Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại Diễn đàn Nước thế giới (World Water Forum) lần thứ 8 vừa diễn ra tại Thủ đô Brasillia của Bra-xin.

National_Statement_Delivery_Vice_Minister_Kien_1
Từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 3, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Thứ trưởng Trần Quý Kiên dẫn đầu tham dự Diễn đàn Nước thế giới (World Water Forum) lần thứ 8 tại Thủ đô Brasillia của Bra-xin theo lời mời của Bộ Ngoại giao Bra-xin.

Diễn đàn lần thứ 8 được Hội đồng Nước thế giới (World Water Council) cùng với Bra-xin và thành phố Brasilia đăng cai tổ chức, đây là lần đầu tiên Diễn đàn được tổ chức tại một quốc gia nam bán cầu. Diễn đàn Nước thế giới là sự kiện quốc tế lớn nhất về nước và các vấn đề liên quan được tổ chức 3 năm một lần, quy tụ giới chuyên môn, làm chính sách, các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế…. Diễn đàn lần này có có sự tham gia của hơn 15 nguyên thủ các quốc gia như Tổng thống Bra-xin, Tổng thống Hungary,Thủ tướng Hàn Quốc…., gần 30 Bộ trưởng, nhiều vị lãnh đạo Bộ các bộ ngành, Đại sứ của hơn 60 quốc gia trên thế giới, các nền kinh tế; hơn 600 tổ chức quốc tế, khu vực, các định chế tài chính… doanh nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ, môi trường, tư vấn…Chủ đề chính của Diễn đàn lần này là “Chia sẻ nước”, chia sẻ ý tưởng, những kinh nghiệm và giải pháp tốt nhất; chia sẻ lợi ích của việc sử dụng nước hợp lý và; rộng hơn, chia sẻ hành động và trách nhiệm giữa các quốc gia với nhiều hoạt động hội thảo, triển lãm, sự kiện chuyên đề thiết kế xung quanh những trục vấn đề lớn.

Một sự kiện chính của Diễn đàn lần này là Hội nghị cấp Bộ trưởng. Hội nghị đã thảo luận về nội dung, mục tiêu và khuyến nghị của các Thỏa thuận toàn cầu về nước và các vấn đề liên quan như Chương trình Nghị sự 2030 cho Phát triển bền vững, mục tiêu SDG 6 về nước sạch và vệ sinh môi trường; Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu COP 21; Thỏa thuận Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai; Habtat III và Rio +20… và thông qua bản Tuyên bố chung của Hội nghị “Lời kêu gọi khẩn hành động vì nước” về các vấn đề cấp thiết và hướng hợp tác, giải quyết….

Meeting_Vietnamese_Embassy_in_Brasilia_1

Thay mặt đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đã có bài phát biểu quốc gia trong Hội nghị Bộ trưởng, nêu lên những thách thức, vấn đề liên quan quản lý nguồn tài nguyên nước, đặc biệt vấn đề quản lý nguồn nước xuyên biên giới, những định hướng, giải pháp lớn của Chính phủ Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế và khu vực, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để chung tay giải quyết các vấn đề trong khuôn khổ quan hệ đa phương và song phương mà Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm. Những nội dung trên đã được các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng hoan nghênh và đánh giá cao.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho biết: Việt Nam là quốc gia có tổng lượng nước ở mức trung bình với lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830 tỷ m, 3 trong đó hơn 60% đến từ nước ngoài và lượng nước dưới đất khoảng 63 tỷ m3 /năm. Cùng với sự tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nước, như ô nhiễm nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, có nơi đến gần 100km tính từ cửa sông về mùa khô, v.v.. Những thách thức đó sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Việt Nam được dự báo là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Đứng trước các thách thức lớn lao về tài nguyên nước, Chính phủ Việt Nam coi trọng một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, luôn nỗ lực kiện toàn thể chế và chính sách về quản lý vực tài nguyên nước, xây dựng các công trình điều tiết nước hướng tới sử dụng nước bền vững;

Thứ hai, là thành viên có trách nhiệm đối với các hợp tác vùng, lãnh thổ ASEAN, ASEM, APEC, Ủy hội sông Mê Kông, … nghiêm túc thực hiện Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước cho các mục đích phi giao thông thủy và mục tiêu phát triển bền vững SDG6 nhằm cung cấp nước sạch vệ sinh và an toàn cho toàn thể người dân;

Cuối cùng, trong phạm vi toàn cầu Việt Nam luôn nỗ lực tham gia hợp tác với các quốc gia, các nền kinh tế, các tổ chức khu vực và quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên nước, chia sẻ lợi ích với các quốc gia láng giềng có sử dụng chung nguồn nước.

“Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam ủng hộ các kết quả của Diễn đàn nước thế giới lần 8, Tuyên bố các Bộ trưởng và mong đợi “Lộ trình thực thi”. Chúng tôi cám ơn Chính phủ và người dân Braxin và Hội đồng nước thế giới…” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh.

Meeting_UNECE_at_WWF8_1

Trong thời gian diễn ra sự kiện, đoàn Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động, sự kiện quan trọng của Diễn đàn, đóng góp nhiều ý kiến tích cực để hoàn thiện bản Tuyên bố chung, góp phần để Bản Tuyên bố được thông qua vào ngày làm việc thứ Ba của Diễn đàn.

Các thành viên của đoàn đã tích cực chủ động tham dự các hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ Diễn đàn như tham gia các phiên về chủ đề Giải quyết các mối liên hệ (nước – năng lượng – lương thực) tại Châu Á Thái Bình Dương; Hợp tác xuyên biên giới, chia sẻ kinh nghiệm từ các vùng khác nhau; Mở rộng các sáng kiến về an ninh nước cho Châu Á và Thái Bình Dương; Tổng hợp tiến trình từ vùng Châu Á – Thái Bình Dương; Quản trị khủng hoảng chiến lược cho các lưu vực sông tại Châu Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và đoàn đã dành thời gian thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Bra-xin, gặp và làm việc với một số đối tác song phương và đa phương như Úc, Phần Lan, Ủy ban Kinh tế châu Âu thuộc Liên hợp quốc (UNECE)… trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

(Theo monre.gov.vn)