Nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài KHCN cấp Bộ về mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất và công nghệ đo ảnh điện 3D trong điều tra các thấu kính nước nhạt nông ven biển

AT_28112013Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Hội đồng KHCN cấp cơ sở của Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã tiến hành nghiệm thu kết quả thực hiện 02 Đề tài KHCN cấp Bộ “Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bảo đảm phát triển KTXH các đảo khu vực Đông bắc Việt Nam; Thử nghiệm đảo Quan Lạn” do ThS. Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc làm Chủ nhiệm. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ đo ảnh điện 3D trong điều tra các thấu kính nước nhạt nông khu vực ven biển. Áp dụng ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu” do TS. Nguyễn Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Công nghệ, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam làm Chủ nhiệm.

TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu. Tham dự Hội đồng có PGS. TS Đoàn Văn Cánh, CT Hội ĐCTV Việt Nam; TS. Đặng Đình Phúc; ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Cục Quản lý tài nguyên nước; TS. Nguyễn Tuấn Phong, Hội KHKT Địa vật lý Việt Nam; thành viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Phòng, Ban trực thuộc Trung tâm cùng tham dự.

A_Bang_28112013

Tại Hội đồng nghiệm thu, đại diện nhóm tác giả, ThS. Triệu Đức Huy, Phó Liên đoàn trưởng, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Bắc; TS. Nguyễn Hồng Bàng, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Công nghệ, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Chủ nhiệm Đề tài đã trình bày tổng quan nội dung nghiên cứu của Đề tài; phạm vi, đối tượng, nội dung, phương pháp nghiên cứu và kết quả của 02 Đề tài. Đề tài “Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bảo đảm phát triển KTXH các đảo khu vực Đông bắc Việt Nam; Thử nghiệm đảo Quan Lạn” được thực hiện trong 36 tháng (từ 01/2011 đến 12/2013); nghiên cứu tại các đảo vùng Đồng Bắc Việt Nam và triển khai mô hình thí điểm thu gom nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ đo ảnh điện 3D trong điều tra các thấu kính nước nhạt nông khu vực ven biển. Áp dụng ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu” được thực hiện trong 18 tháng (từ 7/2012 đến 12/2013); nghiên cứu các thấu kính/lớp chứa nước nhạt nông trong trầm tích bở rời khu vực ven biển, tại hai khu vực xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh và khu vực xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tại Hội đồng, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá 02 Đề tài đã thực hiện được mục tiêu đề ra. Đề tài “Nghiên cứu mô hình trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất bảo đảm phát triển KTXH các đảo khu vực Đông bắc Việt Nam; Thử nghiệm đảo Quan Lạn” thực hiện được hai mục tiêu quan trọng là xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc lưu trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất các đảo Đông Bắc Việt Nam và xác lập được mô hình thích hợp trữ nước mưa bổ sung nhân tạo cho nước dưới đất trên đảo Quan Lạn. Đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ đo ảnh điện 3D trong điều tra các thấu kính nước nhạt nông khu vực ven biển. Áp dụng ở huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu” đã hoàn thành mục tiêu nghiên cứu các sơ đồ hệ điện cực đo phù hợp cho nghiên cứu ĐCTV nhằm đảm bảo chất lượng số liệu thu thập và có độ phủ toàn khu vực nghiên cứu 3D; nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ điện cực 3D và bộ chuyển mạch phù hợp để giảm các chi phí thời gian và công sức vận hành đo ở hiện trường; nghiên cứu quy trình phân tích tài liệu ảnh điện 3D để xác định thấu kính nước nhạt, dự báo có độ tin cậy cao. 

Phát biểu tại Hội đồng thẩm định, TS. Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, 02 Đề tài về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu đã được phê duyệt; nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả; sản phẩm và kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn cao.

toan_canh_28112013

(Hồng Nhung – NAWAPI)