Báo cáo Đề án điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ứng phó với BĐKH khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL

hop_bdkh2_1Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành đã chủ trì cuộc họp nghe Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia (TTQH&ĐT TNNQG) báo cáo Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo, phòng chống khô hạn, xâm nhập mặn ứng phó với biến đổi khí hậu các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”. Tham dự cuộc họp có đại diện các Cục: Quản lý tài nguyên nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Viễn thám quốc gia; Viện KHKTTV&BĐKH cùng các Vụ: Kế hoạch – Tài chính, Khoa học và Công nghệ.

Tại cuộc họp, ông Tống Ngọc Thanh – Tổng Giám đốc Trung tâm QH&ĐTTNNQG đã báo cáo sơ lược quá trình xây dựng đề cương, nội dung của Đề án “Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ứng phó với BĐKH khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL”. Mục tiêu chính của Đề án là đánh giá được tổng thể nguồn nước, cảnh báo, dự báo và đề xuất các giải pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên nước khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

hop_bdkh1

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Đề án sẽ tập trung thực hiện 07 nhiệm vụ chính: (1) Điều tra, đánh giá hiện trạng, diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn bằng công nghệ viễn thám; (2) Điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước và ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn đến khai thác, sử dụng nước; (3) Điều tra, đánh giá rủi ro do hạn hán và xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu; (4) Điều tra, đánh giá tổng thể và chi tiết các nguồn nước mặt, nước dưới đất; (5) Xây dựng hệ thống nghiệp vụ giám sát nguồn nước, cảnh báo và dự báo hạn hán, xâm nhập mặn; (6) Xây dựng hệ thống tích hợp, quản lý, cung cấp chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ mục tiêu chống hạn, xâm nhập mặn và ứng phó với BĐKH; (7) Tổng hợp hồ sơ, sản phẩm của Đề án và xây dựng giải pháp tổng thể phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ứng phó với BĐKH.

Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã thảo luận, chia sẻ các ý kiến nhằm tạo ra sự thống nhất trong cách làm, xây dựng mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể, rà soát lại các hồ sơ để không bị trùng lặp.

hop_bdkh3

hop_bdkh5

hop_bdkh6

Sau khi thảo luận, tiếp thu các ý kiến của các đơn vị, ông Tống Ngọc Thanh cho rằng, có thể giải trình các Bộ, Ngành về tính cấp thiết vì dù tiếp theo ĐBSCL có vào giai đoạn nhiều nước, lũ lụt thì cũng không phải sẽ không lặp lại chu kì thiếu nước, hạn hán. Các số liệu, dữ liệu hiện có bây giờ chưa có đơn vị nào có đầy đủ để trả lời cho câu hỏi của Thủ tướng Chính phủ là thiếu nước như thế nào, thiếu bao nhiêu; Đề án sẽ không chồng chéo công việc với Bộ nào vì sản phẩm của Đề án là quản lý dữ liệu nguồn để phục vụ tất cả các lĩnh vực chứ không chỉ phục vụ riêng cho công trình thủy lợi như Luật Thủy lợi đã nêu.

img_4540

Kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Đề án này phải đánh giá được thực trạng diễn biến của vùng, đối với vùng Nam Trung Bộ  và Tây Nguyên thì phải xem diễn biến tình trạng hạn hán ở mức độ như thế nào và đối với ĐBSCL nên tập trung vào tình trạng xâm nhập mặn, dữ liệu quan trắc còn chưa đồng bộ hóa nên công tác cảnh báo, dự báo rất khó khăn, đặc biệt là khâu quan trắc giám sát nên phải tập trung giải quyết vấn đề này, từ đó mới đưa ra được các dự báo, cảnh báo và các giải pháp ứng phó để giải quyết tình hình trên; cần xem xét, rà soát lại các Luật, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ thực hiện; rà soát lại khối lượng công việc và tính thời sự của Đề án, cần nhìn thẳng vào hiện trạng để chỉnh sửa báo cáo đề cương trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

(TTDLTNN)