Ngày 22/9/2014, tại La Hay, Vương quốc Hà Lan, Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam tổ chức Phiên họp lần thứ tư của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đồng Chủ tịch phía Việt Nam trong Ủy ban liên Chính phủ dẫn đầu. Dự phiên họp có ông Nguyễn Văn Đoàn, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan; Ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai và đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị liên quan khác.
Đoàn Hà Lan do Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường, Vương Quốc Hà Lan Melanie Schultz van Haegen, đồng Chủ tịch phía Hà Lan trong Ủy ban liên Chính phủ dẫn đầu. Dự phiên họp có đại diện Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Cơ sở Hạ tầng và Môi trường của Hà Lan; Đại diện thành phố Amsterdam; Đại diện thành phố Amsterdam; Giám đốc Văn phòng không gian Hà Lan; Tham dự phiên họp còn có một cố vấn về chính sách, kỹ thuật về nước và khí hậu của Hà Lan.
Hà Lan – Việt Nam là đối tác chiến lược trong quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu
Tại Phiên họp lần này, hai bên đã trao đổi về tiến trình thực hiện các nội dung đã được ký kết trong khuôn khổ của Thỏa thuận từ Phiên họp lần thứ ba Ủy ban liên Chính phủ ngày 16/9/2013 tại Hà Nội, Việt Nam. Đồng thời, hai bên đã thảo luận về các bước hợp tác tiếp theo trong khuôn khổ của Thỏa thuận. Theo đó, các nội dung đang thực hiện bao gồm: Giáo dục sau đại học về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chương trình hợp tác kinh doanh; Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác Thành phố Hồ Chí Minh – Rotterdam; Dịch vụ khí hậu và nước; Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình; Hợp tác Hà Nội – Amsterdam; Chương trình ORIO ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tại Phiên họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng của Hà Lan. Nhiều điểm tương đồng khiến cho hai nước trở thành đối tác và bạn bè một cách tự nhiên trong nhiều lĩnh vực. Hà Lan và Việt Nam là đối tác chiến lược trong quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sự hợp tác này được khẳng định trong Thỏa thuận đối tác chiến lược về ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước giữa hai nước, được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và cựu Thủ tướng Jan Peter Balkenendein ký vào tháng 10/2010.
“Tôi mong rằng cuộc họp lần này sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận; triển khai sâu hơn các nội dung đang tiến hành, đặc biệt là sự kết nối khối doanh nghiệp vào các hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận là hết sức cần thiết. Cuộc họp thể hiện sự cam kết ở cấp cao của lãnh đạo hai nước, thể hiện sự chân thành của quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hà Lan nhằm mục đích tăng cường và mở rộng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu.
Báo cáo tình hình hợp tác Giáo dục sau đại học về quản lý tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Christiaan Rebergen – Phó Giám đốc phụ trách Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại Giao Hà Lan cho biết: Hiện nay, Hà Lan và Việt Nam đang thực hiện các hợp tác liên quan về tăng cường năng lực thể chế cho Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tăng cường năng lực của các Viện đối tác ở Lưu vực sông Mê Công mở rộng thông qua các chương trình trao đổi, đào tạo nhân lực tại Việt Nam và Hà Lan với tổng kinh phí khoảng 2,5 triệu EUR; và Chương trình tăng cường giáo dục sau đại học về quản lý nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam trên cơ sở hợp tác với Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội;…
Bên cạnh đó, ông Christiaan Rebergen cũng chia sẻ các nội dung liên quan đến Dự án “Thăng trầm: Các chiến lược cho sụt lún và đô thị hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với xâm nhập mặn” nhằm giúp phát triển mô hình định lượng các tác động của chiến lược quản lý nước ở vùng đồng bằng, nghiên cứu mối quan hệ giữa sụt lún, khai thác nước dưới đất và xâm nhập mặn.Trong khuôn khổ của dự án này, một công nghệ mới về viễn thám trên không giúp lập bản đồ khu vực nước ngầm và khu vực nước ngầm bị nhiễm mặn.
Trong khuôn khổ thảo luận nội dung liên quan tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thái Lai đề nghị, phía Hà Lan tiếp tục mở rộng, xem xét triển khai hợp tác xây dựng chương trình đào tạo cho các cán bộ làm chính sách, quy hoạch cập nhật các kiến thức trong điều kiện mới về tri thức trong thích ứng với BĐKH và quản lý tổng hợp tài nguyên nước, đặc biệt là phương pháp tiếp cận đồng bằng do phía Hà Lan khởi xướng. Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề nghị phía Hà Lan cử chuyên gia hàng đầu giúp các cơ quan chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thực hiện Đề án Nghiên cứu, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước ngầm và tác động đến vấn đề sụt lún nền đất, trong khuôn khổ của nội dung Hợp tác mới “Thăng trầm: chiến lược cho sụt lún và đô thị hóa bằng sông Cửu Long (Việt Nam) phải đối mặt với tăng xâm nhập mặn”.
Báo cáo về Chương trình hợp tác kinh doanh giữa Hà Lan và Việt Nam trong khuôn khổ Thỏa thuận, ông Simon Smits – Giám đốc Cục Quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại Giao Hà Lan đã có nội dung trình bày cụ thể về Hợp tác giữa Công ty nạo vét quy mô nhỏ của Hà Lan và các công ty nạo vét trong nước ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác Tính khả thi về xử lý nước thải công nghiệp tại thành phố Đà Nẵng; Hợp tác Biến đổi khí hậu và cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh;…
Thảo luận về nội dung hợp tác kinh doanh, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã chính thức ban hành Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư để thực hiện một số dự án, tạo cơ sở để tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. “Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của Hà Lan trong việc tiến hành nghiên cứu khả thi Xây dựng mô hình Ngân hàng đất trong công tác nạo vét. Theo tính toán sơ bộ, việc ứng dụng mô hình này có tính khả thi về mặt kinh tế và môi trường” – ông Hoàng Văn Thắng phát biểu tại Phiên họp.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chứng kiến ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác về “Quy hoạch tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2050” giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường Hà Lan.
Hợp tác xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MDP) giữa hai nước đã thành công tốt đẹp
Phát biểu về nội dung liên quan đến thực hiện Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long, Bà Melanie Schultz van Haegen – Bộ trưởng Bộ Cơ sở Hạ tầng và Môi trường Hà Lan nhấn mạnh, việc hợp tác xây dựng Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long (MDP) giữa hai nước đã thành công tốt đẹp. MDP đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của Chính phủ Việt Nam cũng như của các đối tác phát triển. Do đó, giờ là thời điểm các khuyến nghị của MDP cần được ưu tiên cụ thể hóa thành các dự án và kế hoạch đầu tư có rủi ro thấp. Ở giai đoạn này các hoạt động phối hợp thực hiện sẽ không chỉ giới hạn trong quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước. Các đối tác phát triển đã đề xuất một số phương án để tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung đề xuất trong MDP. Đồng thời, các bên tham dự cũng nhất trí cho rằng việc tổ chức thực hiện thành công các chiến lược phát triển ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ phụ thuộc mạnh mẽ vào sự phối hợp của Chính phủ Việt Nam.
Chia sẻ tại Phiên họp, bà Melanie Schultz van Haegen mong muốn được nghe các đề xuất từ phía Chính phủ Việt Nam liên quan tới việc tổ chức thực hiện các khuyến nghị của MDP để có cơ sở xem xét khả năng hỗ trợ của Chính phủ Hà Lan.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải cho biết, Chính phủ Việt Nam đánh giá cao các đề xuất của Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long giúp khu vực này phát triển bền vững về mặt kinh tế, xã hội đồng thời, thích ứng tốt hơn với các thách thức do biến đổi khí hậu và các áp lực về tăng trưởng kinh tế. Phía Việt Nam đã cung cấp danh sách các dự án ưu tiên tại khu vực để kêu gọi sự hỗ trợ của các đối tác phát triển quốc tế. Các dự án này chủ yếu được sàng lọc theo các ưu tiên của Chính phủ Việt Nam về các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước trong tầm ngắn hạn. Dựa trên đề xuất của Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng các đề án, chương trình trước hết nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu và các tác động khác tại khu vực này.
Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Quy chế thí điểm liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long để có thể phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của khu vực cũng như tối ưu hóa vốn tài trợ cũng như ngân sách Nhà nước cho khu vực này.
Cũng trong khuôn khổ phiên họp, các nội dung liên quan đến Hợp tác Thành phố Hồ Chí Minh – Rotterdam, Dịch vụ khí hậu và nước, Hợp tác Hà Nội – Amsterdam, Chương trình ORIO ở Việt Nam đã lần lượt được diễn giả trình bày.
Đặc biệt tại bài trình bày liên quan đến “Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình”, bà Melanie Schultz van Haegen vui mừng cho biết, đây là Thỏa thuận hợp tác mà hai bên sẽ ký, bước đầu tiên trong hoạt động hợp tác về Quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng để triển khai thực hiện Luật Tài nguyên nước. Bà Melanie Schultz van Haegen tin rằng, với kinh nghiệm về quy hoạch tổng hợp và những kinh nghiệm thu được từ quá trình xây dựng MDP, chúng ta hoàn toàn có khả năng xây dựng dự thảo quy hoạch cho lưu vực sông Hồng.
Trong khuôn khổ thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai khẳng định sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các nhiệm vụ để Biên bản ghi nhớ có thể được triển khai, trước hết là việc lập nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – Thái Bình. Trên cơ sở đó, một điều khoản tham chiếu sẽ được hai bên cùng xây dựng và thống nhất làm nền tảng để triển khai.
Trao đổi về nội dung triển khai Thỏa thuận năm 2015, hai bên đồng ý tiếp tục phối hợp tìm hiểu các bước thích hợp để thực hiện các khuyến nghị trong bản kế hoạch này. Trong đó, tập trung ưu tiên triển khai các dự án và kế hoạch đầu tư có rủi ro thấp. Hai bên khẳng định sẽ tạo điều kiện tốt nhất để kêu gọi sự tham gia của các nhà tài trợ quốc tế trong việc triển khai các khuyến nghị. Hai Bên sẽ xem xét xác định cách thích hợp nhất để hợp tác về các đề xuất quản lý đô thị và hỗ trợ nghiên cứu khả thi về giữ nước ở vùng thượng lưu ở Đồng bằng sông Cửu Long;…
Kết thúc phiên họp, Hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về Quy hoạch tài nguyên nước cho lưu vực sông Hồng – Thái Bình giai đoạn 2020 -2030, tầm nhìn 2050 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Cơ sở hạ tầng và Môi trường, Vương quốc Hà Lan.
Thay mặt chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu và lòng hiếu khách của Chính phủ Vương quốc Hà Lan đã dành cho đoàn Việt Nam trong thời gian ở Hà Lan cũng như bố trí hiệu quả chương trình họp này. Hai Bên thống nhất triển khai và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát và báo cáo định kỳ việc thực hiện các chương trình, dự án trong khuôn khổ Thỏa thuận.
Phiên họp lần năm Ủy ban liên Chính phủ sẽ được tổ chức tại Việt Nam trong năm 2015, ngày cụ thể sẽ được hai Bên quyết định thông qua kênh ngoại giao.
(Theo monre.gov.vn)