Việc đập thủy điện Xayaburi trên dòng chính sông Mêkông, trên lãnh thổ Lào, con sông chung giữa nhiều quốc gia trong khu vực, nguồn nước, thủy sản, phù sa chính làm nên và quyết định sự sống của đồng bằng sông Cửu Long. Địa bàn cư trú của 20 triệu người Việt Nam đã được chuẩn bị xây dựng đang là vấn đề nóng trong dư luận nhiều ngày nay. Xây đập Xayaburi, mở đầu cho việc xây dựng 12 đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông sẽ tạo ra một thảm họa sinh thái cho vùng hạ lưu của sông, đe dọa đời sống của 60 triệu người trong đó có gần 30 triệu người sống gần hai bên bờ. Không chỉ đe dọa đời sống của chính họ, việc thay đổi hệ sinh thái sẽ giảm diện tích ngập nước, diện tích đầm lầy và đất nông nghiệp, nơi sản xuất 70% lương thực của lưu vực, đe dọa an ninh lương thực trong toàn khu vực.
Theo các thông tin được biết, tất cả 12 bậc thang thủy điện được xây dựng trên dòng chính chỉ phục vụ cho việc phát điện, không có chức năng điều hòa nguồn nước, giảm lưu lượng mùa lũ và tăng lưu lượng mùa khô (các hồ thủy điện có khả năng tích từ 220 triệu đến 2 tỷ m3 nước, nhưng chỉ giữ được trong ngày, không thể nhiều ngày nên không có tác dụng điều tiết nước theo mùa). Hệ thống 12 đập nước này còn biến dòng chính sông Mêkông thành các hồ chứa suốt một nửa chiều dài của nó, lưu tốc dòng chảy sẽ chậm lại, phù sa bị bồi lắng dọc đường đi của dòng chảy, cắt khúc và thay đổi tập tính sống khiến cho 41 loài tôm cá nước ngọt bị hủy diệt, chưa kể các thực vật thủy sinh khác. Nếu con đập Xayaburi và 11 con đập còn lại được xây dựng đúng như dự kiến, hệ sinh thái nhiều vùng của hạ Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ bị đe dọa. Đối với Việt Nam, sẽ gần như không còn lượng phù sa từng bồi đắp mũi Cà Mau và miền Tây Nam Bộ, không còn mùa nước nổi, một đặc điểm sinh thái đặc biệt, nhờ có nó có thể ngăn mặn xâm nhập đất liền, rửa chua thau mặn, vệ sinh đồng ruộng, cung cấp thủy sản và nhiều động vật đặc sản, cung cấp nước cho các rừng tràm, đước, cỏ năn, thức ăn chính của sếu đầu đỏ… và nhiều nguồn lợi sinh thái khác. Tóm lại, việc xây đập sẽ mang những hậu quả tiêu cực không lường cho một vùng sinh thái hàng triệu héc ta đất màu mỡ và hàng chục triệu người sống dựa vào nguồn lợi của sông ở cuối dòng chảy của nó.
Chính vì điều đó, trên thế giới và ngay tại Thái Lan, nơi một doanh nghiệp trúng thầu xây dựng, cũng là nước mua tới 95% điện sản xuất từ Xayaburi, đã có nhiều tiếng nói phản đối. Ngay từ khi chủ đầu tư triển khai các phần việc chuẩn bị cho khởi công, đã có nhiều cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người phản đối khiến Chính phủ Thái Lan bị giằng co trước hai luồng dư luận trái chiều, một phía là những công ty được hưởng lợi từ dự án và phía ngược lại, các nhà hoạt động bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tại Băngkok, hơn 100 người đã gửi thỉnh nguyện thư có chữ ký của 10.000 người gửi Chính phủ Thái Lan và Lãnh sự quán Lào. Một thỉnh nguyện thư khác của 2.300 người trên thế giới cũng đã kêu gọi ngừng xây dựng đập. Trước đó, thỉnh nguyện thư có chữ ký của 23.110 người cũng đã được gửi tới Thủ tướng các nước trong Ủy hội sông Mêkông và tình nguyện thư của 223 tổ chức tài nguyên, môi trường đã được gửi đến những địa chỉ đó để bày tỏ sự phản đối của mình với chương trình ngăn dòng sông Mêkông, một con sông quốc tế có tầm quan trọng trong khu vực. Với Việt Nam, đã có nhiều tiếng nói thiện chí của nhiều tầng lớp nhân dân, giới khoa học nói chung, nhiều nhà bảo vệ môi trường phân tích và kiến nghị nên hoãn lại để nghiên cứu kỹ hơn việc xây đập vì lợi ích chung của cộng đồng. Ngày 18/4, trước ngày Ủy hội sông Mêkông họp một ngày, Liên hiệp các Hội khoa học – kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức cuộc tọa đàm về đập Xayaburi và nguồn nước sông Mêkông. Tại cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đã lên tiếng phản đối quyết liệt việc triển khai xây đập Xayaburi và các con đập khác trên sông.
Được biết, phía các nhà thầu Thái Lan, bất chấp dư luận trên thế giới và trong khu vực, vẫn xúc tiến việc xây dựng các công trình phụ trợ, chuẩn bị cho việc khởi công nhà máy thủy điện Xayaburi, đó là một việc làm rất cần được suy nghĩ lại. Càng ngày, vấn đề tài nguyên nước, nhất là tài nguyên nước và các tài nguyên khác đi kèm trên các dòng sông quốc tế càng trở nên phức tạp. Chỉ có sự hợp tác chặt chẽ trong việc khai thác, sử dụng công bằng và hợp lý các nguồn tài nguyên như tài nguyên nước sông Mêkông sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của toàn thể các quốc gia trong lưu vực.
(Theo Monre.gov.vn)