Sau hiện tượng giếng khoan tự phun hỗn hợp khí và nước cao hàng chục mét ở Gia Lai, đoàn công tác của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT) đã đến đo đạc hiện trường, lấy mẫu nước, khí về kiểm tra.
Những ngày vừa qua, trong quá trình thi công giếng khoan tại vườn của gia đình anh Đàm Xuân Hòa, tại xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đến độ sâu 186m xuất hiện hỗn hợp gồm khí và nước tự phun lên trên mặt đất với áp lực rất mạnh. Sự việc đã gây ra tò mò, hiếu kỳ cho nhiều người dân.
Thông tin từ chủ nhà (anh Đàm Xuân Hòa), cũng là người trực tiếp khoan cho biết, ngày 30/7/2024 gia đình anh Hoà chọn lỗ khoan đã thi công đến độ sâu 170m để thử máy khoan mới mua, khi khoan đến độ sâu 186m thì bộ dụng cụ khoan (trọng lượng khoảng 2,1 tấn) có hiện tượng bị nâng lên. Do đó, gia đình đã dừng không khoan nữa. Đồng thời, quan sát được hiện tượng hỗn hợp khí và nước phun lên khỏi mặt đất (chiều cao khoảng trên 10m, nước ban đầu phun lên có mùi đất đèn – CaC2).
Nhằm thu được các thông tin trung thực về hiện tượng này, chiều 1/8, đoàn công tác của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung đã tới làng Klă (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) để khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá hiện tượng nước và khí phun mạnh, tạo thành cột nước và khí cao hơn 20m.
Đoàn kiểm tra tiến hành đo đạc, lấy mẫu nước tại giếng khoan tự phun đưa đi xét nghiệm
Tại đây, đoàn công tác của Liên đoàn đã tiến hành đo đạc (test nhanh) tại hiện trường, lấy mẫu nước để phân tích nhằm đưa ra nguyên nhân và khuyến cáo phù hợp. Đồng thời, Đoàn sẽ kiểm tra chất lượng nước và khí.
Trao đổi với Phóng viên Báo TN&MT, TS. Vũ Mạnh Hải, Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung cho biết, Đoàn công tác đã khảo sát bao gồm việc thu thập thông tin từ người dân và chính quyền địa phương sở tại, cùng một số các quan sát, đo đạc/ước lượng chuyên, và lấy mẫu nước để phân tích.
Đoàn công tác cũng đã thu thập một số thông tin có liên quan về địa tầng, nguồn gốc, quá trình thi công lỗ khoan, hoàn cảnh, thời gian và địa điểm xuất hiện hiện tượng tự phun tại lỗ khoan thông qua phỏng vấn, thu thập thông tin từ người dân, chính quyền địa phương, đồng thời, tiến hành một số đo đạc/ước lượng chuyên môn như: tọa độ, vị trí, địa hình, địa mạo, địa tầng và cấu trúc lỗ khoan, test nhanh một số thông số chất lượng nước tại hiện trường và lấy mẫu nước để phân tích.
Đoàn công tác lấy mẫu nước để kiểm tra
Theo TS. Vũ Mạnh Hải, Đoàn công tác cũng đã lấy mẫu nước để kiểm tra việc liệu hiện tượng này có gây độc hại, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ người dân hay không. Để đưa ra được nhận định chính xác, ông Hải cho rằng, hiện tượng này cần phải có thời gian khảo sát, đánh giá, nghiên cứu thêm.
Bước đầu, đoàn công tác nhận định, hiện tượng nước và khí tự phun lên tại giếng xảy ra ở thời gian khá lâu (2 ngày) sau thời gian xảy ra các trận động đất ở Kon Tum và hoàn toàn không có liên hệ với nhau. Hiện tượng khí tự phun lên mặt đất có thể do quá trình khoan đã chạm đến chiều sâu phân bố của một mỏ khí (độ sâu 186m trở xuống); nước trong hỗn hợp khí và nước có thể là đồng hành trong mỏ (chiều sâu 186m trở xuống) hoặc nước trong lỗ khoan ở phần trên của mỏ khí. Các thông số chất lượng nước được quan sát và đo đạc tại hiện trường nằm chưa ghi nhận bất thường nào có thể gây nguy hại cho môi trường và đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, đây chỉ là các nhận định ban đầu, dựa vào kết quả khảo sát nhanh. Các kết luận chính xác cần được dựa trên các thí nghiệm, khảo sát chuyên sâu khác được tiến hành trên cơ sở các nhận định từ đợt khảo sát nhanh này.
Được biết, huyện Chư Prông (Gia Lai) cách huyện Kon Plông (Kon Tum) – tâm chấn động đất, khoảng 150km. |
Theo: https://baotainguyenmoitruong.vn/