ĐỀ ÁN “ ĐIỀU TRA NGUỒN NƯỚC DUỚI ĐẤT TẦNG NEOGEN VÙNG THÀNH PHỐ HÀ NỘI”: Bổ sung nguồn nước ngầm quý giá cho phát triển Thủ đô

vv164TS. Tống Ngoc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước (QH & ĐT TNN) miền Bắc cho biết:  Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ TN & MT, Trung tâm QH&ĐTTNN, 5 năm qua, CBCNV Liên đoàn QH & ĐTTNN miền Bắc đã nỗ lực vượt lên mọi thách thức, hoàn thành công tác điều tra nguồn nước dưới đất tầng Neogen vùng TP. Hà Nội, mở ra triển vọng lớn trong việc cấp nuớc phục vụ Thủ đô trên đường đổi mới.

* Ông có thể cho biết xuất phát điểm của Đề án?

 Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh: Nguồn nước phục vụ cho Hà Nội chủ yếu là nước dưới đất được khai thác trong các trầm tích bở rời Đệ tứ, vài năm nay có thêm nguồn nước mặt từ Sông Đà; vì thế, hiện tượng suy thoái, ô nhiễm nguồn nước là không tránh khỏi. Những năm 97-98, nhiều cư dân ở các khu vực Định Công, Linh Đàm, Pháp Vân…không ngớt “kêu cứu” về tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Chủ đầu tư các khu đô thị này như TCT HUT đã phải bỏ tiền, ký hợp đồng với Liên đoàn để thăm dò, tìm kiếm nguồn nước sạch. Liên đoàn đã khoan thăm dò và phát hiện tầng chứa nước Neogen ở độ sâu 180-250m có nguồn nước ngầm khá phong phú, chất lượng rất tốt, nên đã xây dựng, chuyển giao cho Nhà đầu tư bãi giếng công suất 7000 m3/ng, cung cấp nước cho cư dân khu vực trong niềm phấn chấn của mọi người. Đặc biệt, từ khi Hà Nội được mở rộng với Quy hoạch phát triển thành Thủ đô hiện đại, văn minh thì việc tìm kiếm nguồn nước bổ sung, đáp ứng nhu cầu này được nhân lên. Đây chính là xuất phát điểm của Đề án “Điều tra, nguồn nước duới đất tầng Neogen vùng thành phố Hà Nội” do Liên đoàn đảm trách. Vùng nghiên cứu có diện tích 872 km2, phần lớn thuộc Tp Hà Nội, còn lại là các vùng phục cận thuộc các tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh.Đề án được thi công năm 2007, kết thúc tháng 10/2011. 

* Kết quả nổi bật của Đề án được đánh giá như thế nào, thưa ông?

Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh:  Đề án đã làm rõ sự phân bố theo diện và chiều sâu của các trầm tích Neogen trong khu vực, có độ sâu từ mặt đất xuống khoảng 60-110m. Các trầm tích của hệ tầng Vĩnh Bảo phân bố đến độ sâu 197- 447 m. Lỗ khoan (LK) TD9 ở Bình Minh, Khoái Châu sâu 600 m vẫn chưa khoan hết hệ tầng Tiên Hưng.

Thành lập được Bản đồ địa chất thủy văn (ĐCTV) tầng chứa nước Neogen tỷ lệ 1:50.000, là tài liệu quan trọng để triển khai các dự án điều tra đánh giá nguồn nước dưới đất tiếp theo và cơ sở để thực hiện Đề án “Điều tra đánh giá tổng thể bể than sông Hồng phần đất liền”, nhất là khi khai thác than tầng sâu.

Đã đánh giá được chất lượng nước theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ngầm; theo đó, về cơ bản nước trong tầng Neogen có chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất. Chính xác hóa ranh giới mặn nhạt của tầng chứa nước Vĩnh Bảo (n2), trong đó diện tích nước bị nhiễm mặn khoảng 223,7 km2, phân bố ở phía tây, tây nam vùng nghiên cứu

Đã xác định được các vùng có triển vọng khai thác nước lớn trong tầng chứa nước hệ tầng Vĩnh Bảo. Đánh giá được trữ lượngtiềm năng nước dưới đất của các trầm tích hệ tầng Vĩnh Bảo 1.642.925 m3/ng, Trong đó trữ lượng thực bơm tại 11 LK là: 17.336 m3/ng; hệ tầng Tiên Hưng tại 2 LK là 911 m3/ng.Đặc biệt tại LK 10N sâu 400m, thị trấn Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, phát hiện nguồn nước có lưu lượng lớn (800 m3/ng) nhiệt độ 36 oC, thuộc loại nước khoáng ấm.

Đề án làm phong phú thêm nguồn tài liệu điều tra cơ bản về TNN trên địa bàn Hà Nội, phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước về TNN trên địa bàn Thành phố.

* Các biện pháp chủ yếu Liên đoàn đã thực hiện để tạo nên sự thành công của Đề án,  thưa ông?

Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh: Liên đoàn đã thu thập, xử lý và tổng hợp tài liệu; điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất; khảo sát địa chất thủy văn trên mặt; ứng dụng công nghệ và thiết bị địa vật lý tiên tiến để nghiên cứu cấu trúc ĐCTV các tầng chứa nước, xác định ranh giới mặn nhạt, tìm ra các cấu trúc, đới chứa nước để khoan các lỗ khoan thăm dò. Dựa trên các tài liệu này đề án đã khoan thành công, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật 14 LK với khối lượng 3280m khoan, trong đó có 2078m được lấy mẫu để nghiên cứu cấu trúc và thành phần đất đá. Đã kết cấu các loại ống chống, ống lọc đường kính trung bình đến lớn để bơm nước thí nghiệm nhằm đánh giá trữ lượng và chất lượng nguồn nước, trong đó có 2 LK sâu nghiên cứu phân tầng ĐCTV, đây là công việc rất khó. Lấy và phân tích hàng trăm mẫu địa chất, nước; quan trắc động thái để làm rõ đặc điểm và quy luật của nước dưới đất trong tầng Neogen…

 Là người trưởng thành từ Liên đoàn, trực tiếp chỉ đạo, gắn bó với Đề án trong suốt 5 năm, theo ông khó khăn lớn nhất của anh em trong quá trình triển khai Đề án là gì và đã khắc phục ra sao để hoàn thành nhiệm vụ?

Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh: Đề án thi công trên địa bàn thành phố Hà Nội và các vùng lân cận là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước, nơi tập trung đông dân, nhiều vùng trồng hoa và kinh doanh cây cảnh…(Văn Lâm, Văn Giang), nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác mượn đất, đền bù giải phóng mặt bằng để tập kết máy móc vào nơi thi công. Có LK chậm thi công tới 2-3 tháng. Mức đầu tư hàng năm hạn chế nên thời gian thực hiện Đề án bị kéo dài từ 3 năm (theo Quyết định phê duyệt) lên 5 năm, ảnh hưởng tới việc sử dụng kết quả điều tra Đề án phục vụ các ngành KT-XH. Máy móc; thiết bị thi công của Liên đoàn chưa được đầu tư nhiều, đa số lạc hậu, xuống cấp trong khi thực tế phải khoan những LK phân tầng với chiều sâu từ 200-400 m, chống các loại ống có đường kính lớn nên thường gặp các sự cố. Do vậy để thành công, Liên đoàn tập trung nguồn lực, đầu tư 4 tổ máy đầu đàn có khả năng khoan sâu đến 700m, chống ống đến đường kính 325mm. Bơm, thổi rửa LK ở độ sâu 200m-400m phải sử dụng tổ hợp máy nén khí Model CPS 350-10 Chicago Pnucmatec, Allas Copco, Sullir mới đủ áp suất thổi rửa sạch lỗ khoan.

 vv165

 * Phải chăng đó cũng là điều khiến ông tâm đắc nhất, bởi Liên đoàn đã vượt lên mọi thách thức, lần đầu tiên thành công trong nghiên cứu tầng sâu nước dưới đất, khẳng định vị thế của mình trong lĩnh vực điều tra tài nguyên nước?

 Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh: Quá trình thực hiện Đề án với chúng tôi như một cuộc tập trận mà kết quả của nó đã giúp cho trình độ, tay nghề đội ngũ CBCN nâng cao, nhất là thi công khoan và kết cấu ống phân tầng ở các LK có đường kính và chiều sâu lớn; kết quả của Đề án đã đạt các mục tiêu đề ra, đặc biệt có nguồn tài liệu mới để khẳng định: tầng chứa nước Neogen phía Nam Hà Nội nhiều vùng giàu nước, có triển vọng tốt và khá chiếm hơn một nửa diện tích nghiên cứu; tỷ lệ các LK giàu nước lớn (84,6%), trong đó có 10/13 (79,6%) LK có lưu lượng Q > 10 l/s;có LK đạt trên 30 l/s, chất lượng nuớc tốt, hàm lượng sắt ít, các yếu tố vi sinh, vi lượng đều dưới mức cho phép.

  * Để đề án phát huy hiệu quả, Nhà nước, các ngành và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội cần nghiên cứu và triển khai các giải pháp nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả cũng như bảo vệ và phát triển nguồn nước dưới đất quý giá này, thưa ông?

Liên đoàn trưởng Tống Ngọc Thanh: Đó cũng là mong muốn của Liên đoàn! Bởi thành công của đề án là tiền đề để Nhà nước tiếp tục đầu tư nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện nguồn nước dưới đất trong tầng Neogen vùng đồng bằng châu thổ Sông Hồng, phục vụ phát triển KT-XH của thủ đô trên đường đổi mới; đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng; vì đây là tầng chứa nước nằm sâu được bảo vệ tốt, ít bị tác động. Nguồn tài liệu này cũng là tiền đề để nghiên cứu ĐCTV khi thăm dò và khai thác than ở bể than sông Hồng.

 Kết quả điều tra tầng chứa nước Neogen vùng thành phố Hà Nội cho thấy triển vọng nguồn nước mới có chất lượng rất tốt, có thể khai thác để sử dụng cho ăn uống sinh hoạt, ngành công nghiệp cần sử dụng nguồn nước có chất lượng tốt cho dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm… Đặc biệt đã phát hiện ra nguồn nước khoáng ấm có thể khai thác để phát triển du lịch (phục vụ nước tắm, bể bơi 4 mùa) với chi phí xử lý nước thấp.

* Xin cám ơn Liên đoàn trưởng!

 

(Theo Monre.gov.vn)