Bảo vệ nước dưới đất tại Quảng Ngãi: Vì sự phát triển bền vững của đô thị

Sự suy giảm số lượng cũng như chất lượng nguồn nuớc ngầm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển bền vững của các đô thị. Bảo vệ nước dưới đất tại các đô thị lớn nói chung và tại Quảng Ngãi nói riêng đang là vấn đề cấp thiết được Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia nhanh chóng triển khai thực hiện.

Một góc thành phố Quảng Ngãi hôm nay.

Tại thành phố Quảng Ngãi quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã và đang làm biến đổi mạnh mẽ các điều kiện môi trường và tài nguyên ở đây. Dân số tăng nhanh, kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất và các hoạt động khác của thành phố ngày càng lớn. Việc khai thác nước dưới đất ngày càng nhiều, khó kiểm soát, lượng nước thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp chưa được thu gom xử lí triệt để. Do vậy tình trạng suy giảm nguồn tài nguyên nước (cạn kiệt, nhiễm bẩn) đang làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển bền vững của thành phố và vùng lân cận.

Theo thống kê sơ bộ, lượng nước dưới đất khai thác sử dụng cho sinh hoạt ở đô thị Quảng Ngãi khoảng 28.000 m3/ngày, trong đó, riêng khu vực thành phố Quảng Ngãi là 24.000 m3/ngày. Như vậy, mỗi năm đô thị Quảng Ngãi khai thác khoảng 10.220.000 m3 nước để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Ngoài ra, chưa tính đến số lượng lớn các công trình khai thác đơn lẻ nằm rải rác trong đô thị mà chưa được thống kê.

Mặt khác, việc chưa xem xét đầy đủ vấn đề bảo vệ nước dưới đất khi xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển các khu công nghiệp, các khu dân cư nên nhiều khu công nghiệp, bãi chôn lấp chất thải, nghĩa trang, cơ sở sản xuất được xây dựng trong đới cung cấp cho nước dưới đất và trong phạm vi hoạt động của công trình khai thác nước tạo nguy cơ lớn gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất. Công tác thu gom xử lí nước thải, chất thải rắn tại các đô thị còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng gây ô nhiễm nguồn tài nguyên nước dưới đất.

Cấp thiết bảo vệ tài nguyên nước dưới đất

Để góp phần đảm bảo phát triển bền vững các đô thị, cần sớm có chiến lược và các đề án cụ thể bảo vệ nguồn tài nguyên nước dưới đất. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn”. Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 1557/QĐ-BTNMT ngày 30/8/2013 về việc phê duyệt nội dung và dự toán Đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” – Giai đoạn I thực hiện tại 09 đô thị trọng điểm là: Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Mỹ Tho. Giai đoạn I của Đề án do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia chủ trì thực hiện từ năm 2013 và hoàn thành năm 2018. Kết quả Giai đoạn I của Đề án được bàn giao cho các địa phương làm cơ sở để quản lý và triển khai các giải pháp bảo vệ nước dưới đất, bảo đảm mục tiêu khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước.

Từ thực tiễn và những kết quả đạt được của Giai đoạn I nêu trên cho thấy việc tiếp tục triển khai thực hiện Giai đoạn II của Đề án là thực sự cần thiết và cấp bách, trong đó có đô thị Quảng Ngãi. Năm 2021, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia được giao thi công thực hiện đề án “Bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị lớn” trong phạm vi ở đô thị Quảng Ngãi. Về tiến độ thực hiện đề án, năm nay Trung tâm triển khai thực hiện 2 nội dung: Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất. Sau khi hoàn thành 2 nội dung trên sẽ phân tích để xác định điều kiện tồn tại, sự phân bố, số lượng, chất lượng của các tầng chứa nước dưới đất, khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước; mức độ cạn kiệt, ô nhiễm và nhiễm mặn nước dưới đất; Đánh giá toàn diện về hiện trạng tài nguyên nước dưới đất và các vấn đề của tài nguyên nước dưới đất (cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn) tại đô thị Quảng Ngãi. Sau khi nghiên cứu, tính toán các thông số sẽ đưa ra các kết quả để làm cơ sở định hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nước dưới đất.

Đề án hoàn thành sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất lớn, là cơ sở định hướng cũng như quy hoạch về bảo vệ và sử dụng nguồn nước dưới đất cho địa phương. Đồng thời, thông qua việc xác định, đánh giá các nguồn gây bẩn trong đô thị có khả năng tác động trực tiếp đến nguồn nước dưới đất như các bãi rác, bãi chôn lấp rác dưới đất, điểm xả thải… sẽ định hướng cho địa phương có biện pháp bảo vệ các tầng chứa nước đó như tăng cường ý thức người dân không vứt rác bừa bãi, tập trung vào những điểm thu gom, thành lập các đới bảo vệ cho công trình khai thác nước phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương một cách bền vững.