Lập bản đồ địa chất thủy văn – địa chất công trình tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang

thi_nghiem_hau_giangVùng Vị Thanh – Long Mỹ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hậu Giang mới được tách ra từ thành phố Cần Thơ năm 2004. Vì là một vùng mới tách tỉnh, các công tác điều  tra cơ bản về tài nguyên nước nói chung và nước dưới đất nói riêng hầu như chưa được thực hiện. Để có những thông tin cơ bản về tài nguyên đất và nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã thực hiện lập Đề án “Lập bản đồ địa chất thủy văn – địa chất công trình tỷ lệ 1:50.000 vùng Vị Thanh – Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang”.

Trung tâm thực hiện công tác nghiên cứu toàn bộ diện tích của thành phố Vị Thanh, huyện Vị Thủy, huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang; một phần huyện Gò Quao, Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang; một phần huyện Phước Long thuộc tỉnh Bạc Liêu, một phần huyện Mỹ Tú, Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng. Vùng lập bản đồ địa chất thủy văn có diện tích 1441 km2. Khu lập bản đồ địa chất công trình có diện tích 149 km2, gồm diện tích của khu trung tâm thành phố Vị Thanh và một phần diện tích của huyện Vị Thủy.

Từ kết quả của dự án, Trung tâm đã phân chia được các phân vị địa tầng địa chất có mặt trong vùng dựa vào các kết quả phân tích bào tử phấn, vi cổ sinh tại các lỗ khoan sâu từ 460 – 500m, làm chính xác thêm sự tồn tại 3 địa tầng Q2; Q13 và N13. Đồng thời, Trung tâm đã xác định trong vùng nghiên cứu tồn tại 7 tầng chứa nước, trong đó 3 tầng chứa nước có diện phân bố nhỏ hoặc mặn, không có ý nghĩa cho mục đích cấp nước với quy mô tập trung, chỉ nên dùng các giếng khoan khai thác nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt cho gia đình hoặc cơ quan đơn lẻ; có 3 tầng chứa nước có ý nghĩa quan trọng cho mục đích khai thác nước dưới đất với quy mô lớn; toàn vùng có trữ lượng khai thác nước tiềm năng là 783.488 m3/ngày. Trong phạm vi ảnh hưởng của móng các công trình xây dựng và nền đất (0 – 50m) đất đá được phân chia thành 3 loạt thạch học nguồn gốc ứng với 6 phức hệ thạch học. Kết quả của đề án về địa chất công trình là cơ sở đề xuất hướng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất cũng như bảo vệ bền vững môi trường và cảnh quan của vùng.

(VPTT)