Họp trực tuyến Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp LVS Bằng Giang – Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sáng ngày 20/05/2021 tại trụ sở Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà và Ban Quy hoạch tài nguyên nước đã tham gia họp trực tuyến Báo cáo Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ trì cuộc họp là ông Lê Văn Hữu – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ tài nguyên và môi trường, cùng tham gia có các đơn vị liên quan quan và các chuyên gia.
Theo báo cáo của Ban quy hoạch và điều tra tài nguyên nước, hiện nay, lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng là một trong 10 lưu vực sông lớn của Việt Nam và là lưu vực sông có nguồn nước liên quốc gia giữa Việt Nam – Trung Quốc với diện tích lưu vực 10.847 km2 thuộc 3 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Nguồn nước sông Bằng Giang – Kỳ Cùng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư và củng cố an ninh trật tự xã hội vùng biên giới. Với tiềm năng nguồn nước khoảng 10.489 m3/người  lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng được đánh giá là lưu vực có lượng nước bình quân đầu người tương đối lớn, tuy nhiên phân bố lượng nước trong năm không đều, mùa mưa lượng nước chiếm từ 65-80% tổng lượng nước cả năm bên cạnh đó nguồn nước dưới đất trên lưu vực không giàu và khả năng khai thác rất khó khăn.
Bên cạnh những khó khăn do nguồn nước phân bố không đều giữa các tháng trong năm và nhu cầu nước tăng nhanh do phát triển kinh tế – xã hội, lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng còn đang gặp phải rất nhiều thách thức như: Tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho lượng mưa, nguồn nước trên lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng thay đổi một cách rõ rệt; Ô nhiễm nguồn nước trên lưu vực ngày càng diễn ra trên diện rộng, nhiều nơi chất lượng nguồn nước không đáp ứng cho các mục đích sử dụng nước; Tình hình khan hiếm nước trong mùa khô trên lưu vực đang diễn ra ở nhiều nơi nhất vùng núi cao, vùng sâu vùng xa điều kiện tiếp cận với nguồn nước rất khó khan. Ngoài những khó khăn, thách thức về nguồn nước, khai thác, sử dụng nước trên lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng còn đang phải đối mặt với những bất cập trong công tác quản lý khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương trên lưu vực. Hiện nay, hầu hết các ngành, địa phương trên lưu vực đã có quy hoạch khai thác, sử dụng nước như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện…và quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh. Tuy nhiên, các quy hoạch này mới chỉ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng nước đáp ứng nhu cầu của từng ngành, địa phương mà chưa có đánh giá tổng thể về khả năng khai thác, sử dụng của từng nguồn nước trên lưu vực cũng như chưa xác định được chức năng của nguồn nước, các nguồn nước ưu tiên cho phát triển mang tính chiến lược trên lưu vực sông,… từ đó có giải pháp phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mang tính tổng hợp. Để giải quyết những tồn tại nêu trên nhằm chủ động được nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các ngành, địa phương trên lưu vực sông thì cần có quy hoạch về tài nguyên nước.
Báo cáo tại cuộc họp, Ông Đỗ Trường Sinh – Trưởng ban Quy hoạch tài nguyên nước cho biết:
  • Phạm vi thực hiện lập quy hoạch là toàn bộ diện tích lưu vực sông Bằng Giang – Kỳ Cùng, thuộc tỉnh Cao Bằng, tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Bắc Kạn, với tổng diện tích tự nhiên toàn lưu vực là 10.847 km2.
  • Đối tượng quy hoạch: nguồn nước mặt và nguồn nước dưới đất.
  • Mục tiêu lập quy hoạch: Bảo đảm phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông, cơ bản giải quyết được tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước giữa các đối tượng sử dụng nước; Bảo đảm nguồn nước cho các ưu tiên phát triển mang tính chiến lược, ổn định an sinh xã hội nhất là vùng sâu vùng sa, vùng đặc biệt khan hiếm nước; Bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; Phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
  • Nội dung quy hoạch: Phân bổ nguồn nước; Bảo vệ tài nguyên nước; Xác định mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; Xác định các giải pháp thực hiện phân bổ nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước; Xác định kinh phí và tiến độ hoạch quy hoạch.
Tại cuộc họp các đại biểu đại diện các đơn vị và các chuyên gia cũng đã phát biểu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện cấu trúc, nội dung Báo cáo.
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà cho biết, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát, bổ sung, sửa chữa các nội dung để hoàn thiện báo cáo trình lên Chính phủ.
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến.