Họp Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước năm 2022”

Chiều ngày 22/11/2021, tại Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã diễn ra cuộc họp hội đồng thẩm định Nhiệm vụ “Quan trắc quốc gia tài nguyên nước năm 2022”. Chủ trì cuộc họp là Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh, cùng tham gia có Phó Tổng giám đốc Triệu Đức Huy, Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Hà; đại diện lãnh đạo Ban Kế hoạch – Tài chính; Ban Quan trắc và Giám sát tài nguyên nước; Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước; Trung tâm Dữ liệu tài nguyên nước; Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước;Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam.

Tổng giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia Tống Ngọc Thanh                                                             chủ trì cuộc họp.

Mạng quan trắc tài nguyên nước là một thành phần của mạng quan trắc tài nguyên môi trường. Thông tin quan trắc tài nguyên nước ngày càng quan trọng và được nhà nước, các cấp lãnh đạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm đầu tư và hàng năm cấp kinh phí duy trì quan trắc. Mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước do Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia quản lý, vận hành tính đến tháng 12 năm 2021 bao gồm 941 công trình quan trắc nước dưới đất và 6 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt trên toàn quốc.

Cơ sở dữ liệu quan trắc của mạng trong nhiều năm qua đã được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương sử dụng vào các việc tính toán tài nguyên nước, làm cơ sở xây dựng các quy hoạch, phân bổ và quản lý tài nguyên nước quốc gia. Trong công tác quan trắc, tính liên tục của cơ sở dữ liệu theo thời gian là cơ sở quan trọng để đánh giá xu hướng, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, giúp các cơ quan quản lý nhà nước có được cơ sở để quản lý, phân bổ khai thác sử dụng tài nguyên nước hợp lý, bền vững, đóng góp vào việc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, có thể khẳng định quan trắc tài nguyên nước là một nhiệm vụ cần thiết phải được tiến hành thường xuyên và việc quản lý, vận hành hệ thống phải đảm bảo được tính chân thực, khách quan, các yếu tố quan trắc phải đáp ứng được các yêu cầu mục tiêu đề ra.

Để đáp ứng được yêu cầu thông tin của quản lý tài nguyên nước theo tình hình mới thì tùy theo nội dung yêu cầu của cơ quan quản lý mà nội dung thực hiện hàng năm có thay đổi cho phù hợp. Các nội dung thay đổi trong các năm gần đây chủ yếu để đảm bảo thông tin nhanh hơn, có độ chính xác cao hơn và đa dạng sản phẩm bản tin thông báo, dự báo và cảnh báo để từng bước đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Trên cơ sở Nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước hàng năm, định hướng chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch nhiệm vụ công tác quan trắc tài nguyên nước năm 2022. Sau khi có kết quả lập nhiệm vụ từ các đơn vị, Ban Quan trắc giám sát tài nguyên nước đã thẩm định nội dung khối lượng; Ban Kế hoạch tài chính đã thẩm định dự toán nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước năm 2022. Qua đó các nội dung từ kết quả rà soát toàn bộ hệ thống mạng quan trắc từ hiện trạng công trình, vận hành, tần suất quan trắc cũng như các căn cứ để xác định khối lượng thực hiện đã được áp dụng đồng bộ đảm bảo tính đúng đắn và cơ sở pháp lý để chỉ đạo vận hành thông suốt đạt các mục tiêu đặt ra của mạng quan trắc quốc gia tài nguyên nước.

Mục tiêu: Vận hành hệ thống quan trắc quốc gia tài nguyên nước đáp ứng nhu cầu thông tin về số lượng, chất lượng và biến động tài nguyên nước mặt, nước dưới đất phục vụ quản lý nhà nước và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.

Phạm vi thực hiện: Thực hiện Nhiệm vụ quan trắc ở các công trình quan trắc tài nguyên nước tại 5 vùng: đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ; Công tác thông báo, dự báo, cảnh báo tài nguyên nước được thực hiện trên 13 lưu vực sông (Hồng – Thái Bình, Bằng Giang – Kỳ Cùng, Mã, Cả, , Hương, Vu Gia – Thu Bồn, Vệ – Trà Khúc – Trà Bồng, Sê San, Srê Pốk, Ba – Kỳ Lộ, Đồng Nai, Cửu Long), cho các tỉnh, thành phố có công trình và trạm quan trắc tài nguyên nước.

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước Đặng Trần Trung cho biết, đề cương đã nêu lên hiện trạng mạng lưới và công trình quan trắc, đánh giá công tác quan trắc năm 2021 và đề xuất kế hoạch công tác quan trắc năm 2022.

Nội dung quan trắc năm 2022 là lập nhiệm vụ quan trắc, công tác quan trắc tài nguyên nước, duy tu bảo dưỡng công trình, trám lấp công trình dừng quan trắc, biên soạn niên giám và thống kê các chỉ tiêu tài nguyên môi trường, biên soạn thông báo, dự báo và cảnh báo tài nguyên nước, báo cáo kết quả vận hành mạng lưới quan trắc quốc gia tài nguyên nước.

Phó Giám đốc Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước Đặng Trần Trung phát biểu                                                            tại cuộc họp.

Tại cuộc họp thì các thành viên hội đồng cho rằng cơ bản đề cương có nội dung đầy đủ, viết chi tiết, rõ ràng, tính cấp thiết cao, bố cục hợp lý. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện thì cần chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung.

Kết luận tại cuộc họp, Tổng giám đốc Tống Ngọc Thanh ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các thành viên Hội đồng thẩm định. Trên cơ sở góp ý đề nghị Trung tâm Cảnh báo và Dự báo tài nguyên nước tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện đề cương nhiệm vụ quan trắc quốc gia tài nguyên nước năm 2022.

 

                                                                 Toàn cảnh cuộc họp.