Ông Nguyễn Văn Thoại cũng như rất nhiều hộ ở tổ 6, thị trấn Khánh Yên cho biết, từ cuối năm 2010 trở lại đây, nước máy thi thoảng lại bị đục và có mùi hắc khó chịu, khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt. “Để có nước phục vụ sinh hoạt, gia đình ông phải dùng thùng lớn chứa nước máy, để nước lắng cặn, sau đó mới sử dụng” – ông Thoại nói.
Người dân sử dụng nước máy ở thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn) rất bức xúc vì nước máy thường xuyên có màu vàng đục và mùi hắc. Tình trạng này diễn ra trên qui mô rộng, toàn hệ thống chứ không xảy ra riêng lẻ, nhất là sau mỗi trận mưa. Được biết, công suất thiết kế của dây chuyền xử lý nước sạch ở huyện Văn Bàn là 1.200 m3/ngày, cung cấp cho gần 2.000 hộ dân và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thị trấn cùng một số xã lân cận. Nguồn nước mà xí nghiệp đang sử dụng là nguồn nước suối, được lấy trực tiếp từ nước mặt của 2 con suối Nậm Sỏm và Nậm Đén, phía trên thượng nguồn là những lán trại làm nương, chăn trâu bò của người dân nên mỗi khi trời mưa, nước từ đầu nguồn đổ về cuốn theo nhiều bùn đất rác rưởi nên rất đục, khiến cho việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Xí nghiệp kinh doanh nước cũng chỉ biết tăng thêm từ 20% đến 30% lượng phèn và clo để làm trong bể chứ không còn cách nào khác, do vậy hiện tượng đục không những không được xử lý hết mà còn có thêm mùi hắc của phèn và clo khiến người sử dụng rất khó chịu và nghi ngờ về chất lượng nguồn nước.
Người dân kiến nghị, trong lúc chưa có kinh phí để nâng cấp hệ thống xử lý nước công suất lớn và theo quy trình hiện đại hơn, thì Xí nghiệp cần phải áp dụng các biện pháp vệ sinh thường xuyên hệ thống bể chứa, lọc và xử lý như súc xả để loại bỏ nước đục ra khỏi hệ thống; xây dựng bể lắng trước khi đưa nước vào dây chuyền lọc; chủ động điều chỉnh thời gian lọc dài hơn để đảm bảo nước trong và vệ sinh hơn trước khi đến với người tiêu dùng.
(Theo Monre.gov.vn)