TP.HCM cần 20.000 tỉ đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu

Vỡ bờ bao tại Thủ Đức gây ngập lụt hàng trăm hộ dân.
Tính toán cho thấy, TP.HCM cần hơn 20.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2015 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong những lĩnh vực cơ bản, những khu vực nhạy cảm bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của TP.HCM giai đoạn 2011 – 2015, các khu dân cư nằm trong các quận huyện có cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh và thu nhập thấp (gồm Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12…) là một trong những khu vực nhạy cảm nhất, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Sự ổn định của các khu vực dân cư này sẽ tuỳ thuộc vào khả năng quản lý dân di cư do mất đất vì nước biển dâng.

Sẽ có nhiều khu vực nhạy cảm

Tương tự, bên cạnh việc bị ảnh hưởng gián tiếp do thiếu năng lượng, các khu công nghiệp ở TP.HCM nằm ở vùng đất thấp, đặc biệt là các cụm công nghiệp (hiện TP.HCM có 33 cụm công nghiệp) với cơ sở hạ tầng không có sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất. Theo tính toán, nếu mực nước biển dâng 1m thì TP.HCM sẽ có khoảng 500 cơ sở sản xuất (chiếm 9%) và 16 khu công nghiệp bị ngập sâu trong nước.

Riêng với khu vực nông nghiệp, theo sở Tài nguyên và môi trường, sẽ là khu vực bị ảnh hướng lớn nhất do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, đánh giá ảnh hưởng của khu vực này cũng là vấn đề khó nhất do không có mô hình đánh giá thích hợp. Theo các chuyên gia, dù tỷ trọng nông nghiệp trên địa bàn thành phố khá nhỏ nhưng nó tạo việc làm cho nông dân. Đây là điều phải lưu ý vì thành phố mới đô thị hoá 30% diện tích và trong 24 quận huyện thì có mười quận huyện thuộc vùng nông thôn, hơn nữa đây cũng là vùng cung cấp rau xanh cho thành phố.

Tuy nhiên, theo ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu thành phố, việc xác định lĩnh vực và khu vực nhạy cảm, khu vực và lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất vẫn đang còn chung chung. Những vấn đề về di dân hay ảnh hưởng tới du lịch (được xác định là lĩnh vực nhạy cảm)… như thế nào, đến nay thành phố vẫn chưa dám đụng tới. Nguyên nhân, do hiện nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn cụ thể cho từng tiêu chí xác định khu vực, lĩnh vực nhạy cảm. Các tiêu chuẩn này cần có các con số định lượng để xác định thứ tự ưu tiên và thực hiện các chương trình đầu tư, nhằm giảm thiểu và thích ứng với các tác động có hại, sử dụng các tác động có lợi. Ví dụ, các khu dân cư có hệ thống thoát nước được thiết kế với chu kỳ ngập lụt nhỏ hơn một năm, hệ thống cấp nước sử dụng nguồn nước mặt ven biển với tiêu chuẩn dùng nước nhỏ hơn 50 lít/người/ngày đêm… có thể coi là khu vực nhạy cảm của biến đổi khí hậu.

Chỉ ở mức độ nghiên cứu

Nhiều chuyên gia nhận định, thành phố sẽ phải vừa làm, vừa chạy, vừa xếp hàng. Theo ông Nguyễn Trung Việt, tổ trưởng tổ chuyên viên biến đổi khí hậu thuộc ban chỉ đạo, từ nay đến năm 2015, thành phố sẽ phải cần hơn 20.000 tỉ đồng cho các vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng đa số chỉ mới ở mức độ nghiên cứu chứ chưa làm gì cụ thể, do thành phố đang quá thiếu một ngân hàng dữ liệu. Không có dữ liệu, các chương trình hành động sẽ không có cơ sở xây dựng.

Ông Việt cho biết, nguồn tài chính cho các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu được xác định lấy từ bốn nguồn: các tổ chức quốc tế hỗ trợ hoặc cho vay (chiếm 50% nguồn kinh phí), kinh phí trung ương chiếm 30%, từ kinh phí địa phương chiếm 10% và từ các doanh nghiệp là 10%. Nhưng nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tính chủ động của địa phương. “Như ngay với 10% từ doanh nghiệp thành phố chỉ có được khi mà các dự án xây dựng phải có lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp”, ông Việt nói. Khá lạc quan với nguồn kinh phí thành phố có được như từ các chương trình ký kết với các tổ chức quốc tế thời gian qua, ông Việt cho biết, riêng với chương trình TP.HCM ký kết với thành phố Rotterdam (Hà Lan) vừa qua, TP.HCM sẽ được hỗ trợ toàn bộ trong việc xây dựng các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu về mọi vấn đề liên quan như tài nguyên nước, cảng biển, dân cư trong thành phố nổi… với khoảng 6 triệu euro hỗ trợ từ Chính phủ Hà Lan.

“Nhưng chỉ sợ họ cho mình miếng bánh ngon mà chính mình lại không tiêu hoá được”, ông Việt lo ngại. Theo ông Việt, nội dung chương trình chủ yếu dựa vào tổ chuyên viên, nhưng ngay cả chuyên viên cũng còn mới và thiếu, khó mà đáp ứng được nhu cầu chương trình đặt ra. Vấn đề thứ hai, nếu thành phố không xây dựng một cơ chế tài mạnh và linh hoạt thì chương trình gần như không thể thực hiện được.

(Theo Vfej.vn)