Ngày 18/9, tại Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân (ANND) phối hợp với Hội đồng Lý luận Bộ Công an tổ chức Tọa đàm khoa học “Công tác Công an trong đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam hiện nay”. Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND chủ trì tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, những người làm công tác thực tiễn trong và ngoài lực lượng CAND đã phân tích và đi đến thống nhất rằng, trong tình hình hiện nay, an ninh nguồn nước ở Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa ô nhiễm, ngày càng trở nên nặng nề hơn.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước luôn đặt an ninh nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước là mối quan tâm hàng đầu trong hoạch định chiến lược phát triển bền vững của đất nước; chú trọng thực hiện cam kết quốc tế về vấn đề này. Cơ quan chức năng Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp hiệu quả trong bảo đảm an ninh nguồn nước; tích cực thực hiện hợp tác quốc tế, khu vực nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước.
Các ý kiến chỉ ra các nguy cơ, thách thức đe dọa an ninh nguồn nước, các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự nảy sinh liên quan tới nguồn nước ở Việt Nam; trách nhiệm và kết quả bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam theo chức năng của các bộ, ban, ngành và của lực lượng CAND…
TS Bùi Du Dương, Trưởng ban Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước phát biểu tại tọa đàm.
Chia sẻ về những thách thức đặt ra đối với an ninh nguồn nước tại Việt Nam, TS Bùi Dư Dương, Trưởng ban Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Việt Nam hiện đang phụ thuộc vào nguồn nước bên ngoài trên 60%. Việc không chủ động được về nguồn nước dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường như bị động, khó quản lý nguồn, thiếu nước, ô nhiễm nguồn, hạn hán, xâm nhập mặn, phèn, ngập úng. Bên cạnh đó, nhiều khu đô thị khai thác nước dưới đất quá mức, mực nước ngầm bị suy giảm liên tục chưa có dấu hiệu phục hồi; biến đổi khí hậu dẫn đến bất thường, hạn hán, mặn, lũ lụt xảy ra thường xuyên hơn và ngày càng cực đoan hơn.
Hơn 70% dân số có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các thiên tai liên quan đến nước và Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thiên tai nhiều nhất trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương với xu hướng gia tăng lũ và hạn hán. Cả nước mặt, nước dưới đất đều có dấu hiệu ô nhiễm khi còn 85% nước thải chưa được xử lý, xả thẳng ra nguồn tiếp nhận…
Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND phát biểu tại tọa đàm.
Từ những thách thức trên, theo TS Bùi Dư Dương, Đảng và Nhà nước xác định rõ, nước là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của Việt Nam. Quyết định số 622 ngày 10/5/20217 của Thủ tướng Chỉnh phủ đặt mục tiêu bền vững đến năm 2030, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 95% đến 100% điều kiện cung cấp nước sạch bảo đảm an ninh, an toàn. Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu đến 2030, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 cũng đều yêu cầu đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và cơ sở dữ liệu về quản lý tài nguyên nước…
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.
Với kinh nghiệm thực tiễn từ địa phương, Thượng tá Hoàng Ngọc Hiếu, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An đề xuất một số giải pháp nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước như: Lực lượng Công an cần tiếp tục nắm chắc tình hình để tham mưu cho chính quyền địa phương các giải pháp phù hợp; tăng cường sự phối hợp liên ngành trong đảm bảo an ninh nguồn nước; tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về đảm bảo an ninh nguồn nước.
Một số ý kiến khác cũng đề xuất lực lượng Công an các cấp cần tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong quy hoạch tài nguyên nước, xây dựng đập, hồ chứa nước, phát triển bền vững tài nguyên nước, xây dựng phương án ứng phó khi xảy ra sự cố, phá hoại gây mất an ninh, an toàn nguồn nước; kịp thời xử lý các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong quá trình thực hiện các đề án, dự án, chương trình trên địa bàn sử dụng tài nguyên nước.
Phát biểu tổng kết tọa đàm, Thiếu tướng, PGS.TS Trần Anh Vũ, Phó Giám đốc Học viện ANND khẳng định: Kết quả tọa đàm đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức công tác bảo đảm an ninh nguồn nước ở Việt Nam, từ đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.
Theo: https://cand.com.vn/