Trong khuôn khổ chương trình hoạt động của Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long”. Trong hai ngày, 12&14/11/2015, đã diễn ra hội thảo tập huấn cho sinh viên Trường Đại học khoa học tư nhiên thành phố Hồ Chí Minh và trường Đại học Cần Thơ với chủ đề “Bảo vệ tài nguyên nước – kho báu của sự sống”. Hội thảo tập huấn giúp sinh viên có cái nhìn tổng quan về tài nguyên nước dưới đất, xây dựng và thực hiện các ý tưởng sáng tạo của Sinh viên để nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước ngầm cũng như cách sử dụng bền vững và tiết kiệm nguồn nước.
Mục tiêu hội thảo tập huấn nhằm cung cấp cho sinh viên, các kiến thức cơ bản về tài nguyên nước dưới đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như trang bị cho họ các kỹ năng tư duy sáng tạo, phát triển xây dựng ý tưởng trong tương lai. Đồng thời, cung cấp cho các bạn sinh viên thông tin dự án, ý nghĩa và giải thưởng cuộc thi.
Tham gia giảng dạy là chuyên gia đến từ Dự án “Tăng cường Bảo vệ nước ngầm tại các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long” (IGPVN) ; Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước Miền Nam thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (NAWAPI). Đại diện dự án IGPVN: Bà Dorit Lehrack – Trưởng dự án; Ông Florian Jenn – Chuyên gia địa chất thủy văn cao cấp; Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh – Cán bộ dự án. Đại diện NAWAPI: Tiến sĩ Bùi Trần Vượng – Phó liên đoàn trưởng Liên đoàn Miền nam.
Được sự ủng hộ của Đoàn trường, Hội sinh viên Trường, sự tham gia sôi nổi, đông đảo của các bạn sinh viên, buổi hội thảo tập huấn diễn ra trong không khí học thuật và vui tươi.
Ngày 12/11/2015, hội thảo tập huấn diễn ra tại giảng đường lớn Trường Đại học khoa học tự nhiên thành phố Hồ Chí Minh. Sau phần văn nghệ chào mừng buổi hội thảo tập huấn do các bạn sinh viên biểu diễn, là các hoạt động chính của buổi tập huấn.
Đại diện dự án, Bà Dorit Lehrack phát biểu giới thiệu về dự án, nội dung buổi hội thảo, các hoạt động tài trợ cuộc thi, hoạt động trao giải cuộc thi.
Ông Florian Jenn: Trình bày cơ sở dự án: Lịch sử dự án, Giai đoạn hiện tại (giai đoạn 3), Cấu phần dự án.
Tiến sĩ Bùi Trần Vượng: Giới thiệu các khái niệm chung về ĐCTV, tài nguyên nước, tài nguyên nước dưới đất. Giới thiệu về vùng ĐBSCL: Kinh tế xã hội, khí tượng thủy văn, địa chất, điều kiện địa chất thủy văn, tài nguyên nước dưới đất. Các tài liệu nguyên cứu về tài nguyên nước dưới đất vùng ĐBSCL.
Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh và Ông Florian Jenn: Trình bày mô hình mô phỏng thí nghiệm với nước dưới đất, cùng với sự tham gia tích cực của sinh viên. Bao gồm: Mô phỏng bổ cập cho nước dưới đất từ mưa; Mô phỏng hoạt động khai thác nước dưới đất; Mô phỏng tốc độ di chuyển của nước trong tầng chứa nước, hạ thấp mực nước do hoạt động khai thác; Mô phỏng con đường nhiễm bẩn nước dưới đất từ nước thải ở các ao hồ.
Bà Dorit Lehrack trình bày tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề: Các nhận thức không ngờ tới, các mô hình từ ngữ, vấn đề và giải quyết vấn đề, các công cụ thiết lập tư duy và ra quyết định.
Ngày 14/11/2015, hội thảo tập huấn diễn ra tại nhà học C1, Trường đại học Cần Thơ, với nội dung tương tự.
Vì số lượng sinh viên tham dự đông, để thuận tiện cho việc giảng dạy, sau phần trình bày của Tiến sĩ Bùi Trần Vượng, dự án quyết định làm 2 nhóm: Nhóm 1 do Bà Dorit Lehrack phụ trách, trình bày tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề; Nhóm 2 do Tiến sĩ Hoàng Thị Hạnh và Ông Florian Jenn phụ trách, Trình bày mô hình mô phỏng thí nghiệm với nước dưới đất. Hai nhóm được dạy đồng thời và hoán đổi khi hoàn thành.
Nhìn chung, hội thảo tập huấn thành công tốt đẹp, sinh viên hiểu được các vấn đề tài nguyên nước dưới đất vùng đồng bằng sông Cửu Long, khơi dậy ý tưởng sinh viên về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, cũng như cách sử dụng bền vững và tiết kiệm nguồn nước.
Theo kế hoạch của dự án, tiếp tục tổ chức hội thảo tập huấn tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh vào tháng tới. Dự án cũng đang lên kế hoạch tổ chức thêm một lần hội thảo tập huấn nữa, nhằm giúp các bạn sinh viên có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, có nhiều sản phẩm dự thi đạt chất lượng tốt.
(Theo igpvn.vn)