Theo tính toán hàng ngày chỉ riêng các KCN tập trung đã thải ra khoảng 1.000.000 m3/ nước thải một ngày đêm. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, do nhận thức được tác hại của chất thải đối với môi trường nên tỷ lệ các KCN có công trình xử lý nước thải tập trung đã tăng lên đáng kể, từ gần 35% năm 2006 hiện đã tăng lên 60%. Dự kiến đến năm 2015, 100% các KCN đã đi vào hoạt động sẽ có công trình xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Theo ông Đông, dù số KCN có khu xử lý nước thải tăng lên đáng kể, “nhưng chúng ta chưa thể yên tâm đối với vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN. Con số 40% KCN chưa có khu xử lý nước thải đã cho thấy, vấn đề ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường vẫn là thách thức lớn”.
Điều đáng bàn là dù các KCN đã có khu xử lý nước thải nhưng chất lượng xử lý nước thải đặc biệt là xử lý cục bộ tại các DN, KCN còn hạn chế. Nhiều nhà máy xử lý nước thải vận hành chưa đúng công suất hoặc vận hành một cách đối phó. Công nghệ xử lý nước thải giống nhau, chưa có công nghệ nước đặc thù theo ngành nghề sản xuất kinh doanh của từng KCN. Đặc biệt, tại các khu vực tập trung nhiều KCN chưa hề có trung tâm xử lý chất thải rắn công nghiệp. Riêng công tác xử lý khí thải, tiếng ồn KCN dường như bị “bỏ quên”.
Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của công ty phát triển hạ tầng KCN, doanh nghiệp KCN còn hạn chế, chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm, chủ yếu chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính. Mặt khác, theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Ban quản lý KCN, KKT không có quyền xử phạt vi phạm hành chính khi phát hiện các sai phạm về môi trường nên làm giảm hiệu quả công tác quản lý môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh – Cục kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp – Bộ Công thương, một nguyên nhân khác gây áp lực đối với môi trường trong quá trình phát triển chính là việc các DN sử dụng công nghệ cũ, hệ thống đo đạc kiểm tra quan trắc trong hệ thống công nghiệp nói chung chỉ có tính chất định kỳ với một số tiêu chí ô nhiễm môi trường cơ bản. Cũng theo đại diện này, năm 2010 đã có 2300.000 tấn chất thải công nghiệp được thải ra môi trường song không có nhiều DN xử lý được các chất thải rắn hay chất thải nguy thải. “DN tận Quảng Ninh phải thuê DN ở Hải Dương hay vận chuyển sang Hải Phòng để xử lý.”
Khu dân cư – “cấp” nhưng quên… “thoát”
Ông Trần Quang Hưng – Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết “Nếu như quá trình cấp nước là một bức tranh mầu hồng thì ngược lại thoát nước là một bức tranh xám xịt. Có thể nói chưa tới 10% nước thải sinh hoạt được thải ra từ khu dân cư tạm gọi là qua xử lý, còn trên 90% số nước thải còn lại được trực tiếp xả thẳng ra môi trường. Đó là lý do những sông suối, ao hồ trên hầu khắp các vùng có những mầu đặc thù, còn đô thị luôn đối mặt với tình trạng ngập cục bộ bó tay trước những trận mưa dù lưu lượng không lớn lắm”.
Theo ông Hưng, hệ thống thoát nước dù đã được đầu tư qua từng thời kì nhưng vẫn xuống cấp tỉ lệ nghịch với quá trình đô thị hóa. Tất cả nguồn vốn đầu tư nâng cấp đều trông chờ vào Nhà nước trong khi đó chi phí xử lý chất thải đô thị lại quá thấp… Chính vì vậy mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn tình trạng ngập úng ở các khu đô thị là khó thực hiện được, đặc biệt là những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Vụ phó Vụ quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đề xuất giải pháp: Cần chuyển dịch cơ cấu đầu tư theo chiều sâu, theo hướng khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, không phát triển KCN xen lẫn với các khu dân cư, có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm ra ngoài đô thị. Thêm vào đó, cần có cơ chế khuyến khích các DN xây dựng các khu xử lý chất thải bằng cách cho vay ưu đãi, hoặc giảm thuế… Riêng đối với xử lý chất thải, nước thải ở khu dân cư, theo ông Đông cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
(Theo Hương Nguyên – nhandan.org.vn)