 53.018m3/ngày; đô thị Rạch Giá là 35.640m3/ngày; đô thị Bạc Liêu là 120.510m3/ngày và đô thị Cà Mau là 174.929m3/ngày. Đề án cũng đã đánh giá đầy đủ nhất về hiện trạng chất lượng nguồn nước dưới đất, phân vùng các khu vực nước dưới đất có chất lượng tốt, đảm bảo cấp nước cho ăn uống sinh hoạt và phát triển kinh tế của từng đô thị.

3) Đề án đã thống kê đầy đủ và chi tiết tình hình khai thác sử dụng nước dưới đất, các nguồn gây ô nhiễm nước dưới đất, đồng thời đánh giá được các nguy cơ ô nhiễm, nhiễm mặn và các tác động ảnh hưởng đến tài nguyên nước dưới đất tại 8 đô thị lớn. Theo đó, tổng lượng nước dưới đất đang được khai thác, sử dụng tại 8 đô thị lớn hiện nay khoảng 352.157m3/ngày. Trong đó khai thác quy mô tập trung bởi các nhà máy nước công suất lớn khoảng 178.902m3/ngày; khai thác nước đơn lẻ của các công ty, xí nghiệp khoảng 54.913m3/ngày và khai thác nước nông thôn khoảng 118.342m3/ngày. Tổng lượng khai thác nước dưới đất hiện nay ở từng đô thị cụ thể: đô thị Bắc Ninh là 90.418m3/ngày; đô thị Vĩnh Yên là 54.476m3/ngày; đô thị Quảng Ngãi là 26.734m3/ngày; đô thị Tuy Hòa là 50.619m3/ngày; đô thị Long Xuyên là 10.410m3/ngày; đô thị Rạch Giá là 2.101m3/ngày; đô thị Bạc Liêu là 40.256m3/ngày và đô thị Cà Mau là 77.183m3/ngày.

4) Trên cơ sở đánh giá chi tiết nguồn nước dưới đất và các vấn đề cụ thể cần phải bảo vệ ở mỗi đô thị, Đề án đã đề xuất được các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, phòng ngừa, hạn chế, giảm thiểu tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất ở 8 đô thị lớn. Các giải pháp kỹ thuật chủ yếu cho mỗi đô thị bao gồm: Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Phương án khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất; Phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất; Khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước; Khoanh vùng bảo hộ vệ sinh công trình khai thác nước dưới đất; Thiết kế mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất.

– Đối với khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: Đề án đã tính toán và xác định tổng diện tích các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi 8 đô thị lớn khoảng 1.028,68 km2. Trong đó, đô thị Bắc Ninh 175,01 km2; đô thị Vĩnh Yên 152,92 km2; đô thị Quảng Ngãi 107,37 km2; đô thị Tuy Hòa 155 km2; đô thị Long Xuyên 111,81 km2; đô thị Rạch Giá 37,3 km2; đô thị Bạc Liêu 74,3 km2 và đô thị Cà Mau 214,97 km2.

– Đối với phương án khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất: Trên cở sở trữ lượng có thể khai thác nước dưới đất ở mỗi đô thị, điều kiện thực tiễn về công nghệ khai thác hiện nay và quỹ đất có thể bố trí được các hành lang, bãi giếng khai thác tại các đô thị, cũng như nhu cầu sử dụng nước… Đề án đã tính toán các phương án khai thác nước dưới đất theo các kịch bản khác nhau từ đó đề xuất phương án khai thác sử dụng tài nguyên nước dưới đất hợp lý nhất, đồng thời xác lập kế hoạch, lộ trình thực hiện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho từng đô thị. Theo đó, tổng lượng nước dưới đất khai thác theo phương án hợp lý đến năm 2025, 2030 và 2050 tại 8 đô thị lần lượt là 408.751m3/ngày, 442.034m3/ngày và 533.146m3/ngày. Trong đó lượng nước khai thác đến năm 2030 và 2050 tại từng đô thị lần lượt như sau: đô thị Bắc Ninh là 101.678m3/ngày; đô thị Vĩnh Yên là 141.867m3/ngày và 213.549m3/ngày; đô thị Quảng Ngãi là 59.778m3/ngày; đô thị Tuy Hòa là 56.862m3/ngày và 66.465 m3/ngày; đô thị Long Xuyên là 6.920m3/ngày; đô thị Rạch Giá là 10.576m3/ngày và 10.000m3/ngày; đô thị Bạc Liêu là 22.953m3/ngày và 23.370m3/ngày và đô thị Cà Mau là 41.400m3/ngày và 51.386m3/ngày.

– Đối với phương án hồi phục trữ lượng, chất lượng nước dưới đất: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu các vấn đề cần bảo vệ nước dưới đất ở mỗi đô thị, Đề án đã phân tích, đánh giá, khoanh định các khu vực cần phải phục hồi trữ lượng, chất lượng nước dưới đất và xác lập giải pháp kỹ thuật để phục hồi trữ lượng nước dưới đất ở các khu vực đã xảy ra cạn kiệt hoặc có nguy cơ cạn kiệt nước dưới đất, cũng như các khu vực bị ô nhiễm, xâm nhập mặn nước dưới đất bằng phương pháp bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất kết hợp giải pháp khai thác thấm lọc ven sông để tăng cường nguồn bổ cập cho nước dưới đất. Theo đó trên phạm vi 8 đô thị có 20 vùng cần phục hồi trữ lượng, chất lượng nước dưới đất với tổng diện tích 352,66km2. Trong đó, đô thị Bắc Ninh có 2 vùng với diện tích 1,37km2; đô thị Vĩnh Yên có 3 vùng với diện tích 103,6km2; đô thị Quảng Ngãi có 2 vùng với diện tích 19,41km2; đô thị Tuy Hòa có 3 vùng với diện tích 10,75km2; đô thị Long Xuyên có 3 vùng với diện tích 69,6km2; đô thị Rạch Giá có 7 vùng với diện tích 75,3km2; đô thị Bạc Liêu có 2 vùng với diện tích 20,53km2 và đô thị Cà Mau có 3 vùng với diện tích 52,1km2.

– Đối với khoanh vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước: Đề án đã phân tích, khoanh định các khu vực là miền cấp cho các tầng chứa nước từ nước mưa, từ các khu vực nước dưới đất có quan hệ thủy lực chặt chẽ với nước mặt cần phải bảo vệ ở 4 đô thị gồm Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Quảng Ngãi và Tuy Hòa. Theo đó toàn bộ 4 đô thị nêu trên có 17 vùng cần bảo vệ miền cấp với tổng diện tích 1.492,82km2. Trong đó, đô thị Bắc Ninh có 2 vùng với diện tích 227,9km2; đô thị Vĩnh Yên có 3 vùng với diện tích 121,59km2; đô thị Quảng Ngãi có 2 vùng với diện tích 680,59km2; đô thị Tuy Hòa có 10 vùng với diện tích 462,74km2. Các đô thị gồm Long Xuyên, Rạch Giá, Bạc Liêu và Cà Mau không thực hiện việc khoanh định vùng bảo vệ miền cấp cho các tầng chứa nước ở các đô thị này.

– Đối với khoanh vùng bảo hộ vệ sinh cho các công trình khai thác nước dưới đất: Đề án đã khoanh định đới phòng hộ vệ sinh cho 462 công trình khai thác nước dưới đất ở 8 đô thị theo đúng quy định hiện hành với tổng diện tích đới I là 0,57km2. Trong đó, đô thị Bắc Ninh có 77 công trình; đô thị Vĩnh Yên có 45 công trình; đô thị Quảng Ngãi có 68 công trình; đô thị Tuy Hòa có 47 công trình; đô thị Long Xuyên có 35 công trình; đô thị Rạch Giá có 13 công trình; đô thị Bạc Liêu có 72 công trình và đô thị Cà Mau có 105 công trình.

– Đối với thiết kế mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất: Đề án đã tính toán, luận chứng thiết kế hoàn thiện được mạng quan trắc, giám sát tài nguyên nước dưới đất tại 8 đô thị một cách toàn diện nhất để bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Trên phạm vi 8 đô thị lớn hiện nay có tổng số 143 công trình quan trắc thuộc mạng quan trắc quốc gia, mạng quan trắc địa phương và các công trình đã thi công của Đề án và thiết kế bổ sung 57 công trình quan trắc. Trong đó, đô thị Bắc Ninh bổ sung thêm 5 công trình; đô thị Vĩnh Yên bổ sung thêm 28 công trình; đô thị Quảng Ngãi bổ sung thêm 4 công trình; đô thị Tuy Hòa bổ sung thêm 4 công trình; đô thị Long Xuyên bổ sung thêm 15 công trình; đô thị Rạch Giá bổ sung thêm 1 công trình, đô thị Bạc Liêu và đô thị Cà Mau không bổ sung thêm công trình.

5) Toàn bộ các dữ liệu điều tra cơ bản và các kết quả tính toán, đánh giá về tài nguyên nước dưới đất ở 8 đô thị của Đề án đều được số hóa và cập nhật vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tài nguyên nước đã được xây dựng trong Giai đoạn I một cách đồng bộ và đầy đủ. Phần mềm cơ sở dữ liệu được tích hợp, kết nối các thông tin cơ sở dữ liệu của mạng quan trắc Quốc gia và mạng quan trắc địa phương do đó có thể dễ dàng tra cứu, sử dụng và cập nhật các thông tin về tài nguyên nước phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo vệ tài nguyên nước ở mỗi địa phương.