Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác ngành TN&MT năm 2009 và triển khai nhiệm vụ 2010: Đảm bảo khai thác sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển bền vững

Thutuong_HNTKBo2009(TN&MT) Ngày 12/1/2010, Bộ TN&MT vui mừng được đón đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết công tác ngành TN&MT năm 2009 và triển khai nhiệm vụ 2010. Hội nghị do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên chủ trì, tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương những đóng góp tích cực của ngành thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản… hiệu quả tiết kiệm, bảo đảm phát triển bền vững là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của ngành.

Tham dự có Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức, các Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Nguyễn Xuân Cường, Nguyễn Thái Lai, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ TN&MT, đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương, đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, lãnh đạo các Sở TN&MT, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

 

* Từng bước khẳng định vai trò vị thế của ngành

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã điểm qua một số thành tựu ngành TN&MT trong năm qua.

Về lĩnh vực đất đai, lĩnh vực mà Quốc hội, Chính phủ, mọi người dân và xã hội luôn quan tâm, với những nỗ lực to lớn, Bộ TN&MT đã đề xuất các chính sách nhằm giải quyết căn bản những vướng mắc trong quản lý đất đai. Đặc biệt là các quy định mới về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và các nhà đầu tư, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư; thống nhất việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất, tạo bước đột phá quan trọng trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu hướng tới người dân và cơ sở.

Năm qua ngành đã phát hiện được nhiều loại khoáng sản quý, trữ lượng lớn có thể tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp với thời gian lâu dài, như: bauxit, titan-zircon, đất hiếm, than, apatit, urani, đá hoa trắng, cát thuỷ tinh, đá vôi làm nguyên liệu xi măng, nước khoáng – nước nóng… Tích cực triển khai Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và Bắc Bà Rịa-Vũng Tàu. Botruong_HNTK2009

Với tài nguyên dự báo hiện nay đạt khoảng 400-500 triệu tấn, cho thấy Việt Nam là một trong những nước có tiềm năng quặng titan thuộc loại lớn nhất thế giới, sẽ mở ra tiềm năng phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản titan, mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước. Dự án Luật khoáng sản sửa đổi cũng đang được gấp rút soạn thảo theo hướng kinh tế hóa ngành, giảm triệt để cơ chế “xin – cho”, tăng cường áp dụng hình thức đấu thầu quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá mỏ để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ đã tăng cường xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, tình hình chấp hành chính sách bảo vệ môi trường trên toàn quốc đã có tiến bộ rõ rệt. Vụ việc Công ty Vedan đã được giải quyết, đến nay chất lượng nước sông Thị Vải đã được cải thiện. Công tác bảo vệ môi trường ở các địa phương đã được quan tâm chú trọng. Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường ở các lưu vực sông nhằm khắc phục, ngăn ngừa ô nhiễm vốn gây bức xúc xã hội trong nhiều năm qua. Bộ cũng chuẩn bị nhiều hoạt động thiết thực về BVMT cho năm 2010, là năm được Liên Hợp Quốc chọn là năm quốc tế về đa dạng sinh học, nhằm giảm thiểu sự suy giảm đa dạng sinh học cũng như tác động của nó đến tiến trình đạt các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

TrungbayKS_HNTKBo2009Những nỗ lực cố gắng trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu trong năm 2009 là dự báo chính xác 11 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới. Với điều kiện hệ thống trang thiết bị thu nhận dữ liệu và công nghệ dự báo vẫn còn lạc hậu, để đạt được kết quả này, các cán bộ ngành khí tượng thủy văn đã phải làm việc không kể ngày đêm.

Sau một năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Kịch bản biến  đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam đã được Bộ tổ chức công bố và ban hành Khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành và địa phương. Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành chuẩn bị tốt cho Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu tham dự Hội nghị COP15 tại Copenhagen, Đan Mạch. Bài phát biểu của Thủ tướng được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và Hội nghị bên lề của Việt Nam đã mang lại tiếng vang, báo chí nước ngoài đánh giá là một trong những Hội nghị bên lề thành công nhất tại COP15. Đoàn đã có 30 cuộc tiếp xúc song phương, trong đó có 10 cuộc tiếp xúc với các nguyên thủ quốc gia và 20 cuộc tiếp xúc cấp Bộ trưởng, nhằm huy động sự hỗ trợ của các nước cho Việt Nam để ứng phó với biến đổi khí hậu; nhiều tổ chức quốc tế đã cam kết tài trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về quản lý tài nguyên nước, Bộ TN&MT đã từng bước khẳng định được vai trò và vị thế trong quản lý tài nguyên nước quốc gia; báo cáo Thủ tướng Chính phủ và báo cáo Bộ Chính trị về hệ thống sông quốc tế, tình hình khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn; hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa…

Các ngành đo đạc – bản đồ, viễn thám cũng có những dấu ấn quan trọng trong năm qua. Việt Nam – Trung Quốc ký Nghị định thư về phân giới cắm mốc trên đất liền tuyến biên giới Việt-Trung. Lần đầu tiên xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, mở ra cơ hội mới trong hợp tác phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị và ổn định. Trạm thu ảnh vệ tinh đầu tiên của Việt Nam được đưa vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu giám sát tài TN&MT trên phạm vi toàn quốc; đặt nền móng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám ở tầm quốc gia… Việt Nam đã trở thành nước thứ 5 trong khối ASEAN có Trạm thu ảnh vệ tinh và là nước đầu tiên ở Đông Nam Á có Trạm thu ảnh vệ tinh ENVISAT.

Lĩnh vực biển và hải đảo rất mới nhưng đã thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản về TN&MT biển, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo, tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý tổng hợp, thống nhất biển và hải đảo. Công tác hợp tác quốc tế về biển và hải đảo cũng có tiến bộ, đã tăng cường hợp tác với PEMSEA, COBSEA, cơ quan quản lý Đại dương Trung Quốc (SOA), cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Hoa Kỳ (NOAA).

“Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27 về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT, Ban cán sự Đảng Bộ TN&MT đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành. Đây là chủ trương lớn của ngành nhằm góp phần hoàn thiện thể chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, thúc đẩy ngành TN&MT phát triển nhanh và bền vững, nhằm tăng đóng góp cho thu ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội”, Bộ trưởng nói.

Để đáp ứng đòi hỏi xã hội ngày càng cao, ngành sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hiệu quả hơn theo hướng “kinh tế hóa” ngành dựa trên các nguyên lý của kinh tế thị trường”, Bộ trưởng nói. Mặt khác, thủ tục hành chính hiện còn rườm rà, phức tạp. Một số cán bộ công chức trong ngành còn gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhất là hệ thống quản lý đất đai ở địa phương. Bộ trưởng khẳng định trong thời gian tới, Bộ TN&MT tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố rà soát đề xuất bãi bỏ hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các thủ tục hành chính không còn phù hợp, cương quyết cắt giảm ít nhất 30% số thủ tục hành chính; tăng cường kiểm tra, thanh tra, tiếp tục cải cách lề lối làm việc trong toàn ngành mà trước hết từ Bộ TN&MT.

 

* Đóng góp lớn, thách thức lớn

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá ngành TN&MT có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Năm 2009, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, nhưng 3/5 chỉ tiêu về môi trường chưa đạt kế hoạch. Đó là chưa đạt về khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn, về tỷ lệ độ che phủ rừng, tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch. Trong kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, một số chuyên gia cũng dự kiến có 6/7 chỉ tiêu về môi trường không đạt. “Đó là thách thức đối với các ngành, các cấp và trước hết là đối với ngành TN&MT”.

Trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ngành TN&MT tập trung giải quyết công tác môi trường, trước hết là đảm bảo nước sạch cho nhân dân. “Cần đề ra các tiêu chí cụ thể và phải có những chuyển biến rõ nét trong việc cung cấp nước sạch cho nhân dân các vùng miền của đất nước. Song song phải quyết liệt tiến hành chống ô nhiễm cho các lưu vực sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đồng Nai- Sài Gòn…”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, việc Công ty Vedan gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải là một bài học, đòi hỏi ngành phải chủ động, tích cực hơn nữa, nhất là trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phòng ngừa ô nhiễm. Đặc biệt, kiên quyết không cho phép các nhà máy, dự án xây dựng mới được đổ trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào các dòng sông. Thủ tướng nhấn mạnh: Vấn đề môi trường đang là vấn đề nóng bỏng và được đông đảo dư luận quan tâm. Trước đó, trong những cuộc thăm dò dư luận, người dân quan tâm nhiều đến vấn nạn tham nhũng, sau đó là biến động giá cả (thời điểm năm 2008). Hiện nay, quan tâm hàng đầu của người dân là môi trường và môi trường sống.

Quangcanh_HNTKBo2009_1      

Quang cảnh hội nghị

Xử lý rác thải, rác y tế cũng là một vấn nạn trong công tác bảo vệ môi trường. Một lần nữa, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tích cực đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải. Theo Thủ tướng, phát triển kinh tế – xã hội phải luôn đi cùng với bảo vệ, cải thiện môi trường, coi bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng đánh giá các giải pháp phát triển.

Về quản lý đất đai, Thủ tướng đề nghị tiếp tục tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng đất, nhất là đất công. Để đất đai thực sự đem lại nguồn lực phát triển mạnh mẽ cho đất nước. “Cán bộ ngành TN&MT cần quan tâm giải quyết khiếu kiện của nhân dân, lắng nghe nhân dân, giải quyết đảm bảo có tình, có lý. Những khiếu kiện chưa đúng cần kiên trì giải thích cho nhân dân hiểu, những khiếu kiện đúng cần nhanh chóng giải quyết”.

Thủ tướng chỉ đạo cần đổi mới và nâng cao công tác dự báo, đảm báo chính xác, kịp thời để người dân có được thông tin sớm, từ đó chủ động phòng chống lụt bão, giảm thiểu được những thiệt hại do bão lũ gây ra. Trước những diễn biến bất thường của nguy cơ biến đổi khí hậu, các địa phương chịu ảnh hưởng cần có kế hoạch chủ động đối phó. Thủ tướng nhận định: “Nhìn chung, chất lượng công tác dự báo đã tốt hơn, giúp Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo kịp thời công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ. Đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, ngành cần tăng cường xây dựng các dự án để kêu gọi các nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước, nhất là đối với hệ thống đê sông, đê biển”.

Đối với công tác thăm dò, điều tra khai thác tài nguyên khoáng sản, Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của ngành trong khảo sát, thăm dò, đánh giá trữ lượng về địa chất, khoáng sản trong mấy năm gần đây, nhất là những phát hiện mới về titan – zircon, quặng  urani… Kết quả này cho thấy, nước ta giàu tài nguyên khoáng sản, đây là tiềm năng, nguồn lực giúp Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn, song chủ trương nhất quán là không bán tài nguyên ở dạng thô mà phải tiến hành chế biến ra sản phẩm hàng hóa công nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường phải coi là nguyên tắc cơ bản, yêu cầu chung đối với sự phát triển kinh tế, hoạt động khoáng sản phải đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, kết hợp phát triển KT-XH và bảo vệ an ninh quốc phòng.

Cuối cùng, quản lý tổng hợp, thống nhất biển đảo là lĩnh vực mới của ngành. Cần tăng cường hơn nữa công tác điều tra cơ bản, thu thập dữ liệu, thông tin làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển; quan tâm đẩy mạnh công tác quản lý biển, hải đảo, đồng thời sớm xây dựng cơ chế thích hợp trong quá trình thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế biển, hải đảo, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Chính phủ là “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển”.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cảm ơn, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, toàn ngành sẽ ngày càng đóng góp cho tăng trưởng GDP nhiều hơn nữa, tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, khẳng định ngành TN&MT là một trong những ngành chủ lực tham gia vào phát triển bền vững đất nước, xây dựng ngành TN&MT trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật tổng hợp hoạt động năng động, hiệu quả, hội nhập.

Truớc đó, thay mặt lãnh đạo Bộ TN&MT, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Văn Đức đã trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác năm 2009 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2010 của ngành TN&MT. Theo đó, năm 2010 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2006 – 2010 của ngành tài nguyên và môi trường; tiếp tục triển khai Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 03/2008/NQ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2007-2011, đồng thời xây dựng và chuẩn bị triển khai Kế hoạch 5 năm 2011-2015, giai đoạn 2011 – 2020 của ngành tài nguyên và môi trường; thực hiện Chương trình hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Trọng tâm chỉ đạo thực hiện trong toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2009 là: “Triển khai Nghị quyết số 27/NQ-BCS của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, lập lại trật tự, kỷ cương trong toàn ngành tài nguyên và môi trường”. Báo cáo cũng chỉ rõ 8 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.


* Hứa hẹn sự phối hợp đồng bộ, khởi sắc

Tại Hội nghị, báo cáo tham luận của đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở TN&MT và UBND các địa phương đã phác họa một bức tranh toàn diện về công tác TN&MT trong năm qua. Đặc biệt đã định hướng nội dung, chú trọng các giải pháp thực hiện trong năm 2010 nhằm nâng cao toàn diện hiệu quả hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về TN&MT.

Thừa  nhận thực tế biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến nước ta, đặc biệt là các tỉnh ven biển, ông Trịnh Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng cần khẩn trương hơn mới “kịp trở tay” với biến đổi khí hậu. Ông Chiến cho biết cách đây vài năm, biến đổi khí hậu còn là khái niệm xa vời hưng hiện nay thì quá rõ ràng ở Thanh Hóa, tỉnh có 102 km bờ biển. Năm nay, lần đầu tiên mặn xâm nhập đến cầu Lèn, tức là đi sâu vào đất liền tới 25km, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến sinh hoạt, sản xuất của người dân huyện Nga Sơn và một phần huyện Hậu Lộc.

Năm 2006, mặn xâm nhập vào sâu trong đất liền 10km mà người dân huyện Nga Sơn và một phần huyện Hậu Lộc đã không có nước ăn trong một tháng rưỡi. Còn năm nay, với tình hình xâm nhập mặn  nghiêm trọng như vậy, chúng tôi dự đoán thời gian thiếu nước kéo dài không dưới 2 tháng. Đối với sản xuất, dự đoán sẽ có 5.000 ha trồng lúa ở huyện Nga Sơn và 4.000 ha ở huyện Hậu Lộc sẽ không sản xuất được.

Để thực hiện tốt công việc của năm 2010 và những năm tiếp theo, ông Dương Bá Diện – Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ đề nghị Bộ nghiên cứu và chỉ đạo thống nhất về hoàn thiện tổ chức bộ máy ngành TN&MT. Đối với cấp xã, phường, Bộ cần thống  nhất với Bộ Nội vụ cho biên chế ít nhất có 1 cán bộ phụ trách môi trường. Điều đó sẽ khắc phục được khó khăn ở nhiều địa phương chỉ có một cán bộ làm công tác địa chính trong khi khối lượng công việc về môi trường cũng khá nhiều.

Ông Bùi Văn Danh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thì đề nghị nâng mức xử phạt vi phạm môi trường. “Trong bối cảnh các vi phạm về môi trường phát hiện ngày càng nhiều, tôi đề nghị sửa đổi Nghị định 181/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường để đủ sức răn đe, xử phạt các hành vi này. Cần nâng mức xử phạt với mức trần lên tới 500 triệu đồng và xây dựng lộ trình cho việc xử phạt theo hướng đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Danh nói. Nghị định 181 đã quy định khung xử phạt các hành vi này song khung chưa cụ thể nên khó áp dụng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ – phổ biến ở Bình Phước. Vì thế cần chi tiết hơn nữa khung xử phạt này.

  Ngoài ra, rất nhiều tham luận của các đại biểu Sóc Trăng, Tiền Giang… liên quan đến vấn đề quản lý đất đai đã khẳng định Nghị định 69 tháo gỡ vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị cần xem xét vấn đề quy hoạch đất lúa giúp các địa phương đảm bảo mục tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa, xem xét vấn đề giao đất lâu dài cho nhân dân và tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai để quản lý chiều sâu chứ không chỉ trên diện rộng.

 

* Tại Hội nghị, nhiều cá nhân, đơn vị có đóng góp cho sự phát triển của ngành đã được tôn vinh bằng những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và Bộ TN&MT.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thừa ủy quyền Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng 3 cho ông Nguyễn Công Thành – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT và ông Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đã có thành tích đặc  biệt xuất sắc trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.


TangHCDL_HNTKBo2009


Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho: ông Nguyễn Thái Lai – Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Đỗ Tiến Hùng – Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Điều tra tài nguyên nước, ông Nguyễn Khắc Kinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường, ông Nguyễn Duy Chinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường.

TangHCLD_DTH_HNTKBo2009    

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên gắn Huân chương

cho ông Đỗ Tiến Hùng

  TangHCLD_HNTKBo2009

Các đồng chí nhận Huân chương Lao động hạng Ba

                                                                                                     

Bộ TN&MT đã trao Cờ Thi đua xuất sắc cho 32 đơn vị gồm:

1. Trung tâm Trắc địa Bản đồ biển (Tổng cục Biển và Hải đảo VN)

2. Văn phòng Thường trực Hội đồng Ủy ban sông Mê Kông

3. Trường Cao đẳng TN&MT Hà Nội

4. Khoa Trắc địa – Bản đồ, Trường Cao đẳng TN&MT Hà Nội

5. Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai

6. Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường

7. Trung tâm Thông tin – Kinh tế tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước

8. Liên đoàn Địa chất Xạ hiếm, Cục Địa chất và Khoáng sản VN

9. Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ, Cục Địa chất và Khoáng sản VN

10. Phòng Kế hoạch – Tài chính, Cục Đo đạc và Bản đồ VN

11. Chi nhánh Cục Công nghệ thông tin tại TP. HCM, Cục Công nghệ thông tin

12. Phòng Quản lý đào tạo, Trường Cao đẳng TN&MT miền Trung

13. Phòng Công tác học sinh sinh viên, Trường Cao đẳng TN&MT TP. HCM

14. Vụ Kế hoạch

15. Vụ Tài chính

16. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

17. Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước

18. Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, Trung tâm KTTV Quốc gia

19. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, Trung tâm KTTV Quốc gia

20. Công ty Đo đạc địa chính và Công trình

21. Xí nghiệp Trắc địa bản đồ 305, Công ty Đo đạc địa chính và Công trình

22. Trung tâm Địa chính đô thị phía Bắc, Công ty Đo đạc địa chính và Công trình

23. Xí nghiệp Đo đạc địa chính II, Công ty Đo đạc ảnh địa hình

24. Trung tâm ứng dụng công nghệ TN&MT, Công ty Đo đạc ảnh địa hình

25. Sở TN&MT TP. Hà Nội

26. Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn

27. Sở TN&MT tỉnh Điện Biên

28. Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa

29. Sở TN&MT TP. Đà Nẵng

30. Sở TN&MT tỉnh Gia Lai

31. Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh

32. Sở TN&MT TP. Cần Thơ

 

Theo  Thu Phương – Nhật Tân (Monre)