Họp hội đồng thẩm định báo cáo kết quả thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ”

IMG_7618Ngày 7/12/2018, tại Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định báo cáo kết quả thực hiện dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ” – các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Tham dự Hội đồng có ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Chủ tịch Hội đồng; ông Triệu Đức Huy – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG – Phó Chủ tịch Hội đồng; các chuyên gia tài nguyên nước: PGS. TS Nguyễn Văn Đản – phản biện I, PGS. TS Phạm Quý Nhân – phản biện II; đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ TN&MT cùng đại diện đơn vị tham dự thực hiện dự án.

IMG_7629

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Văn Giang – Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước thay mặt nhóm tác giả trình bày báo cáo kết quả dự án đã thực hiện. Dự án “Điều tra, đánh giá khả năng tự bảo vệ các tầng chứa nước vùng duyên hải đồng bằng Bắc Bộ (các tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình)” về cơ bản đã thực hiện theo đúng Quyết định phê duyệt dự án. Đề án đã hoàn thành toàn bộ nội dung, khối lượng công việc đã được phê duyệt và đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra. Một số kết quả chính đạt được như sau:

1. Làm sáng tỏ đặc điểm đặc điểm cấu trúc của các tầng chứa nước bao gồm 4 tầng chứa nước (tầng qh2, tầng qh1, tầng qp và tầng t2) cũng như sự phân bố, điều kiện tồn tại, các thông số địa chất thủy văn, miền cung cấp, vận động và thoát, đặc biệt là mối quan hệ thủy lực giữa nước mặt các con sông lớn với tầng qh2 và mối quan hệ giữa các tầng chứa nước với nhau. Làm sáng tỏ các yếu tố trên ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước.

2. Báo cáo đã đánh giá trữ lượng các tầng chứa nước cần bảo vệ: tổng tiềm năng TNNDĐ khu vực duyên hải đồng bằng Bắc Bộ ba tỉnh Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình: 4.917.814 m3/ngày, nước nhạt 3.037.198 m3/ngày (chiếm 61,76%); trữ lượng có thể khai thác: 2.120.997 m3/ngày.

IMG_7617

3. Báo cáo đã làm sáng tỏ hiện trạng chất lượng, các vấn đề chất lượng nước, vẫn đề nhiễm mặn các tầng chứa nước, cụ thể như sau: tầng qh2 ô nhiễm dạng điểm: ô nhiễm TDS, tổng Fe, Cl-, NO2- (N),  NH4- (N), NO3- (N), Cr, E.coli, Coliform, diện tích vùng mặn 1195,9km2 chiếm 33,6%; tầng qh1 ô nhiễm dạng điểm: ô nhiễm NH4+ (N) và Coliform, E.coli, Fe, Cl-, TDS, diện tích vùng mặn 2988,6km2 chiếm 93,6%; tầng qp ô nhiễm dạng điểm: Mn, Cl- , NO3- (N), NO2- (N), NH4+ (N), Coliform và E.coli, diện tích vùng mặn 1675,6km2 chiếm 44,0%; tầng t2 ô nhiễm dạng điểm: pH, tổng Fe, Cl-, NO3- (N), NO2- (N),  NH4- (N), NO3- (N), As, Hg, Cr, Cd, Cu, Zn, Mn, CN-, Phenol, E.coli, Coliform, diện tích vùng mặn 51,6km2 chiếm 5,2%.

4. Đã đánh giá, làm sáng tỏ các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự bảo vệ của các tầng chứa nước.

5. Tổng lưu lượng khai thác tại 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình: 527.980 m3/ngày, trong đó: khai thác tập trung: 13.622 m3/ngày; khai thác đơn lẻ: 32.523 m3/ngày; khai thác nông thôn: 481.835 m3/ngày; tầng qh2 khai thác: 112.186 m3/ngày; tầng qh1 khai thác: 19.436 m3/ngày; tầng qp khai thác: 385.514 m3/ngày; tầng t2 khai thác: 10.844 m3/ngày.

6. Báo cáo đã đề xuất được phương án khai thác, sử dụng hợp lý đến năm 2045 khai thác nước dưới đất 544.314 m3/ngày đáp ứng 60,98% tổng nhu cầu sử dụng nước.

7. Báo cáo đã xác định được vùng hạn chế khai thác NDĐ cho các tầng qh2, tầng qh1, tầng qp thành các vùng hạn chế khai thác 1, vùng hạn chế khai thác 3 và vùng hạn chế hỗn hợp.

8. Báo cáo đã tính toán, khoanh định đới phòng hộ và bảo vệ cho các tầng chứa nước và từng công trình khai thác của các nhà máy nước cũng như đề xuất các giải pháp quản lý và giải pháp kỹ thuật để thực hiện nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực đến NDĐ nói chung và các công trình khai thác nói riêng

Sau khi nghe báo cáo kết quả thực hiện dự án, PGS.TS Nguyễn Văn Đản – Phản biện I cũng như PSG. TS Phạm Quý Nhân – Phản biện II đã nêu lên những ý kiến phản biện về dự án; nhìn chung dự án được thực hiện theo đúng đề cương phê duyệt, kết quả tốt, tuy nhiên vẫn cần chỉnh sửa bổ sung nội dung cũng như chỉnh lại bố cục của báo cáo tổng kết. Các phản biện cũng đã có những góp ý nhiều điểm để tập thể tác giả thực hiện dự án có thể hoàn thiện dự án tốt hơn.

IMG_7621

IMG_7628

Kết luận Hội đồng, ông Tống Ngọc Thanh cho rằng, theo đánh giá chung, dự án được thực hiện hết sức bài bản, các số liệu, hồ sơ, báo cáo và kết quả đáp ứng được yêu cầu được đặt ra; tập thể tác giả thực hiện dự án đã có những cố gắng đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện dự án. Ông Tống Ngọc Thanh cũng đề nghị tập thể tác giả tiếp thu triệt để ý kiến các phản biện, ý kiến bổ sung của ban chuyên môn để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện kết quả sản phẩm của dự án.

Ông Nguyễn Văn Giang, thay mặt tập thể tác giả đã cảm ơn Hội đồng, sẽ tiếp thu các ý kiến của các phản biện, ý kiến của Ban chuyên môn nhằm hoàn thiện tốt hơn nữa đề án./.

(TTDLTNN)