WB hỗ trợ chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL

(Chinhphu.vn) – Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long” vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

1-cho-noi-cai-rang

Mục tiêu tổng quát của Dự án nhằm tăng cường các công cụ lập quy hoạch, kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các hoạt động quản lý tài nguyên đất và nước tại một số tỉnh được lựa chọn khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dự án gồm 5 Hợp phần: Hợp phần I – Tăng cường công tác giám sát, phân tích và hệ thống cơ sở dữ liệu; Hợp phần II – Quản lý lũ vùng thượng nguồn; Hợp phần III – Thích ứng với chuyển đổi độ mặn vùng cửa sông; Hợp phần IV – Bảo vệ khu vực bờ biển vùng bán đảo; Hợp phần V – Hỗ trợ quản lý và thực hiện dự án.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan điều phối chung Dự án; là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 5 thuộc Hợp phần I; Tiểu dự án 1 thuộc Hợp phần II, Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần III có tính chất liên kết vùng và các hoạt động hỗ trợ quản lý dự án thuộc Hợp phần V của Dự án.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản đối với các Tiểu dự án 1, 2, 3, 4 thuộc Hợp phần I. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản đối với Tiểu dự án 6 thuộc Hợp phần I.

UBND các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu là cơ quan chủ quản một số Tiểu dự án thuộc các Hợp phần II, III, IV.

Tổng vốn cho Dự án là 384,979 triệu USD. Thời gian thực hiện Dự án trong 6 năm, kể từ ngày Hiệp định tài trợ có hiệu lực.

Các kết quả chủ yếu của Dự án gồm xây dựng, nâng cấp mạng lưới quan trắc tài nguyên nước mặt, nước ngầm, sạt lở một cách cụ thể, hiện đại; có khả năng tích hợp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định, xây dựng trung tâm điều phối để ứng phó với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL; ban hành cơ chế quản lý và điều phối quy hoạch có tính liên vùng, liên tỉnh và cơ chế điều phối giữa các Bộ, ngành và các tỉnh, tránh chồng chéo các quy hoạch, thực hiện quản lý đầu tư hiệu quả hơn.

Đồng thời hạ tầng khu vực vùng lũ được cải thiện, giảm xói lở đê bao lửng, chủ động thích ứng với lũ nhỏ, lũ lớn nhằm gia tăng sản xuất trong mùa lũ cho các địa phương và tăng thu nhập cho người dân; tăng khả năng phân bổ lại sản xuất theo không gian để thích ứng với thay đổi độ mặn, phù hợp với việc khai thác nguồn nước mặn, nguồn nước ngọt hạn chế; ngăn triều cường có nguy cơ ngày càng lớn hơn do nước biển dâng.

Bên cạnh đó đưa ra các giải pháp bảo vệ bờ biển, trồng rừng và khôi phục hệ thống rừng ngập mặn; hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản trong vùng được cải thiện, trong đó chủ yếu là nuôi tôm sinh thái; cung cấp nước ngọt cho sinh hoạt; kiểm soát triều cường, điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất lúa – tôm và nuôi trồng thủy sản.

Phan Hiển
(Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)