Xây đập trên dòng chính sông Mêkông – bài toán đánh đổi

Theo nghiên cứu mới nhất do Quỹ quốc tề về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Đại học Quốc gia Australia thực hiện: “Đập trên sông Mekong: Mất nguồn dinh dưỡng thủy sản và mối quan hệ đối với nguồn đất và nguồn nước”, tác động của các con đập thủy điện sẽ không chỉ dừng lại đối với dòng chảy Mêkông, người dân trong khu vực sẽ quay sang phụ thuộc vào nông nghiệp để bù đắp nguồn kalo, dinh dưỡng và chất vi lượng từ nguồn lợi thủy sản bị mất đi.

Hiện nay có 11 dự án đập được đề xuất xây dựng trên dòng chảy chính của sông Mêkông và 77 dự án đập khác trên toàn bộ lưu vực sông vào năm 2030. Khi tất cả 11 dự án đập trên dòng chính được hoàn thành, nguồn thủy sản sẽ giảm 16%, gây thiệt hại về tài chính ước tính lên tới 476 triệu đô la hàng năm. Nếu tất cả 88 đập được xây dựng, nguồn thủy sản bị mất đi có thể là 37,8%.

Hạ lưu sông Mêkông, chảy qua các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, được biết tới bởi giá trị đa dạng sinh học cao với hơn 850 loài cá nước ngọt. Nguồn thủy sản này đóng vai trò trọng yếu đối với nguồn dinh dưỡng và kinh tế của khu vực, trực tiếp cung cấp thức ăn và sinh kế cho 80% của 60 triệu dân trong vùng.

Nghiên cứu đồng thời cũng tìm hiểu tác động lên nguồn đất và nguồn nước nếu người dân bắt buộc phải chuyển sang chăn nuôi gia súc, gia cầm và các sinh kế khác để đáp ứng nguồn dinh dưỡng cần thiết. Ngoài 1.350 km2 diện tích đất mất do xây đập chứa nước, các quốc gia sẽ mất thêm ít nhất 4.863 km2diện tích đất để làm đồng cỏ cho chăn nuôi gia súc nhằm thay thế nguồn dinh dưỡng bị mất từ thủy sản. Nếu tất cả các đập được xây dựng, tổng diện tích cần huy động ước tính sẽ là 24,188 km2, trong đó 63% dành cho chăn nuôi gia súc.

Nhu cầu về nguồn nước sẽ tăng từ 6% tới 17%. Nhưng những con số này chưa phản ánh được thực tế là nhu cầu của Campuchia và Lào thậm chí còn cao hơn rất nhiều.

Nghiên cứu đã tính đến hai kịch bản: sự thay thế nguồn dinh dưỡng thủy sản do ảnh hưởng trực tiếp bởi việc xây dựng 11 đập trên dòng chảy chính, và sự thay thế nguồn dinh dưỡng do ảnh hưởng trực tiếp của việc xây dựng toàn bộ 88 đập.

Đối với kịch bản thứ nhất, với 11 đập được xây dựng trên dòng chảy chính, Campuchia sẽ phải mất thêm 29%-64% lượng nước cho nông nghiệp và chăn nuôi; con số này đối với Lào là 12%-24%. Với kịch bản thứ 2, khi 88 đập được hoàn thành, con số này sẽ gia tăng một cách kịch tính: tăng 42%-150% đối với Campuchia và 18%-56% đối với Lào.

Báo cáo được đăng trên tạp chí Thay đổi Môi trường Toàn cầu(Global Environmental Change) và được trình bày trong Tuần lễ Nước Toàn cầu tại Stốc-khôm (Thụy Điển), ra mắt vào đúng thời điểm quan trọng khi cuộc tranh luận về phát triển thủy điện đang diễn ra trong khu vực. Hoạt động xây dựng đang được tiến hành tại công trường đập thủy điện gây nhiều tranh cãi – Xayaburi tại Lào, bất chấp quyết định hoãn tiến hành dự án để nghiên cứu thêm do Ủy ban sông Mêkông liên quốc gia đưa ra. Xayaburi có thể sẽ là con đập đầu tiên được xây dựng trên dòng chảy chính phía hạ lưu sông Mêkông.
WWF hối thúc các quốc gia hạ lưu sông Mekong trì hoãn việc xây dựng đập trong vòng 10 năm để có đủ thời gian thu thập các dữ liệu quan trọng và quyết định đưa ra khi đó sẽ được dựa trên những bằng chứng khoa học và phân tích có cơ sở.

 

 

 (Theo Monre.gov.vn)