Xayaburi bài học thực tâm với người, nghiêm khắc với mình

Từ dự án Xayaburi cho chúng ta bài học đắt giá cần thực tâm với người, nghiêm khắc với mình (giữa lời nói và hành động) và phải biết lo xa đừng để nước đến chân mới nhảy!
Phản biện theo “phong trào” chỉ làm tình hình bế tắc
Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Liên hiệp thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC-JC)  ngày 19/4 tại Vientian Lào vừa qua, các nước thành viên MRC đã không tìm được tiếng nói chung về tiến trình tham vấn trước đối với dự án Xayaburi.  Việt Nam đề xuất hoãn thực hiện 10 năm.  Campuchia  và Thái Lan yêu cầu gia hạn thời gian tham vấn vì còn những thiếu sót cần được làm rõ. Thực tế , phía Thái Lan “đã bật đèn xanh”  ủng  hộ Xayaburi vì  vẫn cho rằng cần phải tôn trọng quyền phát triển của Lào. Trong khi đó, phía Lào cho rằng tiến trình tham vấn trước đã kết thúc khi họ đã hoàn tất yêu cầu của MRC là đưa dự án ra tham vấn trong 6 tháng. Vì chưa thể đi đến kết luận chung, các thành viên trong Ủy ban Liên hiệp MRC cùng quyết định trình vấn đề lên cấp bộ trưởng là cấp cao nhất trong tổ chức của MRC dự kiến sẽ họp vào tháng 11/2011.
Nếu các bên vẫn không thay đổi tư duy, cách tiếp cận khi nhìn nhận và giải quyết vấn đề từ vĩ mô đến vi mô thì hội nghị cấp Bộ trưởng của MRC cũng sẽ lại theo “vết xe đổ” như phiên họp của Ủy ban Liên hiệp vừa qua. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số gợi ý tìm hướng ra, góp phần “tháo gỡ” để những người có trách nhiệm và quan tâm xem xét, tham khảo.
Trước hết nói về cơ sở pháp lý. Cơ sở căn bản của luật quốc tế chính là các tập quán quốc tế và những công ước, điều ước, hiệp ước, hiệp định, các cam kết và thỏa thuận được các quốc gia tự nguyện tham gia. Luật quốc tế không có cơ chế cưỡng chế, những vi phạm của các quốc gia trong quan hệ song phương hoặc đa phương bị trả giá bởi công luận quốc tế lên án quốc gia đó, làm họ bị mất điểm, bị ô danh trên trường chính trị quốc tế mà thôi.  Có nhiều kênh song phương và diễn đàn đa phương để đưa được thông điệp tới nhau, trong đó MRC là diễn đàn quan trọng.
Hiệp định Mê Công 1995 được ký kết giữa 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam tại điều 4 ghi rõ :  “Sovereignty equality and teritorail integrity” (Bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ). Đây là quy định tiến bộ của luật nước quốc tế theo đó, các quốc gia có chung lưu vực sông quốc tế không được áp dụng nguyên tắc “chủ quyền tuyệt đối ” (obsolute sovereignty) để tùy ý sử dụng nguồn nước trong lãnh thổ mình mà có thể gây tác hại hoặc ảnh hưởng đến quyền sử dụng nước của các quốc gia cùng chung lưu vực.
Cũng theo điều 5 của  Hiệp định Mê Công 1995 (sử dụng công bằng và hợp lý), Ủy hội  sông Mê Công (MRC) đã xây dựng quy chế Thông báo, Trao đổi trước và thỏa thuận  (PNPCA), trong đó định nghĩa về trao đổi trước (Prior Consultation) nêu rõ “không phải là quyền phủ quyết đối với đề nghị sử dụng nước của một quốc gia nhưng cũng không phải quyền sử dụng nước đơn phương của một quốc gia mà không chú ý đến quyền và lợi ích của quốc gia khác”. Như vậy, mặc dù không có quyền phủ quyết nhưng  Lào cũng không thể cứ đơn phương thực hiện dự án mà không xem xét  đến các ý kiến của các nước trong Hiệp định MRC. Ngoài ra, điều 7 của Hiệp định Mê Công 1995 còn có nội dung ngăn ngừa và dừng các hoạt động có hại.
Vấn đề đặt ra là phải chứng minh bằng định lượng, các luận cứ có cơ sở khoa học và thực tế  về các mặt lợi lớn nhất và thiệt hại là ít nhất của đập thủy điện Xayabury để thuyết phục các bên liên quan. Nếu chỉ phỏng đoán các tác động đến môi trường  của công trình thủy điện Xayabury  theo định tính, phản biện theo “phong trào” thì  chỉ làm cho tình hình đi đến bế tắc và ảnh hưởng xấu đến quan hệ giữa các nước.
Hai vấn đề của đập Xayaburi
Có hai vấn đề kỹ thuật quan trọng nhất cho đập Xayaburi, đó là vấn đề phù sa và đường di chuyển của thủy sản (fish ladder).  Nếu quan trọng hóa phù sa về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nghĩa là hiện nay Việt Nam đang hưởng tài nguyên đất và chất dinh dưỡng nhờ xói mòn ở thượng lưu trôi về. Phải chăng  Việt Nam cứ mong muốn các nước ở thượng lưu tiếp tục bị xói mòn và cạn kiệt tài nguyên đất để bồi bổ cho ĐBSCL của chúng ta? Nếu các nước thượng lưu tiếp tục trồng  và bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, duy trì thảm thực vật, chống xói mòn đất đai, thì  tất nhiên sẽ làm giảm lượng phù sa về ĐBSCL. Cái gì cũng có 2 mặt của nó.  Nhờ trồng rừng, có thảm thực vật, tuy phù sa về  hạ lưu ít đi nhưng dòng chảy ngầm được bổ sung nhiều hơn sẽ rất hữu ích cho mùa khô. Xayabury là đập dâng, không phải hồ chứa nên khi thiết kế phải có cống xả cát để  không bị bồi lấp dung tích lòng hồ sẽ ảnh hưởng đến công suất phát điện. Bản thân phù sa lơ lửng chứa nhiều chất dinh dưỡng, trọng lượng nhẹ dễ theo dòng nước chảy về xuôi.
Còn đường di chuyển của thủy sản thì đúng là có vấn đề. Thực tế ở đập Pak Mun đã minh chứng  dù đã có thiết kế đường di chuyển của thủy sản nhưng  “cá sông Mekong không biết leo thang!” Theo nghiên cứu của Ủy ban Đập thế giới  (World Commission on Dams, 2000)  cho biết số lượng loại cá trước khi xây đập Pak Mun là 265 loại chỉ sau 5 năm xây đập Pak Mun chỉ còn lại 96 loại và 56 loại coi như tuyệt chủng. Đối với dự án Xayabury, Lào cần mời các chuyên gia thủy sản quốc tế có kinh nghiệm tham gia tư vấn phản biện.
Cần lắng nghe nhau để tìm giải pháp hợp lý, công bằng
Việt Nam hầu như đã khai thác hết các tiềm năng thủy điện trên các dòng sông để phát triển kinh tế . Quốc gia nào cũng mong muốn tự túc trong việc phát triển kinh tế , giải quyết bài toán năng lượng bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia mình. Thủy điện là một tài nguyên thiên nhiên tái tạo (renewable natural resources) phong phú của Lào. Việt Nam đã và đang giúp Lào xây dựng các đập thủy điện trên dòng nhánh sông Mekong như Xekaman 1, 2, 3, Nậm Công 2, Nậm Công 3 và thậm chí còn giúp Lào nghiên cứu xây dựng đập thủy điện Luabrabang ngay trên dòng chính sông Mekong có công suất còn lớn hơn cả Xayaburi!? Vậy thì tại sao lại phản đối xây đập thủy điện Xayabury!? Câu hỏi thật không dễ trả lời ngay cả đối với các nhà chính trị! Muốn được phía bạn tiếp thu thì ý kiến của Việt nam phải thấu tình, đạt lý và không mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm. Khách quan mà nói, Lào với GDP chỉ có khoảng 6 tỉ USD không thể “từ chối” dự án Xayaburi.  Một mục tiêu chính đáng của Lào là phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo với một lợi tức đáng kể khoảng 600 triệu USD tức là chiếm đến 10% GDP.  Chúng tôi chia sẻ và tán thành quan điểm  đề nghị trì hoãn xây dựng đập Xayaburi để có thể tiến hành các nghiên cứu bổ sung theo khuyến nghị của báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA)  của Ủy hội sông Mê Công. Tương kính, lắng nghe ý kiến của nhau để tìm ra giải pháp hợp lý, công bằng sử dụng nguồn nước sông Mekong một cách bền vững vì quyền lợi chung của cả lưu vực là đòi hỏi tất yếu.  Thời gian là bao lâu thì tùy theo yêu cầu của từng đối tượng đánh giá.
Tuy nhiên, không có cơ sở  đề nghị là phải hoãn đến 10 năm. Xin lưu ý rằng chính SEA cũng  “không rõ” về ảnh hưởng của các dự án (uncertainties). Nếu trì hoãn bằng cách đưa ra thời gian “bất khả thi” mà không có luận cứ khoa học, không minh chứng bằng số liệu tin cậy thì không bao giờ có được tiếng nói chung. Vì vậy, cần xem xét các phương án cho các giả thiết mang tính hiện thực, kể cả phương án “đánh đổi” (trade-off). Giữa ta và Lào nếu là đối trọng giữa thiệt hại và đền bù, thì chỉ có cách đàm phán thương thảo trên cơ sở luận chứng khoa học và trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Nguồn nước sông Mekong có thể thay đổi vì quyền sử dụng nguồn nước của các quốc gia thượng nguồn. Dự án đáng quan tâm nhất là dự án thủy nông Khong-Chi-Mun của Thái Lan.  Nếu dự án này được thực hiện, đồng bằng sông Cửu Long có thể mất đi khoảng 6,32 tỉ m3 nước mỗi năm, trong đó có khoảng 3,92 tỉ m3 (300 m3/giây) trong 5 tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4).  Số lượng nước này đủ để canh tác khoảng 325.000 hectare lúa, hay để ngăn chặn sự xâm nhập của nước mặn vào đồng bằng sông Cửu Long vì nó chiếm khoảng 17% lưu lượng trong mùa khô của sông Tiền và sông Hậu (1.800 m3/giây). Vì thế, nếu xây dựng phải thảo luận, có sự đền bù thích đáng  và được các bên đồng thuận. Trong trường hợp không thể ngăn cản việc Lào xây dựng Xayabury thì  giải pháp có thể là dùng đập Xayaburi như là một dự án thí điểm để nghiên cứu ảnh hưởng của cả hệ thống 12 bậc thang thủy điện ở hạ lưu sông Mekong. Một chương trình thu thập cơ sở dữ liệu sẽ được thực hiện để thu thập dữ kiện trước và sau khi vận hành đập, nhất là các tài liệu về thủy sản, vì đây là tiêu điểm cho việc chống lại việc xây đập ở hạ lưu sông Mekong.  Xin lưu ý,  sản lượng thủy sản trong vùng nầy chỉ vào khoảng 60.000 tấn/năm theo báo cáo nghiên cứu của Patrick Dugan tại hội thảo tham vấn về thủy điện, Vientian 22-23/9/2008.
Để chủ động, Việt Nam cần nghiên cứu đến ảnh hưởng kinh tế, xã hội, môi trường  của từng dự án  được đề nghị ở thượng nguồn đối với ĐBSCL và biện pháp tốt nhất để tránh hoặc giảm thiểu thiệt hại do các dự án này mang đến.  Việc nghiên cứu phải minh bạch và dựa theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể dùng làm “bằng chứng khoa học” trong các cuộc thương thảo (hay kiện cáo, nếu cần) với các quốc gia thượng nguồn để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong việc khai thác và phát triển lưu vực sông Mekong. Bởi vì  theo thông lệ quốc tế , một quốc gia có quyền sử dụng nguồn tài nguyên trong lãnh thổ của mình mà không gây thiệt hại đáng kể cho các quốc gia khác.  Nếu có thiệt hại đáng kể thì phải có biện pháp giảm thiểu hoặc đền bù thỏa đáng. Thí dụ như trong hiệp ước sử dụng nước sông Colorado giữa Hoa Kỳ và Mexico, hàng năm Hoa Kỳ phải xả qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico một số lượng nước mà lưu lượng và chất lượng nước đã được ghi rõ trong hiệp ước.  Vì thế, hiện nay Hoa Kỳ phải xây nhà máy lọc nước ở biên giới để tuân thủ những quy định trong hiệp ước.
Chiều ngày thứ sáu 22/4/2011 đoàn công tác của Mỹ do Thượng nghị sĩ  Jame Webb Chủ tịch Tiểu ban Đông Nam Á – Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã đến thăm và làm việc tại Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam để tìm hiểu về hợp tác Tiểu vùng Mekong. Trong buổi làm việc Thượng nghị sĩ Jame Webb rất quan tâm đến tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng;  Quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và đánh giá các hiểm họa do các nước ở thượng lưu xây dựng các bậc thang  nhà máy thủy điện từ Trung Quốc, qua Thái Lan, Lào đến Campuchia.  Phía Mỹ sẽ nỗ lực giúp đỡ nghiên cứu về việc sử dụng, chia sẻ nguồn nước sông Mekong một cách công bằng, hợp lý. Ông cũng cho biết quan điểm của phía Mỹ và Ngân hàng Thế giới (WB) không tài trợ cho việc đầu tư xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong vv…Sự quan tâm, tham gia của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vai trò của Mỹ vào việc nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong là rất cần thiết. Đây cũng chính là một trong các kênh tham vấn có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của MRC.
Đạo đức sẻ chia
Sống chung trên một dòng sông quốc tế, nhìn xa hơn, theo chúng tôi nghĩ  công bằng và hợp lý ở đây không chỉ dựa trên quan điểm trách nhiệm xã hội theo luật (legal social responsibility) hay đạo đức theo công lý (ethics of justice), mà còn ở đạo đức sẻ chia (ethics of care) với các bên liên quan khác trong chuỗi giá trị của một quốc gia. Đạo đức sẻ chia không phải là viện trợ cho Lào, người anh em thiệt thòi này về tài nguyên vị trí địa lý, mà là đất nước chúng ta có thể bị thiệt thòi đôi chút để tạo điều kiện cho những người anh em trong khu vực Mekong cùng phát triển. Xây dựng cộng đồng châu Âu cũng đồng nghĩa là nhiều nước phát triển phải mang thêm gánh nặng từ một số nước khác, song để xây dựng thương hiệu mạnh của châu Âu, vượt qua thương hiệu quốc gia, nên các nước châu Âu đã sẵn lòng.
Đạo đức sẻ chia và trách nhiệm xã hội đạo đức (ethical social responsibility) vượt qua cả những điều luật do con người hằng qui định về công lý, công bằng, xóa nhòa ranh giới giữa các quốc gia, để đến tầm nhìn chung, thương hiệu chung cho cả khu vực Mekong. Hãy làm điều mà trong một nước vẫn thường làm, tỉnh phát triển gánh vác cho tỉnh thiệt thòi, và vượt qua ranh giới lãnh thổ. Một khi có thương hiệu khu vực thì thương hiệu của đất nước ta trong khu vực cũng được nâng lên, và cử chỉ “nghĩa hiệp” đó chắc không thể không rung động cộng đồng thế giới. Họ sẽ đến với đất nước chúng ta không chỉ vì một điểm đến Hạ Long, một danh nhân Hồ Chí Minh, mà vì trái tim của một dân tộc dù trong thời chiến cũng như thời bình.
Thay cho lời kết: Việc Lào quyết tâm xây dựng đập Thủy điện Xayabury và việc chúng ta, người anh em thân thiết nhất của Lào lo lắng đến mức cương quyết phản đối càng chứng tỏ rằng con sông Mekong có ý nghĩa chiến lược vô cùng to lớn đến sự phát triển của các nước liên quan. Vấn đề ở đây là phải bình tĩnh xem xét kỹ  “cái lý”  của bạn để  đưa ra “cái lý” của ta thật khoa học, thật thuyết phục để rồi cùng đưa ra giải pháp hợp lý nhất mà các nước liên quan có thể chấp nhận được. Chúng ta đã có kinh nghiệm và thành công trong bài học “sống chung với lũ” ở đồng bằng sông Cửu Long và hiện nay đang dồn sức để nghiên cứu các giải pháp ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Có lẽ đã đến lúc cũng cần nghiên cứu các giải pháp ứng phó với nguy cơ sông Mekong sẽ mất dần lợi ích mà nó đã từng mang lại cho Việt Nam. Từ dự án Xayaburi cho chúng ta bài học đắt giá cần thực tâm với người, nghiêm khắc với mình (giữa lời nói và hành động) và phải biết lo xa đừng để nước đến chân mới nhảy!

(Theo Vietnamnet)