TP.HCM: Nguồn nước ngầm đang bị đe dọa

Nước giếng bơm đang được nhiều người dân tại TP.HCM khai thác sử dụng.
Nước ngầm được sử dụng khá nhiều tại TP.HCM. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nước này có dấu hiệu suy giảm về lượng và chất do tác động của khai thác sử dụng và do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Trước tình trạng đó, UBND TP.HCM và Sở TN&MT đã có những giải pháp ban đầu nhằm khắc phục, nâng cấp nguồn nước ngầm.

Thực trạng nước ngầm tại TP.HCM

Với ba trong năm tầng chứa nước có tổng lưu lượng khai thác 2,5 triệu m3/ngày, trữ lượng khai thác an toàn là 800.000 m3/ngày. Hiện nay, nước ngầm được khai thác cho các mục đích khác nhau với tổng số giếng nước khai thác là 257.479 giếng, trong đó số giếng trong hộ dân và các tổ chức khai thác quy mô nhỏ là 256.131 giếng; tổng lưu lượng khai thác nước trên toàn TP khoảng 606.992 m3/ngày. Với khối lượng khai thác này, gần tiệm cận với trữ lượng khai thác an toàn và có nguy cơ thiếu an toàn, có thể dẫn đến giảm sút về chất lượng và tăng thêm do tác động của BĐKH đến nguồn nước này.

Theo đánh giá, đại đa số các giếng khai thác nước trong các hộ gia đình phục vụ cho sinh hoạt (trừ Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7) đều được khai thác từ tầng hai với lưu lượng khai thác là khoảng 260.000 m3/ngày, do ở tầng hai lưu lượng khai thác chưa quá trữ lượng khai thác an toàn, các giếng nước khai thác lại rải khá đều do đó mực nước của tầng chứa này ít giảm. Số còn lại khai thác khoảng 340.000 m3/ngày khai thác từ tầng ba và tầng bốn phục vụ cho sản xuất và các mục đích khác. Mặc dù lưu lượng khai thác còn nằm trong khả năng cho phép, tuy nhiên do sự khai thác nước một cách tập trung với lưu lượng lớn ở phía Tây Nam của TP, đã làm cho mực nước tầng ba và bốn có xu hướng giảm so với cân bằng nước.

Theo TS Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và khoáng sản (Sở TN&MT TP.HCM), tình hình khai thác nước dưới đất đang tập trung nhiều ở quận 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi. Các quận, huyện trên hiện chưa có hệ thống cấp nước chung hoặc có nhưng chưa phủ khắp.

Theo TS Chế Đình Lý, Phó Viện trưởng Viện Môi Trường và Tài Nguyên, ĐHQG TP.HCM, cho biết công tác quản lý tài nguyên nước nói chung và nước ngầm chưa đáp ứng yêu cầu quản lý. Chẳng hạn khả năng khai thác của nước ngầm còn nhiều vấn đề chưa thực hiện được; sự xâm nhập mặn theo chiều ngang và thẳng đứng; tác động môi trường do khai thác nước ngầm (lún mặt đất)… Cũng theo TS Chế Đình Lý, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các cấp, ngành chưa thấy hết được tầm quan trọng của nguồn nước này. Khả năng khai thác của nguồn nước có hạn, việc khai thác quá mức sẽ dẫn đến sự mất cân bằng áp lực trong các tầng chứa nước và dẫn đến sự suy kiệt cả về trữ lượng và chất lượng của nguồn nước. Sự mất cân bằng trên càng lớn sẽ dẫn đến sự hạ thấp mặt đất, kéo theo là sự các hệ lụy như ngập úng, ảnh hưởng đến môi trường sống của con người và tình trạng sẽ trầm trọng thêm khi có ảnh hưởng của BĐKH và mực nước biển dâng. Bên cạnh đó, mạng cấp nước sạch của TP chưa phủ khắp và áp lực, chất lượng nước từ hệ thống cấp nước chưa ổn định, đặc biệt là vùng cuối nguồn…

Để quản lý tốt nguồn nước ngầm của TP hợp lý, hiệu quả, Sở TN&MT đề nghị một số giải pháp sau:

Nhóm giải pháp mang tính định hướng: Quy hoạch quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ nguồn nước được thể hiện trong quy hoạch chung về phát triển KT-XH và các quy hoạch ngành khác; xây dựng khung pháp lý, các quy chế, quy chuẩn về bảo vệ tài nguyên nước, thường xuyên cập nhật. Ban hành quy định và chính sách quản lý, khai thác nguồn nước mưa trên địa bàn TP. Phối hợp với Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh quản lý tốt nguồn nước thuộc lưu vực sông Sài Gòn. Nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu khai thác, sử dụng nước nhằm tiết kiệm nguồn nước và giảm thất thoát nước.

Thị trường hóa tài nguyên nước ngầm của TP. Xã hội hóa trong vấn đề cấp nước để hạn chế giếng khai thác riêng lẻ trong các tổ chức, gia đình và cá nhân (mỗi phường, xã, thị trấn nơi chưa có nguồn nước cấp chỉ được xây dựng 1-2 trạm cấp nước tập trung). Biện pháp này sẽ giúp xử lý các chất ô nhiễm, các chỉ tiêu, kiểm soát được lưu lượng và chất lượng nước nhằm bảo vệ sức khỏe cho người dân, một phần tiết kiệm kinh phí đầu tư của người dân, tiết kiệm nước…

Giải pháp trước mắt: Tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài nguyên nước trên đại bàn TP, đặc biệt là Quyết định 17 của UBND TP về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn. Đồng thời thành lập bản đồ phân vùng cấm, hạn chế xây dựng mới các công trình khai thác nước ngầm sau đó sửa Quyết định 69/2007/QĐ-UBND ngày 3/5/2007 về quy định hạn chế, cấm khai thác nước dưới đất trên địa bàn TP.HCM.

Sau năm 2020, nước ngầm chỉ được khai thác ở các khu vực: quận 9, Thủ Đức, quận 12, Hóc Môn và Củ Chi. Nâng cấp hệ thống cấp nước của TP; nâng cấp và cải thiện hệ thống cấp nước cho các quận nội thành cũ. Xử lý, ngăn chặn các nguồn ô nhiễm nguồn nước và khuyến khích sử dụng tiết kiệm nước…

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tăng mức xử lý vi phạm trong khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước ngầm TP. Những trường hợp công trình khai thác trong vùng khai thác quá mức an toàn hoặc đã có mạng cấp nước thì kiên quyết ngưng khai thác…

(Theo THANH TRÀ – phapluattp.vn)