Nguồn gốc ô nhiễm Asen và Amoni trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội

Nuoc_nhiem_AsenTrong thời gian vừa qua, nhiều báo đài Trung Ương và Hà Nội có đăng tin về ô nhiễm Asen và Amoni trong nước ngầm trên địa bàn Hà Nội. Đây là một vấn đề đã được các cấp, các ngành và người dân sống trên địa bàn Thủ Đô quan tâm. Nhiều nhà khoa học đã tiến hành các công trình nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, mức độ ô nhiễm trong các tầng chứa nước và mức độ phơi nhiễm trên cơ thể người dân ở một số địa bàn. Tuy nhiên, nghiên cứu về nguồn gốc gây ô nhiễm Asen và Amoni trong nước ngầm còn nhiều hạn chế

Để có cái nhìn khách quan và bản chất của các nguồn ô nhiễm này, chúng tôi xin giới thiệu công trình nghiên cứu giai đoạn 2007 – 2008 “Nguồn gốc và sự phân bố Amoni và Asen trong các tầng chứa nước Đồng bằng sông Hồng” do Quỹ nghiên cứu SIDA (Thụy Điển) tài trợ. Đề tài có sự hợp tác của GS. Gunnar Jacks của trường Đại học Hoàng gia Thụy Điển (KTH), TS. Jenny Norman, TS. Hakan Rosqvist của Viện Địa kỹ thuật Thụy Điển (SGI), TS. Đặng Đức Nhận của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân Việt Nam (INST).

Những kết quả chính của đề tài có thể tóm tắt như sau:

1. Hàm lượng As tổng số, As5+ và As3+ phân bố trong tầng Holocene với hàm lượng lớn hơn trong tầng Pleistocene.

2. DOC trong nước ngầm khu vực nghiên cứu ngoài nguồn gốc được tạo thành từ sự phân hủy sinh học các vật liệu hữu cơ (NOM) trong trầm tích, mà nó còn được hình thành từ hệ thống phân hữu cơ từ sinh hoạt của con người (septic) và động vật, từ hệ thống nước thải của thành phố Hà Nội có chứa nhiều hợp chất hữu cơ và có thể từ hoạt động nông nghiệp. DOC không chỉ là tác nhân hỗ trợ tạo môi trường khử để giải phóng As ra khỏi Hfo mà còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho các chủng vi sinh vật, kích thích quá trình khử hoà tan các Hfo di chuyển As vào nước ngầm. Và như vậy, quá trình giải phóng và di chuyển của As được quyết định bởi sự có mặt của DOC trong nước ngầm.

3. Khử hòa tan Hfo bởi DOC và phân hủy sinh học các hợp chất DOC là hai cơ chế chính để giải thích sự có mặt với hàm lượng cao của As trong nước ngầm. Song không thể loại trừ khả năng hoặc/và bicacbonat được tạo thành cũng tham gia thay thế As hoặc/và là tác nhân duy trì sự giải phóng As do tạo thành kết tủa với Siderite.

4. Hàm lượng amoni cao trong nước ngầm vùng nghiên cứu có nguồn gốc là sự pha trộn bởi nguồn gốc tự nhiên (từ sự phân hủy vật liệu hữu cơ trong đất) và nguồn gốc nhân tạo (từ nguồn phân hữu cơ của các hệ thống vệ sinh, từ các hệ thống nước thải và có thể là từ nguồn phân bón của các hoạt động nông nghiệp).

Hiện nay, các chương trình Hợp tác nghiên cứu về nguồn gốc ô nhiễm Asen giữa các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Mỏ – Địa chất, Trường Đại học Khoa học Tư nhiên và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước với các nhà khoa học Đan Mạch (VietAS 2004 -2012) và Thuỵ Điển (AmoAS 2008-2012) về nguồn gốc ô nhiễm Amoni (AmoAS 2008-2012) đang tiếp tục được triển khai. Những kết quả nghiên cứu tiếp theo sẽ được chúng tôi phổ biến rộng rãi đến bạn đọc. Những số liệu, sản phẩm của đề tài sẽ có ích cho các cơ quan chức năng trong việc quản lý và khai thác nước ngầm khu vực Hà nội nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung một cách hợp lý và khoa học.

Độc giả quan tâm tới vấn đề này, có thể download đề tài ” Nguồn gốc và sự phân bố Amoni và Asenic trong các tầng chứa nước đồng bằng sông Hồng” do PGS.TS Phạm Quý Nhân – Phó giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước làm chủ nhiệm theo Link sau:

http://cwrpi.gov.vn/index.php?option=com_docman&task=doc_download&gid=207&Itemid=17&lang=vi

 

 

 

(PGS.TS Phạm Quý Nhân – PGĐ TT Quy hoạch và Điều tra TNN)