Sáng ngày 26/9/2017, Hội nghị “Chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được tổ chức tại Cần Thơ. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 26 và 27 tháng 9 năm 2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhằm ứng phó với sự khốc liệt của biến đổi khí hậu và xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2100. Đoàn đại biểu tham dự Hội nghị của Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia gồm có: TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc; TS. Nguyễn Chí Công, Phó Tổng Giám đốc; ThS. Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm; ThS. Phạm Văn Giắng, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Nam.
Có thể nói rằng, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Trong suốt thế kỷ qua, chưa khi nào tình trạng xâm nhập mặn và nước biển dâng lại diễn ra nghiêm trọng, nặng nề, cực đoan đến thế.
Trước thực trạng hạn mặn và nước biển dâng do biến đổi khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ ban ngành đã có những chỉ đạo và kế hoạch kịp thời để ứng phó, giải quyết hiệu quả vấn đề trước mắt và lâu dài. Từ cấp Trung ương đến cấp địa phương, từ các nhà nghiên cứu cho đến các đơn vị thực thi nhiệm vụ bảo vệ tài nguyên nước đã cùng chung tay góp sức để phục vụ nhu cầu về nước cho sinh hoạt và sản xuất của đồng bào vùng Nam Bộ. Có thể nói, cả hệ thống chính trị, các đơn vị chức năng đã vào cuộc quyết liệt, giải quyết kịp thời nhu cầu vể nước và tìm mọi biện pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do hạn hán, xâm nhập mặn cho đồng bào vùng thiên tai.
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 12/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long và chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm QH&ĐTTNN quốc gia đã phối hợp với các Sở ban ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, thiếu nước sinh hoạt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh việc cung cấp các bản đồ phân bố nước ngọt của từng tầng chứa nước, ở các độ sâu khác nhau; các tài liệu về kết quả điều tra, đánh giá nguồn nước dưới đất trên địa bàn và thống kê chiều sâu phân bố theo từng tỉnh cho UBND các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các Sở, Ban, ngành tập trung khoan giếng tìm kiếm nguồn nước dưới đất, kịp thời cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia cũng xây dựng và trình Bộ TNMT báo cáo đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Nhằm tư vấn, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật bố trí giếng, kỹ thuật khảo sát, thăm dò, thi công, kết cấu giếng và những vấn đề liên quan đến việc khoan giếng, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vùng hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Trung tâm cũng đã cử cán bộ tham gia Tổ công tác của Bộ TNMT Hỗ trợ Kỹ thuật trong việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn trên địa bàn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng trong tháng 3 năm 2016, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ TNMT, Trung tâm QH&ĐT TNN quốc gia đã chỉ đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Nam phối hợp với Sở TNMT các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiến hành lựa chọn các vùng có nhu cầu cấp bách về nước sinh hoạt tại các tỉnh bị xâm nhập mặn để tiến hành ngay việc rà soát và khảo sát thực địa các vùng đã chọn để làm rõ các thông tin về số dân thiếu nước, điều kiện cơ sở hạ tầng (giao thông, lưới điện), vị trí xây trạm và điều kiện vận hành trạm cấp nước sau khi hoàn thành.
Trên cơ sở báo cáo kế hoạch thi công phục vụ chống hạn năm 2016 thuộc nội dung dự án “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng cao, vùng khan hiếm nước” và kết quả thống nhất với Sở TNMT tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, Trung tâm đã chỉ đạo Liên đoàn QH&ĐT TNN miền Nam khẩn trương tổ chức triển khai thi công tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt phục vụ chống hạn, xâm nhập mặn tại 02 vùng thuộc tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Có thể nói rằng, thời gian qua, dưới sự sự chỉ đạo sát sao của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai rất khẩn trương, hiệu quả một số giải pháp cấp bách ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần kịp thời cung cấp nước sinh hoạt và hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
(Hồng Nhung – NAWAPI)