Ứng phó với biến đổi khí hậu ở Hậu Giang: Xử lý nhiễm mặn và suy thoái nước

 

Hậu Giang đang đối mặt với nguy cơ xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước gia tăng khi biến đổi khí hậu.

Mặn lấn sâu nội đồng

Ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang cho biết, Hậu Giang là vùng trũng của đồng bằng sông Cửu Long. Theo kịch bản dự báo BĐKH của tỉnh, với mực nước biển dâng lên 14cm vào năm 2030, nước biển sẽ đi sâu vào trong nội địa, nhất là vào mùa nước kiệt, sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nước mặt và nước ngầm, sẽ làm nghiêm trọng hơn vấn đề thiếu nước sạch.

Hiện biến đổi khí hậu đã tác động đến xâm nhập mặn. Đầu năm 2009, nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng khoảng 30km với độ mặn lên tới 7 phần ngàn làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, tác động đến sản xuất nông nghiệp, kinh doanh của gần 57.000 hộ và khoảng 10.000 ha đất canh tác nông nghiệp bị ảnh hưởng.

Năm nay, mới tháng 3 mà mặn đã bắt đầu xâm nhập ở một số xã tiếp giáp với sông Cái Lớn từ biển Tây đổ vào thuộc thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ như xã Hỏa Tiến, Vĩnh Viễn… với nồng độ mặn là 3 phần ngàn. Trong những ngày tới, không loại trừ khả năng nước mặn sẽ tiếp tục lấn sâu vào trung tâm của thành phố Vị Thanh. Nếu diện tích cũng như nồng độ mặn năm nay bằng năm 2009 thì nguy cơ thiệt hại trên diện tích lúa hè thu của bà con do nhiễm mặn khoảng 2.000 ha.

Mặt khác, theo khảo sát tại một số địa phương trong toàn tỉnh, nếu mực nước ngầm tiếp tục hạ xuống thấp thì tình trạng nước ngọt bị nhiễm mặn, nhiễm phèn càng gia tăng. Kết quả quan trắc động thái nước dưới đất mới đây cho biết, có khu vực mực nước hạ thấp xấp xỉ 3m so với 10 năm về trước. Trong khi đó, số lượng giếng khoan sử dụng trong hộ gia đình cũng ngày một tăng lên, nhất là ở vùng nông thôn, vì người dân ngại sử dụng nguồn nước mặt. Nguyên nhân chính là do tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trước.

Theo số liệu quan trắc môi trường hằng năm, chất lượng nước tỉnh Hậu Giang ở các sông, kênh rạch nội đồng đang có dấu hiệu ô nhiễm chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng và vi sinh vật, đặc biệt tại các khu vực tập trung sản xuất công nghiệp, khu đô thị. Đó chính là lý do tại sao hiện nay, dù ngành chức năng đã đầu tư xây dựng các trạm cung cấp hoặc mở mạng cấp nước, nhưng người dân vẫn không sử dụng mà vẫn muốn khoan thêm giếng.

Chậm hành động !

Các ban ngành chức năng của tỉnh đã đề xuất 26 dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Song hiện mới có dự án “Hệ thống cống ngăn mặn Nam Kênh Xà No”, kinh phí khoảng 300 tỷ đồng nằm trong đề xuất danh mục dự án cấp bách năm 2012 và dự án “Đê bao ngăn mặn Long Mỹ – Vị Thanh” trị giá 300 tỷ đồng đang được triển khai. 24 dự án còn lại chỉ mới dừng ở việc đề xuất, chưa xây dựng được đề cương, báo cáo dự án tiền khả thi, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tìm kiếm nguồn tài trợ.

Năm 2012 này, UBND tỉnh Hậu Giang mới bắt đầu thúc đẩy các đơn vị, quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện trên cơ sở kế hoạch ứng phó BĐKH của tỉnh cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình đơn vị. Hiện nay, đã có một số đơn vị khởi động bằng các đề xuất triển khai dự án trọng điểm như Sở NN&PTNT, Sở TN&MT… với các dự án đã được phê duyệt và một số dự án tiếp tục xây dựng đề án theo hướng dẫn của Bộ TN&MT.

 

 

(Theo Monre.gov.vn)

 

“Tới đây tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước và thường xuyên cập nhật thông tin. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc khai thác sử dụng nước, đặc biệt là nước ngầm của các công trình có quy mô lớn và tập trung ở các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tiến hành kiểm soát các nguồn thải phát sinh vào nguồn nước mặt”.

(Theo ông Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hậu Giang)