Hội thảo :”Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình”

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo “Định hướng quản lý, khai thác, sử dụng phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình”. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tới dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT: Cục Quản lý tài nguyên nước, Vụ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Văn phòng thường trực sông Mê Công Việt Nam.

Tham dự Hội thảo về phía các địa phương có ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương; ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; lãnh đạo Sở ban ngành 14 địa phương trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình, các đối tác phát triển, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình nói chung và các địa phương trên lưu vực nói riêng phục vụ việc lập Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, lưu vực sông Hồng – Thái Bình là một lưu vực sông liên quốc gia chảy qua 3 nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào với tổng diện tích tự nhiên vào khoảng 169.000km2, trong đó, phần lưu vực nằm ở Việt Nam là lớn nhất, với hơn 50%. Đây là lưu vực sông lớn nhất cả nước chảy qua 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với hơn 30 triệu người dân đang sinh sống. Tuy vậy, hệ thống sông Hồng – Thái Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức như: Phân bố nguồn nước không đều giữa mùa khô và mùa mưa; ô nhiễm nước dẫn đến chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng của các hồ chứa ở thượng lưu tác động đến bồi xói lòng, bờ bãi sông, bồi xói cửa sông và xâm nhập mặn vùng cửa sông; sự cạnh tranh trong sử dụng nước giữa các ngành, đặc biệt là giữa phát điện và sản xuất nông nghiệp…

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo này có ý nghĩa hết sức quan trọng, với mục tiêu bám sát quan điểm nhất quán của Chính phủ về phát triển bền vững tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Trong đó, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông, thống nhất về số lượng, chất lượng, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch của các ngành có khai thác, sử dụng nước, tôn trọng quy luật tự nhiên, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đa mục tiêu, nâng cao giá trị của nước, bảo đảm an ninh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. “Các báo cáo tham luận, ý kiến phát biểu tại Hội thảo sẽ giúp Bộ TN&MT đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình nói chung và từng địa phương trong lưu vực nói riêng. Tiếp thu các ý kiến, Bộ TN&MT sẽ hoàn thiện Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2022 – 2030, tầm nhìn đến 2050 và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý III/2022” – Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, báo cáo về “Nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình”, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia cho biết, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đầu tiên được lập cho hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, cụ thể hóa các quan điểm trong Quy hoạch tài nguyên nước và dựa trên các quy hoạch có khai thác, sử dụng nước. Quy hoạch sẽ đưa ra phân đoạn sông, phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng nước và mục tiêu chất lượng nước. Trong đó, chỉ rõ lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên từng nguồn nước, dòng chảy tối thiểu trên sông và ngưỡng giới hạn khai thác của các tàng chứa nước; lượng nước phân bổ cho các đối tượng sử dụng theo không gian (vùng/tiểu vùng sông) và theo thời gian. Quy hoạch cũng chỉ rõ các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng phát triển tài nguyên nước thuộc quy mô cấp phép ở Trung ương và mạng giám sát tài nguyên nước, giám sát quy hoạch. Bên cạnh đó, quy hoạch đưa ra dự báo nhu cầu nước theo lưu vực và phân bổ cụ thể cho các ngành sử dụng. “Chúng tôi kỳ vọng thông qua quy hoạch có thể cải tạo, phục hồi nguồn nước, tối ưu sử dụng nước và vận hành liên hồ chứa, nâng cao giá trị sử dụng nước” – TS. Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ.

TS. Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia báo cáo về “Nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng – Thái Bình”

Theo ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương cũng cho biết, tỉnh Hải Dương nằm ở khu vực hạ lưu nhiều dòng sông lớn. Thời gian qua, tỉnh đã quán triệt triển khai đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT về quản lý tài nguyên, trong đó, có tài nguyên nước. Tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch hệ thống thu gom xử lý nước thải khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn. Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là tình trạng ô nhiễm môi trường nước nhiều nơi đang ở mức báo động, đặc biệt là ở hệ thống Bắc Hưng Hải. Để giải quyết vấn đề này rất cần có đề án, chương trình tổng thể cho toàn bộ lưu vực sông. Tỉnh sẽ tiếp thu Quy hoạch lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình để đưa vào quy hoạch chung của tỉnh, dự kiến, sẽ trình Chính phủ trong tháng 12/2022.

Ông Lưu Văn Bản, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các chuyên gia trình bày các tham luận về: Mô phỏng dòng chảy ngoài lãnh thổ vào Việt Nam trên Hệ thống sông Hồng – Thái Bình; Nguồn nước ngầm của Hà Nội, giải pháp khai thác hợp lý bảo đảm cấp nước sạch bền vững và an ninh nguồn nước của thủ đô Hà Nội; Công nghệ và giải pháp khai thác thấm xuyên nước dưới đất; Định hướng bảo vệ, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông vùng Đồng bằng sông Hồng.

Định hướng bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ sông, bãi sông vùng Đồng bằng sông Hồng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Trường, Khoa Công trình, Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, biến đổi khí hậu cùng với các hoạt động kinh tế – công trình Đồng bằng sông Hồng đã và đang làm gia tăng các tác động gây sạt lở bờ, bãi sông ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, an toàn hệ thống đê điều và công trình xây dựng. Mặt khác, rủi ro thiên tai có chiều hướng gia tăng đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Hồng.

Để bảo vệ, phòng, chống sạt lở bờ sông, bãi sông vùng Đồng bằng sông Hồng, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Văn Trường, trước hết cần chủ động thực hiện đồng bộ, linh hoạt tổ hợp các giải pháp công trình, phi công trình; tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý nhằm giảm thiểu các tác động; đồng thời khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách, chế tài, xây dựng đồng bộ các quy hoạch khai thác tài nguyên nước, phát triển kinh tế – xã hội, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ, bãi sông. Cùng với đó, chú trọng phát triển, nghiên cứu khoa học công nghệ hiện đại hóa, tự động hóa trong dự báo, quản lý, vận hành hệ thống tạo thế chủ động trong phòng, chống sạt lở bờ, bãi sông; tăng cường hợp tác quốc tế, phát triển, áp dụng hiệu quả các giải pháp, khai thác hiệu quả, bền vững tài nguyên nước…


ThS. Trần Thùy Nhung, Viện Khoa học Tài nguyên nước trình bày tham luận tại Hội thảo
Trên cơ sở các tham luận, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá đầy đủ, toàn diện các vấn đề về bảo vệ, quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình nói chung và từng địa phương trong lưu vực nói riêng.