Cần xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống

Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai vừa có buổi làm việc với Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước ( QH&ĐTTNN) nhằm rà soát mạng quan trắc tài nguyên nước dưới đất (TNNDĐ) vùng đồng bằng Bắc Bộ (ĐBBB) và đồng bằng Nam Bộ (DDBNB) (trước đó đã rà soát mạng quan trắc TNN khu vực Tây Nguyên) nhằm thiết kế mạng quan trắc TNN Quốc gia mang tính thường xuyên, có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống, giúp hoàn thiện quy hoạch phát triển, bảo vệ và quản lý các nguồn nước, cảnh báo, dự báo, giảm nhẹ nguy cơ nhiễm bẩn, cạn kiệt và phòng tránh những tác động tiêu cực của nước đến môi trường sinh thái.

bai1

Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Ông Tống Ngọc Thanh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc cho biết: Mạng quan trắc TNN vùng đồng bằng Bắc Bộ hoàn thành năm 1995 với 210 công trình, được vận hành liên tục. Tới nay, mạng còn 103 điểm với 206 công trình. Công tác quan trắc được tiến hành theo chu kỳ khép kín từ khâu thu thập số liệu, thành lập cơ sở dữ liệu, niên giám, thông báo, cảnh báo, dự báo với mục tiêu, nhiệm vụ: kiểm soát ảnh hưởng của các quá trình tự nhiên và nhân tạo đến TNNDĐ, diễn biến về số lượng, đánh giá mức độ tổn hại do ô nhiễm nước gây ra; cung cấp số liệu, dữ liệu phục vụ công tác dự báo, cảnh báo về sự thay đổi của nguồn NDĐ; phục vụ công tác quản lý quy hoạch, khai thác, sử dụng hiệu quả TNNDĐ. Công tác quan trắc  NDĐ thời gian qua đã đáp ứng được các mục tiêu đề ra nhằm kiểm soát sự biến đổi về số lượng, chất lượng nước, làm cơ sở xây dựng chiến luợc khai thác, bảo vệ TNN phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH và các mục tiêu quan trắc cho những năm tiếp theo.

 Tuy nhiên, do tính kế thừa các điểm quan trắc từ 1996 đến 2005, nên mật độ quan trắc trong vùng còn thưa, chưa thể hiện hết cấu trúc địa chất vùng, nhất là ở những khu vực có công trình khai thác nước; vì thế, cần thiết phải bổ sung các điểm quan trắc vào những vùng còn trống. Việc làm thủ tục cấp đất cũng như giải phóng mặt bằng cho công trình quan trắc gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới công tác xây dựng, bảo vệ công trình, cần có giải pháp khắc phục.

  Ông Ngô Đức Trân, Chủ nhiệm đề án Quan trắc TNNDĐ vùng ĐBNB cho rằng, với diện tích đất liền của 19 tỉnh, thành ĐBNB là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, TNN đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động KT-XH. Mạng quan trắc TNN trong vùng được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ XX, đã vận hành qua nhiều giai đoạn và được bổ sung hoàn  thiện dần. Quá trình vận hành mạng 20 năm qua cho thấy, về cơ bản đã đạt các mục tiêu tổng quát của công tác quan trắc, đánh giá được động thái NDĐ của các tầng chứa nước; tính toán số lượng cung cấp của nước mưa cho NDĐ tại các sân cân bằng, đánh giá chất luợng nước, thành lập bộ dữ liệu về động thái NDĐ vùng ĐBNB, dự báo động thái NDĐ nhằm hướng tới sử dụng hợp lý NDĐ phục vụ phát triển kinh tế và cuộc sống dân sinh… Tuy nhiên, cũng như mạng quan trắc TNN vùng ĐBBB,  các công trình quan trắc  ở ĐBNB quá thưa cần được bổ sung tại các tầng chứa nước từ 10 đến 40 lỗ khoan theo từng giai đoạn. Để có quyền sử dụng đất tại các công trình quan trắc, cần có kinh phí  để bồi hoàn cho người dân (về giá trị đất, công khai phá đất), hoặc lập dự án riêng với sự tham gia của chính quyền địa phương. Để công tác quan trắc đạt hiệu quả và chất luợng, mạng quan trắc của các vùng cần được bổ sung mới các thiết bị quan trắc mực nước, nhiệt độ, lấy mẫu nước và thiết bị phân tích hiện trường.

Bai2

Giám đốc Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước Đỗ Tiến Hùng phát biểu ý kiến

Qua các báo cáo rà soát mạng quan trắc TNNDĐ của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chỉ đạo: từ thực trạng, mục tiêu và nhiệm vụ mạng quan trắc TNNDĐ của cả ba vùng, ba Liên đoàn QH&ĐTTNN miền Bắc, miền Trung và miền Nam cần tiếp tục rà soát, tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học để nâng tầm công tác quan trắc TNNDĐ, có tư duy cụ thể để hoàn thiện mạng quan trắc Quốc gia về TNN mang tính thiết thực với cuộc sống, đảm bảo được nhiệm vụ quan trắc thường xuyên cho giai đoạn 2011-2015, có tính đến 2020. Thứ trưởng cho rằng: công tác rà soát mạng quan trắc phải làm thật kỹ, trả lời được mục tiêu cụ thể của từng công trình, từng vị trí của mạng đối với cuộc sống. Chẳng hạn, công trình nào không còn tác dụng cần bỏ bớt, cái nào cần tăng thêm, hiệu quả ra sao?…. Các số liệu thu thập được, nhất là với các điểm bị ô nhiễm môi trường nước, những nơi có nguy cơ bị sụt lún đất do khai thác nước quá nhiều, vùng nào nguồn nước bị cạn kiệt cần được bổ cập…phải được cảnh báo với Chính phủ, với địa phương và các cơ quan quản lý… để kịp thời có chính sách phù hợp trong công tác cấp phép, có chế tài xử lý các hiện sai phạm… nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng TNNDĐ hợp lý, có hiệu quả, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển KT-XH của từng vùng và cả nước. 

(Theo Thu Nga – Monre)