Vấn nạn môi trường lên phim

Ngày 17-11, đạo diễn Phạm Ngọc Châu đã chính thức bấm máy bộ phim Ám ảnh dài 28 tập. Phản ánh và gióng lên những hồi chuông cảnh báo về vấn nạn môi trường, sau những cảnh quay đầu tiên, đạo diễn đã dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện.

* Ám ảnh là bộ phim lấy vấn nạn môi trường làm cốt lõi, xuyên suốt, khi nhận kịch bản này ông có thấy e ngại?

– Khi được Hãng phim TFS giao kịch bản này, tôi đọc và cảm thấy rất thích. Thích vì kịch bản đi vào những vấn đề rất đời, thiết thân với cuộc sống, ai cũng có thể gặp ở khía cạnh này hoặc khía cạnh khác. Ô nhiễm môi trường đã trở thành nỗi bức xúc và ám ảnh của người dân nên cần được phản ánh ở mọi phương diện. Đây có thể xem là bộ phim truyền hình đầu tiên đề cập vấn nạn này nên càng gợi nhiều hứng thú cho tôi, mặc dù biết trước làm phim này sẽ cực và khó khăn hơn những đề tài khác.

Chuyện bắt đầu với ca cấp cứu của một nông dân. Người yêu của Phương Hà (con gái của lão nông) là Trần Thanh, một nhà báo trẻ đã phát hiện nhiều người trong làng cùng mắc căn bệnh giống ông. Trần Thanh cùng Hà Thảo – một sinh viên ngành môi trường vừa tốt nghiệp – đã điều tra và phát hiện Công ty One One liên tục xả nước thải bẩn khiến dòng sông bị hủy hoại. Cuộc điều tra của những người trẻ đã làm lộ diện một chuỗi sai lầm…

* Ô nhiễm môi trường hủy hoại cuộc sống đã được báo chí, các phim tài liệu phản ánh khá mạnh mẽ thời gian qua. Với phim truyền hình, ông nghĩ sự phản ánh có gì khác biệt?

– Tôi nghĩ báo chí, phim tài liệu phản ánh vấn đề này thường nghiêng về lý trí với những con số, sự kiện cụ thể gây rúng động. Còn phim truyền hình có lợi thế đi vào những số phận, thân phận con người chịu ảnh hưởng, tác động trước vấn nạn đó nên có thể lay động tâm tư người xem, gây ảnh hưởng về phương diện tình cảm.

tt16

Trí Quang (vai Trần Thanh), Tăng Bảo Quyên (vai Hà Thảo) trong một cảnh phim Ám ảnh – Ảnh: Nguyễn Lộc

* Đề tài về vấn nạn môi trường dễ gây cảm giác nặng nề đối với khán giả. Ông có ý định làm mềm hóa để thu hút người xem?

– Bộ phim của chúng tôi không chỉ có sự phản ánh về cái chết của những dòng sông mà còn đề cập chuyện ô nhiễm bầu khí quyển, ô nhiễm thực phẩm… gây giảm sút chất lượng cuộc sống. Như vậy, đối tượng khán giả nào cũng có thể nhìn thấy những vấn đề của mình trong đó. Trong kịch bản, chúng tôi cũng có xây dựng những nhân vật có tính chất “giảm căng thẳng”, tạo không khí nhẹ nhàng, làm sợi dây kết nối những nhân vật để phim dễ xem, dễ cảm hơn.

* Thông thường làm những bộ phim về mặt trái của xã hội rất khó khăn trong việc xin bối cảnh. Ám ảnh đụng chạm gần như trực tiếp đến các hành vi tiêu cực của nhiều nhà máy, công ty chắc cũng không ngoại lệ?

– Đúng vậy, có thể xem đó là một trong những khó khăn lớn của chúng tôi. Phim trường thì không có, nhà máy nào làm chuyện bậy thì chắc chắn họ không cho quay, còn chỗ nào tốt bụng cho quay thì mình cũng áy náy sợ làm ảnh hưởng đến uy tín của họ. Trong kịch bản có nói đến một ngôi làng chịu ảnh hưởng nặng nề do nằm bên con sông bị ô nhiễm thì chúng tôi quay ở đình Bà Lụa (Bình Dương).

Chúng tôi cũng đã cố gắng tìm nhiều bối cảnh ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt… Bối cảnh nào không xin được thì phải dựng thôi! Và chúng tôi có kỹ thuật riêng để xây dựng những hình ảnh này.

 

 

(Theo TTO)