U Minh Thượng (Kiên Giang) vào mùa nước đỏ

 Rừng tràm U Minh Thượng (Kiên Giang) đang vào mùa nước đỏ. Những dòng kênh, con rạch ở đây nhuộm một màu đỏ bầm tựa như màu trái mồng tơi chín trông thật kỳ thú, bắt mắt. Đó là nét đặc trưng độc đáo của rừng U Minh Thượng mà cư dân nơi làng rừng này nói rằng “không có nước đỏ, không phải là U Minh”.

Những ai chưa từng đến rừng tràm U Minh Thượng, khi đặt chân đến đây không khỏi ngỡ ngàng, thắc mắc bởi nước đỏ quạch một màu tự nhiên dường như nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng nề. Nhưng thực ra nước đỏ là do nước lá tràm rụng xuống phân hủy, chảy từ trong lâm phần ra, vừa không bẩn, không ô nhiễm mà vẫn ngọt mát. Ông Phạm Quốc Dân, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng giải thích: Lớp than bùn dưới chân rừng tràm U Minh Thượng hình thành trong điều kiện thực vật, phần lớn là cây tràm bị phân hủy do thiếu ô-xy, lâu ngày trở thành than bùn, có chức năng giữ nước, lọc nước, tích lũy cac-bon. Lá tràm rụng nhiều trên mặt đất rừng nên khi gặp mưa xuống liền phân hủy, ngấm qua than bùn và chảy xuống kênh, rạch, nhuộm một màu đỏ đậm. Nước đỏ chảy ra từ than bùn chỉ có ở U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau). Nơi nào còn than bùn thì nơi đó còn nước đỏ và vùng nào có lớp than bùn dày, trữ lượng nhiều thì nước càng đỏ sậm. Vào mùa mưa nước nhạt màu hơn, còn mùa khô nước đỏ đậm, rất tốt cho đời sống của các loài thủy sản nước ngọt.
Nước đỏ rừng tràm nhiều dưỡng chất, đặc biệt là giàu chất đạm, giúp cho các loài động, thực vật trên lâm phần sinh sôi phát triển, nhất là nguồn lợi cá đồng. Cá ở rừng tràm U Minh Thượng hiện có khoảng 60 loài, trong đó 10 loài trữ lượng lớn, sản lượng khai thác hàng năm nhiều như: cá lóc, cá trê, cá rô, thát lát, sặt rằn, lươn…
Vườn quốc gia U Minh Thượng có tổng diện tích 21.107 ha, trong đó vùng lõi 8.038 ha, còn lại vùng đệm hơn 13.000 ha đã được giao khoán cho hộ dân sản xuất nông – ngư – lâm nghiệp kết hợp, bình quân 4 ha/hộ. Vào mùa mưa hàng năm, nước đỏ trong vùng lõi điều tiết ra ngoài vùng đệm giúp nông dân sản xuất vụ mùa. Một lượng cá giống tự nhiên theo dòng nước đỏ bơi vào đồng ruộng và người dân quây lại cho chúng sinh sôi nảy nở, phát triển bầy đàn. Vậy là mô hình lúa – cá kết hợp trên đồng đất U Minh Thượng đã nuôi sống nhiều thế hệ cư dân trên lâm phần này trong điều kiện sản xuất còn phụ thuộc vào thời tiết. Nước đỏ U Minh vừa giúp cây lúa làm nên những mùa vàng bội thu trên đồng ruộng, vừa là môi trường sống thuận lợi tái tạo nguồn lợi cá đồng cho khoảng 3.200 hộ dân vùng đệm U Minh Thượng phát triển kinh tế gia đình, cải thiện và nâng cao đời sống. Những ruộng lúa – cá này mỗi năm cho thu hoạch hàng chục tấn lúa và từ hàng trăm kilogam đến vài tấn cá đồng vào mùa khô.
Do nét đặc trưng độc đáo nên nước đỏ U Minh Thượng không chỉ giúp cho động, thực vật ở đây phát triển đa dạng, phong phú mà còn góp phần phát triển du lịch sinh thái.
 
 
 
(Theo Monre.gov.vn)