Thừa Thiên – Huế: Khai thác tốt nguồn tài nguyên nước khoáng nóng

Suối khoáng nóng Thanh Tân. Ảnh: Internet
Tỉnh Thừa Thiên – Huế có nguồn tài nguyên nước dưới đất khá phong phú, bao gồm cả nước ngầm và nước khoáng nóng, phân bố tương đối đều trên khắp các địa bàn. Trong đó, các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy, A Lưới và Nam Đông là những vùng chứa nước dưới đất có triển vọng nhất cho khai thác và sử dụng của địa phương. Tổng trữ lượng nước dưới đất ở các vùng đã nghiên cứu ở cấp C1 đạt gần 9.200m3/ngày. Chính lượng nước này cùng với hệ thống các thủy vực dày đặc với tổng lượng nước mặt vừa phải đã đảm bảo cho Thừa Thiên – Huế có môi trường thủy sinh phong phú.
       Thừa Thiên- Huế bước đầu đã phát hiện được bảy nguồn nước khoáng nóng có thể sử dụng để uống và chữa bệnh. Trong số này, ba điểm Thanh Tân, Mỹ An và A Roàng gần như lộ thiên đang được khai thác rất thuận tiện. Nguồn nước khoáng nóng Thanh Tân nằm ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, được người Pháp phát hiện từ năm 1928, thuộc loại nước khoáng silic, nhiệt độ cao nhất ở điểm xuất lộ là 69°C, lưu lượng tự chảy ở nguồn xuất lộ lớn nhất là 165m3/ngày. Nước khoáng nóng thiên nhiên Thanh Tân có các thành phần Cali sunfat và Silic, và nhiều tố chất khác được đánh giá có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, được xử lý đóng chai để uống hoặc sử dụng ngâm tắm để chữa bệnh. Hiện tại, Khu nước khoáng nóng Thanh Tân đã được đầu tư hơn 30 tỉ đồng để xây dựng hồ bơi nước khoáng, hồ bơi tạo sóng biển, hồ bơi liên hoàn dành cho trẻ em, hệ thống máng trượt tạo cảm giác mạnh, một hệ thống bể ngâm tắm tập thể và cá nhân, tất cả đều nấp dưới tán cây xanh, tạo thành một khu du lịch, sinh thái nghỉ dưỡng hết sức lý thú.
          Nguồn nước khoáng nóng Mỹ An ở xã Phú Dương (huyện Phú Vang) có thành phần hoá học chủ yếu là Clorua Bicacbonat Natri, lưu lượng là 1.590m3/ngày và nhiệt độ ở điểm xuất lộ là 54°C. Với lợi thế gần thành phố Huế, điểm nước khoáng nóng Mỹ An đã được khai thác, sử dụng thành khu dịch vụ du lịch ngâm tắm, chữa bệnh. Riêng nguồn nước khoáng nóng ở xã A Roàng (huyện A Lưới), có tên gọi là Tà Lài hoặc Aka, được phát hiện từ năm 1980. Nước khoáng A Roàng có độ khoáng hóa thấp hơn các điểm nói trên, thành phần hóa học chủ yếu là Bicacbonat Natri, và có nhiệt độ vừa phải (50°C). Gần đây, sau khi đường Hồ Chí Minh hoàn thành, việc khai thác, sử dụng nguồn nước khoáng đã được ngành du lịch đưa vào khai thác bước đầu.
        Ngoài khai thác phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, các khu nước khoáng nóng còn phát triển thành các khu du lịch sinh thái, tạo môi trường hiền hòa, xanh, sạch, đẹp. Khu du lịch Thanh Tân đã xây dựng được hệ thống thảm thực vật xanh trên diện tích hơn 30 ha, với đầy đủ chủng loại cây xanh, hoa cảnh như: Tràm, bạch đàn, sến , xà cừ, các loại hoa rừng, phong lan, cây cảnh…như nối với thảm cây xanh của rừng Trường Sơn, tạo thành một màu xanh bất tận. Đến đây, du khách không những được sống trong bầu không khí trong lành, êm dịu mà còn cảm thấy sự yên tĩnh, bình an và gần gũi với thiên nhiên giữa bạt ngàn non xanh…  
(Theo Monre.gov.vn)