Tỉnh Điện Biên: Nguy cơ cạn kiệt, suy giảm tài nguyên nước

tt737Nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người. Dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, con người cũng không thể thiếu nhu cầu sử dụng nước hàng ngày, từ việc ăn, uống, sinh hoạt và lao động sản xuất. Tuy nhiên, một thực trạng đáng báo động hiện nay ở Điện Biên là nguồn tài nguyên này đang có nguy cơ suy giảm về cả số lượng và chất lượng.  

 

Nước cần cho sự sống

 

Điện Biên nằm ở khu vực đầu nguồn 3 con sông lớn là sông Đà, sông Mã và sông Mê Kông. Trong đó, riêng lưu vực sông Đà trên các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Tủa Chùa, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay có diện tích khoảng 5.300km2, chiếm 55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Hiện nay, Điện Biên có khoảng 800 công trình thủy lợi lớn nhỏ đang hoạt động, đã phục vụ công tác tươi tiêu cho 7.676 vụ chiêm xuân và 12.632 vụ mùa.

 

Ông Ngôn Ngọc Khuê, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cho biết: “Mặc dù nhu cầu sử dụng nước của tỉnh là rất lớn, song cho đến nay, Điện Biên mới chỉ khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước mặt trên các lưu vực sông và các công trình thủy lợi lớn nhỏ (đập dâng, trạm bơm, hồ chứa…). Nguồn nước này đang được các công ty: Thủy nông, Cấp phát nước, các công trình thủy điện đã đi vào hoạt động, khai thác và sử dụng. Đây là nguồn cung cấp nước thiết yếu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn cho công trình cấp nước sinh hoạt và sản xuất điện trên toàn tỉnh. Do chi phí cho việc khai thác đánh giá nguồn tài nguyên nước ngầm tương đối lớn, nên tỉnh mới chỉ thử nghiệm một số mũi khoan tìm nguồn nước sạch ở Tuần Giáo và Tủa Chùa vào năm 2008 – 2009, nhưng chưa đi vào khai thác. Hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất chủ yếu diễn ra tự phát ở các khu vực thành phố và thị trấn huyện”.

Con người đang tự đánh mất nguồn nước

Quá trình đô thị hóa đang phát triển khá nhanh đã khiến lượng dân cư tập trung về trung tâm thành phố học tập, làm việc và sinh sống ngày càng gia tăng. Hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, giao thông phát triển mở rộng; các khu dân cư, chợ, bệnh viện kéo theo sự gia tăng chất thải gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Ở khu vực nông thôn, các loại hóa chất độc hại như: phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ… đang trở thành nguồn nguy hại lớn cho con người và sinh vật sống trong nước. Cùng với đó, việc phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ bừa bãi làm cho tài nguyên rừng bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến vai trò giữ nước của rừng. Đây đã và đang là những nguyên nhân trực tiếp khiến cho nguồn nước có chiều hướng suy giảm như hiện nay, lỗi chính là do ý thức của con người. Có khai thác nhưng lại không biết bảo vệ, chúng ta đang đánh đổi tài nguyên nước lấy sự phát triển, khiến nguồn tài nguyên nước vô giá đang có nguy cơ trở nên khan hiếm.

 

Theo đánh giá của ông Ngôn Ngọc Khuê, về chất lượng nguồn nước mặt ở tỉnh ta hiện nay cơ bản đảm bảo cho sinh hoạt chung của người dân. Song, ở một số nơi, đặc biệt là khu vực thành phố, các điểm chứa nước ở khu dân cư có biểu hiện ô nhiễm nhẹ, chưa đạt “quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống”, theo Thông tư 04/2009/TT-BYT của Bộ Y tế. Một điều nữa là các đơn vị khai thác tài nguyên nước đều được cấp giấy phép khai thác, tuy nhiên các đơn vị này chưa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, quá trình khai thác còn mang tính chất bừa bãi.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Cũng theo ông Khuê: “Để bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên nước, trong những năm qua Sở đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức như: tuyên truyền lồng ghép với các hoạt động của đoàn thể; hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường”, “Ngày Môi trường thế giới”… Sở cũng đã có sự phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát môi trường tiến hành kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị, nhằm chấn chỉnh lại các hoạt động khai thác sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, có biện pháp phòng, chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Những hoạt động này mới chỉ thực hiện được ở một số công trình lớn, còn lại hiện nay vẫn đang “thả nổi”. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp kinh phí cho chương trình đánh giá, thăm dò nguồn tài nguyên nước ngầm, sớm đưa vào khai thác và sử dụng, tăng thêm nguồn cung cấp nước cho địa phương”. Về lâu dài, để có được kết quả thiết thực, cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cả cộng đồng, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, cùng hành động tích cực bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.

 

 

(Theo dwrm)