Thưa ông, mối hiểm họa lớn nhất đối với sông Mê Công hiện nay là gì?
– Sông Mê Công hiện đang trong giai đoạn rất đặc biệt, những biến động của thời tiết trên lưu vực hết sức gay gắt. Trong những năm gần đây hầu như năm nào chúng ta cũng gặp những trận hạn, những trận lũ lịch sử. Những biến động ấy hoàn toàn ra khỏi quy luật của chuỗi khí tượng thủy văn mà chúng tôi đã từng biết. Điều đó khiến chúng tôi phải thay đổi quan điểm về chế độ dòng chảy trên lưu vực sông Mê Công. Dấu hiệu đầu tiên là biến đổi khí hậu và có một số thông tin cho rằng do tác động của con người. Đó là thông tin về việc Trung Quốc hoàn thành 4 đập thủy điện ở thượng nguồn và mới đây các quốc gia ở hạ lưu sông Mê Công cũng đã có những kế hoạch, tham vọng xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu vực. Xây dựng thủy điện có thể có những hoạt động phát triển làm gia tăng công trình tưới nên nhu cầu nước trong thời gian tới hết sức gắt gao. Vì thế, cần có giải pháp giảm thiểu được những tác động đó đồng thời vẫn đảm bảo được những cơ hội phát triển trên sông Mê Công.
Mối quan ngại của Việt Nam – quốc gia ở phía hạ nguồn của lưu vực sông Mê Công là những công trình trên dòng chính đó có tác động như thế nào tới hạ du, đặc biệt tới vùng đồng bằng sông Cửu Long? Mối quan tâm hiện nay của chúng ta là sự tác động của dòng chảy và sự nhiễu động của nó.
Đợt hạn hán vừa qua đã kéo theo những tác động khác như vấn đề xâm nhập mặn, lượng phù sa bị giảm kéo theo nguồn dinh dưỡng xuống đồng bằng sông Cửu Long bị suy giảm ảnh hưởng đến các ngành kinh tế phụ thuộc vào tài nguyên nước. Tiếp đó là những ảnh hưởng về môi trường và sinh thái do biến động của thủy lực và thủy văn của dòng sông. Điều đó khiến chúng ta phải quan tâm đến những hoạt động kinh tế xã hội, hoạt động văn hóa phụ thuộc vào chế độ dòng chảy của sông Mê Công. Tất cả những vấn đề đó hiện nay đang được Chính phủ Việt Nam, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam tăng cường nghiên cứu để đánh giá rõ. Tất nhiên, chúng ta sẽ gặp một số khó khăn vì thông tin từ phía thượng nguồn rất ít, mức độ chia sẻ thông tin của các quốc gia hiện còn nhiều hạn chế. Đây là điều hết sức khó khăn đối với Việt Nam.
Ông vừa cho rằng năm nay là năm hạn hán kỷ lục chưa từng thấy và bên cạnh những tác động của biến đổi khí hậu còn do tác động từ con người. Vậy có những bằng chứng nào khẳng định hạn hán do tác động từ con người không?
– Hiện nay, chúng ta chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Như tôi đã nói, mức độ chia sẻ thông tin của quốc gia ở thượng nguồn đặc biệt là Trung Quốc còn hạn chế. Bên cạnh đó mạng giám sát thủy văn, môi trường ở lưu vực sông Mê Công vẫn còn hết sức khiêm tốn. Cơ sở để chúng tôi lo ngại là do tác động của các công trình trên dòng nhánh gây tác động lên dòng chính của sông Mê Công. Tương lai khi các công trình trên dòng chính xuất hiện nếu sự điều hành, vận hành của các công trình đó không được điều phối tốt thì tác động đó sẽ nhân rộng, ảnh hưởng đến đồng bằng sông Cửu Long của chúng ta.
n Vấn đề xây đập thủy điện trên sông Mê Công đang thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Các nước trong Ủy hội đã có cảnh báo tác động từ các công trình thủy điện như thế nào, thưa ông?
– Hiện nay trên dòng chính, các nước hạ lưu sông Mê Công đang có kế hoạch xây dựng 11 bậc thang thủy điện. Theo Hiệp định sông Mê Công, khi tiến hành xây dựng các công trình trên dòng chính cần có sự đồng thuận của 4 quốc gia thành viên. Tới đây, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam sẽ tham gia cùng các thành viên Ủy ban sông Mê Công quốc gia khác xem xét kiến nghị xây dựng các công trình thủy điện. Hiện tại, chúng ta chưa có thông tin chi tiết về tác động của các công trình thủy điện ảnh hưởng đến hạ lưu. Chúng tôi đang cố gắng phối hợp với Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế nghiên cứu những tác động này. Cách đây nửa năm Ủy hội sông mê Công quốc tế đã hoàn thành nghiên cứu đánh giá môi trường chiến lược cho những công trình thủy điện ở hạ lưu vực sông Mê Công. Trong báo cáo đã đề cập đến nhiều tác động có thể xảy ra từ các công trình thủy điện. Song, những nghiên cứu ấy, đánh giá tác động ấy chưa thực sự đầy đủ để phục vụ cho việc ra quyết định của Ủy hội. Vì thế cần có thêm thời gian để có thể xem xét đánh giá tác động.
Được biết, tại phiên họp lần thứ 17 của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, chúng ta sẽ phải thông qua Chiến lược Phát triển Lưu vực dựa trên Quản lý tổng hợp Tài nguyên nước. Vậy Việt Nam sẽ đem đến bàn đàm phán thái độ như thế nào và quan điểm của việc thông qua Chiến lược?
– Chúng tôi rất mong muốn có được sự cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường. Thực sự Việt Nam cũng là quốc gia phát triển nhanh trong lưu vực sông Mê Công so với các bạn Lào và Campuchia. Tuy nhiên, chúng ta cũng không quên được nhiệm vụ bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng bằng sông Cửu Long là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho Việt Nam nên chúng ta phải tiếp tục duy trì và bảo vệ. Tại phiên họp Hội đồng Ủy hội sông Mê Công quốc tế lần thứ 17 được tổ chức vào cuối năm nay tại TP.HCM, Bộ trưởng của các quốc gia thành viên lưu vực sẽ thông qua Chiến lược này trước hết thể hiện cam kết của 4 quốc gia trong việc đảm bảo phát triển bền vững cho lưu vực sông Mê Công, đồng thời có được sự chỉ đạo thống nhất trong tận dụng nguồn lợi từ sông Mê Công của mỗi quốc gia.
Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo www.tainguyenmoitruong.com.vn)