Triển khai dự án công tư về hạ tầng: Mấu chốt là lợi ích tổng thể

Với nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các dự án hạ tầng thiết yếu và dịch vụ công trong 10 năm tới đây lên tới trên 160 tỷ USD trong khi khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước chỉ được 60%. Tìm giải pháp hiệu quả để thu hút đầu tư và triển khai thành công các dự án hạ tầng thiết yếu theo hình thức đối tác công tư (PPP) đang là “bài toán” khó với chính phủ nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam bởi không có một công thức cụ thể đảm bảo dung hòa lợi ích của các bên liên quan.
 
* Khó tìm được mô hình PPP chung
Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tại Hội thảo bàn tròn tìm giải pháp thúc đẩy việc triển khai các dự án PPP chiều 20/3 kết thúc Diễn đàn kinh tế Việt-Pháp lần thứ 9 tại Hà Nội.
Mỗi dự án PPP không thể tách rời những quá trình tái xác định thường xuyên của các “luật chơi” nên thường khó phù hợp và triển khai thành công với những mô hình cứng nhắc đã được mô tả trong những hợp đồng mà trong đó có sự phân định rõ ràng và ổn định giữa Nhà nước và tư nhân. Điều này có nghĩa là tùy theo từng mục đích cụ thể, từng giai đoạn cụ thể, từng hoàn cảnh cụ thể để có sự điều chỉnh hợp lý mới có thể triển khai thành công dự án PPP về hạ tầng thiết yếu như giao thông công cộng, cung cấp nước sạch đô thị, xử lý rác thải, nước thải – chuyên gia của Cơ quan Phát triển Pháp (ADF), bà Sarah Botton đã nhấn mạnh như vậy trong tham luận mở đầu hội thảo.
Theo bà Sarah, cơ chế PPP có thể bù đắp những yếu kém trong công tác quản lý dịch vụ công nhưng cũng không phải là phương án thần kỳ để giải quyết bài toán thiếu nguồn vốn đầu tư công. Cơ chế này cần một khung pháp lý thể chế chắc chắn và sự quản lý hiệu quả của Nhà nước cũng như không thể áp dụng như nhau cho mọi hoàn cảnh, mọi lĩnh vực mà cần triển khai trên cơ sở đặc thù của mỗi dự án.
Giám đốc Tập đoàn xây dựng Vinci tại Việt Nam, ông Eric Dinh Gia cho biết: Vinci thất bại khi tham gia vào dự án đầu tư bãi xe ngầm 400 chỗ đỗ và dự án đường tàu chạy nổi số 1 ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh lý do Thành Phố Hồ Chí Minh chưa có một quy hoạch tổng thể,Xnguyên nhân khiến dự án bị hoãn lại là do quy định mức trần về phí đỗ xe, trông xe hiện nay của Việt Nam không thể đảm bảo lợi nhuận cần thiết cho doanh nghiệp tham gia đầu tư cho dù Nhà nước cam kết hỗ trợ một phần bằng đất. Tương tự như vậy, các nhà thầu nản lòng và không thể tham gia dự án đường tàu bởi tiền thu lại từ kinh doanh sẽ không bù được chi phí đầu tư và lợi nhuận cần thiết, ông Eric Dinh Gia khẳng định.
Chia sẻ với những trăn trở của các doanh nghiệp tham gia dự án PPP, ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài-Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ rõ: Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình thí điểm mô hình PPP theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ và thời gian thực hiện là 5 năm kể từ năm 2011. Sau khi kết thúc giai đoạn thí điểm, Chính phủ sẽ chỉnh sửa, bổ sung các thiếu hụt trong văn bản pháp luật này. Mặc dù khung pháp lý của dự án PPP thì không chặt chẽ, rõ ràng bằng khung pháp lý của BOT nhưng trên thực tế hợp đồng dự án PPP chính là Luật của dự án mà Luật này do hai bên cùng tham gia thỏa thuận. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư tư nhân không bắt buộc phải tuân thủ một khung pháp lý nào.
Quy định giá trần, phí trần vẫn cần thiết vì liên quan mật thiết tới quyền lợi của cộng đồng dân cư nhưng thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 90 dự án BOT và các dạng thức khác nhau về hạ tầng (thu hút khoảng 7,1 tỷ USD) có liên quan tới quy định giá trần, phí trần nhưng vẫn được thực hiện. Điều này cho thấy Nhà nước và khu vực tư nhân hoàn toàn có thể thỏa thuận trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, ông Quang nhấn mạnh.
 
*Phải tính toán được lợi ích tổng thể
Theo số liệu của ADF: Tại Việt Nam, có khoảng 33% nước sạch cung cấp cho đô thị bị thất thoát, khoảng 60% nước thải sinh hoạt và công nghiệp (không quá xử lý) được thải qua hệ thống sông và 80% lượng rác thải được xử lý bằng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, việc tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các dự án loại này là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện giảm dần gánh nặng cho đầu tư công.
Vì vậy, để xây dựng được mô hình PPP hiệu quả, bên cạnh việc cân nhắc đặc điểm cụ thể của từng địa phương, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện chất lượng dịch vụ cung cấp thông qua việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, tăng thuế dịch vụ để thu hút đầu tư và khung khổ pháp lý cần phân biệt rõ giữa dịch vụ đô thị hàng hóa và dự án hạ tầng lớn. Cùng đó, thể chế phải linh hoạt và tạo được thuận lợi để thu hút tư nhân tham gia nhưng cũng phải đảm bảo được việc quản lý chặt chẽ của Nhà nước hay nói cách khác Nhà nước đóng vai trò kiểm soát và doanh nghiệp phải có các quyền nhất định, bà Sarah nhấn mạnh.
Vụ trưởng Vụ Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng Phạm Văn Khánh cho biết: Bộ Xây dựng đang được Chính phủ chỉ đạo hoàn thiện cơ chế quản lý xây dựng theo cơ chế thị trường và cơ chế để thu hút vốn xây dựng ngoài nhà nước. Với các dự án PPP, bên cạnh quyết tâm chính trị rất rõ, do mỗi dự án có đặc thù riêng nên cơ quan chức năng cần công bố danh sách cụ thể các dự án PPP cần triển khai với cơ chế cụ thể đi kèm. Giải pháp này sẽ giúp dự án PPP triển khai thành công như trường hợp các dự án cấp nước quy mô nhỏ, các hợp đồng thu rác thải theo hình thức này được triển khai thành công trong thời gian qua.
Đóng góp ý kiến vào giải pháp thúc đẩy mô hình PPP, ông Đặng Xuân Quang khẳng định: Cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương và Trung ương cũng như cải thiện năng lực còn hạn chế của cơ quan có thẩm quyền trong thực thi các quy định pháp luật. Đây cũng là quan điểm của Kiến trúc sư Olivier Souquet, Văn phòng Kiến trúc sư Deso đang triển khai dự án PPP ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với năng lực quản trị công còn yếu, các quy hoạch cấp tỉnh thiếu tầm nhì́n rộng mở và không đồng bộ, ăn khớp với quy hoạch tổng thể chung của quốc gia. Vì vậy, khắc phục được hạn chế này cũng giúp dự án PPP triển khai được, ông Olivier nhấn mạnh.
Gợi ý về các giải pháp tạo nguồn thu nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong dự án PPP về hạ tầng, ông Eric Dinh Gia cho biết: Ở Châu Âu, thu phí với người sử dụng tàu điện ngầm cũng không đủ bù đắp chi phí đầu tư và vận hành dịch vụ vận chuyển công cộng này của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với việc lượng giá tổng thể các lợi ích mà dự án PPP về hạ tầng thiết yếu mang lại với xã hội theo các tiêu chí như: bảo vệ môi trường, hạn chế phương tiện cá nhân, hạn chế tai nạn giao thông, tăng giá trị cho các bất động sản xung quanh dự án, các chính phủ ở các nước này đã xây dựng được mức thuế, phí phù hợp, tạo ra nguồn hỗ trợ hiệu quả cho các dự án PPP. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam cần có sự hợp tác chặt chẽ với các tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm để chuyển giao các mô hình tính toán tổng thể này với dự án PPP. Ngoài ra, giải pháp thị trường hóa các dịch vụ công ích như điện, nước sinh hoạt… để thu hẹp dần việc bù giá điện, nước như hiện nay Việt Nam đang thực thi là rất cần thiết để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân, ông Eric Dinh Gia khẳng định.
Khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong triển khai các dự án hạ tầng thiết yếu theo hình thức PPP, trong buổi tiếp Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế-Tài chính Việt-Pháp ngày 19/3, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Với quan điểm nhất quán là nhà đầu tư vào các dự án này phải có lợi nhuận và nguồn lợi nhuận này sẽ có được từ nguồn phí đóng góp của chính các doanh nghiệp, người dân đang trực tiếp xả rác thải, nước thải ra môi trường, của chính quyền địa phương, chính quyền trung ương sẽ hỗ trợ một phần khoản phí này để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên. Chỉ với hệ thống khả thi như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư; người dân mới được đảm bảo về chất lượng nguồn nước sạch sử dụng, được sống trong môi trường trong lành và Việt Nam mới có thể giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
 

 (Theo Monre.gov.vn)