Kết quả thực hiện Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ năm 2021

Vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ phần thuộc lãnh thổ Việt Nam gồm hai tỉnh, thành phố có tuyến vành đai kinh tế đi qua là Quảng Ninh và Hải Phòng, có diện tích tự nhiên 7.418,8 km2, dân số gần 2,9 triệu người, chiếm 2,24% diện tích tự nhiên và 3,44% dân số cả nước. Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, các khu đô thị, khu du lịch và công nghiệp phát triển với tốc độ cao, do đó nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng.

Việc khai thác nước dưới đất một cách tùy tiện; xây dựng các công trình khai thác nước không đúng quy cách trong khi chưa luận chứng được tính bền vững và khả năng đáp ứng của các tầng chứa nước đã dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực như suy thoái, cạn kiệt tầng chứa nước, nhiễm mặn, nhiễm bẩn, lún mặt đất… Mặt khác, nước thải sinh hoạt và công nghiệp lại được xả trực tiếp vào các sông suối (nguồn bổ cập chủ yếu cho nước dưới đất) mà không được xử lý, điều đó càng làm trầm trọng thêm sự ô nhiễm vốn sẵn có của các nguồn nước này, đặc biệt là khu vực vũng vịnh. Các hoạt động dân sinh, kinh tế trên khu vực dự án cũng như phía thượng nguồn ảnh hưởng ít nhiều đến diễn biến tài nguyên nước cũng như làm biến đổi lòng dẫn của các con sông mà sự biến động này chưa được đánh giá đầy đủ.

Dự án: “Điều tra đánh giá sơ bộ tài nguyên nước tỷ lệ 1:50.000 vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc bộ” được triển khai thực hiện từ năm 2013. Trong năm 2021, dự án tiếp tục thực hiện các mục tiêu điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt lưu vực sông Ba Chẽ và điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất khu vực huyện Bình Xuyên, Quảng Ninh và đã đạt được một số kết quả cụ thể như sau:

Về điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:

Sơ đồ vùng thực hiện đánh giá tài nguyên nước mặt năm 2021 của dự án

– Đã hoàn thiện hồ sơ ngoại nghiệp điều tra tài nguyên nước mặt, làm rõ đặc trưng hình thái các sông, suối trên lưu vực sông Ba Chẽ.

– Đã hoàn thành công tác đo đạc dòng chảy trên sông Ba Chẽ: cho thấy lưu lượng sông trong thời kỳ quan trắc dao động từ 9,36m³/s đến 530m³/s, lũ trong sông thường lên nhanh và xuống nhanh, thời gian lũ lên lũ xuống diễn ra trong 1-3 ngày.

– Đã chuẩn bị tài liệu, thông tin phục vụ công tác đánh giá tổng lượng và chất lượng tài nguyên nước mặt lưu vực sông Ba Chẽ.

– Đã đánh giá được hiện trạng tài nguyên nước trên lưu vực sông Ba Chẽ và cho từng lưu vực sông thuộc đối tượng điều tra:

+ Lưu vực sông Ba Chẽ: lượng mưa đạt 1.848 mm/năm ứng với 1.571,2 triệu m³/năm; lượng dòng chảy trung bình nhiều năm tại cửa ra lưu vực là 43,05 m³/s tương ứng với tổng lượng tài nguyên nước là 1357,7 triệu m³ (trong đó 93,7 triệu m³/năm từ Lạng Sơn chảy sang qua sông Khe Lan); chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 3 vị trí
chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi.

+ Lưu vực sông Quách: lượng mưa năm là 1801 mm/năm, tương ứng với tổng lượng mưa năm khoảng 117 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 2,79 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt là 88,09 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 2 vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi.

+ Lưu vực sông Đoáng: lượng mưa trung bình nhiều năm là 1879 mm/năm, tổng lượng mưa năm là 144,7 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 3,43 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt tương ứng là 108,1 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt trừ 1 vị trí chỉ đảm bảo cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi.

+ Lưu vực sông Làng Cổng: lượng mưa trung bình năm của lưu vực là 1946 mm/năm tương ứng với 231,6 triệu m³/năm; lưu lượng dòng chảy trung bình nhiều năm là 5,66 m³/s, tổng lượng tài nguyên nước mặt 178,45 triệu m³; chất lượng nước trên sông còn tốt.

Về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất:

Sơ đồ vùng thực hiện đánh giá tài nguyên nước dưới đất năm 2021 của dự án

– Đã hoàn thiện hồ sơ ngoại nghiệp điều tra tài nguyên nước dưới đất, làm rõ đặc điểm tầng chứa nước huyện Tiên Yên.

– Đã chuẩn bị tài liệu, thông tin phục vụ công tác đánh giá trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Tiên Yên.

– Đã đánh giá được tiềm năng, trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Bình Liêu và Đẩm Hà tỉnh Quảng Ninh.

+ Đã làm sáng tỏ được diện phân bố, thành phần thạch học, đặc điểm tồn tại, mức độ chứa nước,… của 07 tầng chứa nước bao gồm 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 5 tầng chứa nước khe nứt và 2 thành tạo cách nước (qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1), xác định ranh giới giữa các tầng chứa nước, các đứt gãy kiến tạo.

+ Về trữ lượng: tổng trữ lượng tiềm năng huyện Bình Liêu và Đầm Hà là 1.205.938 m³/ngày, tầng t22 có trữ lượng tiềm năng lớn nhất với 363.214 m³/ngày.

+ Về chất lượng: Đã đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất trên toàn khu vực huyện Bình Liêu và Đầm Hà. Các kết quả phân tích các mẫu đã chỉ ra hàm lượng các nguyên tố hầu như đều nằm trong giới hạn cho phép. Nước dưới đất khu vực nghiên cứu đảm bảo chất lượng khi khai thác phục vụ sinh hoạt và các hoạt động dân sinh của người dân.

– Đã xác định được khả năng đáp ứng nguồn nước cho các mục đích và đề xuất giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước dưới đất huyện Bình Liêu và Đầm Hà.

– Kết quả tính toán cho thấy, trữ lượng khai thác tiềm năng trên khu vực huyện Bình Liêu và Đầm Hà là 124.803 m³/ngày; tầng chứa nước t22 có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất là 36.321 m³/ngày.

– Đã đánh giá được tiềm năng, trữ lượng và chất lượng tài nguyên nước dưới đất huyện Tiên Yên tỉnh Quảng Ninh.

+ Đã làm sáng tỏ được diện phân bố, thành phần thạch học, đặc điểm tồn tại, mức độ chứa nước,… của 07 tầng chứa nước bao gồm 2 tầng chứa nước lỗ hổng và 5 tầng chứa nước khe nứt và 2 thành tạo cách nước (qh, qp, j1-2, t3, t22, t21, o3-s1), xác định ranh giới giữa các tầng chứa nước, các đứt gãy kiến tạo.

+ Về trữ lượng: tổng trữ lượng khai thác tiềm năng huyện Tiên Yên là 313.904 m³/ngày, tầng t22 có trữ lượng khai thác tiềm năng lớn nhất với 182.845 m³/ngày.

+ Về chất lượng: Đã đánh giá được đặc điểm chất lượng nước dưới đất trên toàn huyện Tiên Yên. Các kết quả phân tích các mẫu đã chỉ ra hàm lượng các nguyên tố hầu như đều nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên tại tầng chứa nước khe nứt trong các trầm tích lục nguyên hệ tầng Hà Cối( j1-2) có một số mẫu vượt Tiêu chuẩn cho phép cần chú ý trong khai thác và sinh hoạt.

Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi thực hiện đã làm sáng tỏ được diện phân bố, đặc tính chứa nước và các đặc điểm tài nguyên nước dưới đất trong vùng huyện Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà. Trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá đặc điểm các tầng chứa nước, khả năng khai thác và chất lượng nước của từng tầng chứa nước, dự án đã đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ tài nguyên nước trong vùng nghiên cứu.