Nguồn tài nguyên nước trên các lưu vực sông, trong đó có lưu vực sông Hồng – Thái Bình đang được khai thác quy mô lớn để đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Chính vì thế, để phát triển bền vững đòi hỏi phải mang tính chiến lược và tài nguyên nước đóng một vai trò then chốt và không thể tách rời khỏi phát triển bền vững.
Hiện nay, trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình hầu hết đã có quy hoạch của các ngành khai thác, sử dụng nước như thủy lợi, thủy điện, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt đô thị và nông thôn. Tuy nhiên, các quy hoạch này chỉ tập trung đáp ứng nhu cầu khai thác, sử dụng nước của từng ngành mà chưa xem xét đánh giá toàn diện tiềm năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước của các ngành khác cũng như nhu cầu bảo đảm dòng chảy tối thiểu và duy trì hệ sinh thái thủy sinh.
Để có thể khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình bảo đảm phát triển bền vững, cần thiết phải lập quy hoạch tài nguyên nước, trong đó nội dung về phân bổ nguồn nước cần đặc biệt quan tâm trong các phương án quy hoạch. Đây cũng chính là lý do của việc thực hiện dự án Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
* Mục tiêu dự án:
– Cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước, Kế hoạch hành động nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phòng, chống giảm thiểu tác hại do nước gây ra;
– Gắn kết yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên nước với khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng;
– Làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch khai thác, sử dụng nước của các ngành có liên quan và triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình khai thác, sử dụng nước, phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng-Thái Bình.
* Nội dung quy hoạch:
– Đánh giá hiện trạng: Khai thác, sử dụng nước, Bảo vệ tài nguyên nước, Phòng chống tác hại
– Xây dựng kịch bản, tầm nhìn Quy hoạch dài hạn đến 2050
– Phân tích, dự báo: nhu cầu sử dụng nước, chất lượng nước, số lượng nước
– Xây dựng phương án quy hoạch: phân bổ, bảo vệ, phòng chống
– Đánh giá tác động các phương án quy hoạch: phát triển nguồn nước; xã hội – kinh tế- môi trường ;quản lí nguồn nước nội địa
– Giải pháp quy hoạch
* Phạm vi quy hoạch:
– Phạm vi nghiên cứu của Quy hoạch là toàn bộ lưu vực sông Hồng – Thái Bình với tổng diện tích 169.000 km2 (gồm cả phần diện tích lưu vực thuộc Trung Quốc và Lào);
– Phạm vi lập Quy hoạch là phần lưu vực thuộc lãnh thổ Việt Nam với diện tích tự nhiên 88.680 km2, gồm các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Hoà Bình.
Với đối tượng lập Quy hoạch là nguồn nước mặt, nước dưới đất trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình thì việc lập quy hoạch hướng tới phát triển bền vững và tầm nhìn dài hạn luôn là sự ưu tiên của Chính phủ, hướng tới một xã hội văn minh, phát triển hài hòa với bảo vệ môi trường sống cho thế hệ tương lai.
Sản phẩm của quy hoạch là báo cáo thuyết minh Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các bản đồ tỷ lệ 1/200.000; mô hình đánh giá, dự báo dòng chảy, cân bằng nước; và các hồ sơ kèm theo.