TP.HCM cần trả lại không gian cho nước

Ngày 12/12, dự án nghiên cứu siêu đô thị tương lai TP.HCM (Megacity) đã tổ chức đối thoại về cơ chế thống nhất quy hoạch đô thị và môi trường thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo TS. Harry Storch, siêu đô thị TP.HCM đang đối mặt với áp lực dân số trong các khu trung tâm, xây dựng tại các vùng đất thấp dẫn đến ngập lụt, mất các khoảng không, mảng xanh bị phá hủy, hiện tượng đảo nhiệt đô thị… Ước tính đến năm 2020, dân số TP. sẽ hơn 10 triệu người, dân số các quận nội thành có xu hướng chựng lại, trong khi các quận, huyện ngoại vi có tốc độ gia tăng dân số lên đến 20%. “BĐKH chỉ là một phần, sự bùng nổ dân số cũng là một nguyên nhân lớn dẫn đến các áp lực trong đô thị” – TS.Harry nhận xét. Điều đó kéo theo sự tăng trưởng ở các vùng ngoại vi, việc mở rộng nhanh chóng của TP. về phía các vùng đất thấp, đất ngập nước – những khu vực không gian xanh, tự nhiên đa chức năng.

Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, khu vực trọng điểm mà TP. hiện rất quan tâm là bán đảo Thanh Đa (phường 27, 28, quận Bình Thạnh), các quận 2, 9 và Thủ Đức. Đây là những khu vực đóng vai trò quan trọng đối với khí hậu và việc quản lý nước mưa nên TP. đang rất cân nhắc việc phát triển. Tại quận 9, chỉ còn bán đảo Long Phước là chưa có dự án nhưng đất đều đã có chủ, các nhà đầu tư chỉ chờ cơ hội là thực hiện dự án. Bán đảo Long Phước chỉ giữ được 1.000 ha (trong tổng diện tích 5.000 ha) để làm nhà vườn. Siêu đô thị đặt những khu vực “lá phổi” của TP. đứng trước nguy cơ bị bê tông hóa.

Quy hoạch sử dụng đất được xem như chiến lược quản lý thích ứng BĐKH phù hợp nhất. Các bên tham gia đối thoại đều khuyến nghị TP. nên trả lại và giữ lại không gian cho nước. Cụ thể, các khu vực dành cho xử lý nước cần được chỉ rõ trong quy hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu nguy cơ ngập lụt trong tương lai đối với các khu vực xây dựng hiện hữu chính là bảo vệ các khu vực chưa xây dựng trong vùng đất thấp khỏi nguy cơ bị chuyển đổi thành đất xây dựng. Megacity đã nghiên cứu, đưa ra các khuyến nghị quy hoạch sử dụng đất cụ thể cho các vùng trọng điểm của TPHCM. Các khuyến nghị này sẽ được trình UBND TP.HCM xem xét trong quy hoạch sử dụng đất của TP. đến năm 2020.

Dự án nghiên cứu siêu đô thị tương lai TP.HCM do Đại học Công nghệ Brandenburg – Đức và một số đối tác của TP.HCM phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức. T.HCM là một trong 10 TP. trên thế giới được nghiên cứu dự án siêu đô thị.


(Theo Monre.gov.vn)