Ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Cơ quan phát triển Pháp tổ chức Hội thảo đánh giá tác động Nghị định 115 của Chính phủ về miễn giảm thủy lợi phí đến hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phương pháp tiếp cận, khung pháp lý và thể chế phát triển PIM (quản lý tưới có sự tham gia của nhà nông) tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Đào Xuân Học khẳng định: Nghị định 115 của Chính phủ về miễn giảm thủy lợi phí đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân và địa phương trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc miễn thủy lợi phí đã giảm bớt phần đóng góp của người dân trong vùng sản xuất, tạo nguồn kinh phí ổn định cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ động trong hoạt động phục vụ sản xuất, sửa chữa, nạo vét và kiên cố hóa kênh mương… Chi phí trong sản xuất nông nghiệp tiết kiệm được đến 2 triệu đồng/ha đối với vùng bơm nước 2 vụ còn đối với vùng bơm nước 3 vụ còn tiết kiệm được nhiều kinh phí hơn nữa.
Hầu hết các ý kiến tại các địa phương đều đồng tình với kết quả đạt được sau 3 năm triển khai chính sách miễn thủy lợi phí của Chính phủ. Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách miễn thủy lợi phí còn bộc lộ tồn tại như: mức thu cố định không được điều chỉnh hàng năm; quy định mức thu thủy lợi phí đồng đều giữa các vùng miền là chưa hợp lý; đối tượng miễn thủy lợi phí… Để phát huy hiệu quả của Nghị định 115, một số ý kiến đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Chính cần tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh mức thu thủy lợi phí hợp lý hoặc hỗ trợ thêm kinh phí cho địa phương…
Tại hội thảo, ông Olivier Gilard, chuyên gia cao cấp về Nông nghiệp, Môi trường và biến đổi khí hậu của Cơ quan Phát triển Pháp chia sẻ: Mỗi cách tiếp cận đều có ưu điểm và nhược điểm, ở Việt Nam việc triển khai tư vấn trong lĩnh vực thủy lợi đem lại nhiều hiệu quả trong đầu tư cơ sở hạ tầng, Nhà nước hỗ trợ thì người dân và doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn. Vì vậy, nên kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp với nông dân và ngược lại, Nhà nước giúp nâng cao năng lực các tổ chức ở địa phương để họ nâng cao năng lực từ đó quản lý hiệu quả tốt các công trình thủy lợi.
Đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới Bộ sẽ ban hành thêm ba Thông tư để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi là định mức duy tu công trình; tiêu chí đánh giá khai thác công trình thủy lợi; đẩy mạnh công tác quản lý có sự tham gia của người dân.
(Theo Monre.gov.vn)