Ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết như vậy tại Hội thảo Hướng đến kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đại sứ Hà Lan tổ chức tại TPHCM, trong 2 ngày 10 và 11-11.
Theo ông Lai, Văn phòng này có 4 nhiệm vụ chính, đó là hỗ trợ các hoạt động kinh tế-xã hội, cung cấp nguồn nước uống an toàn, điều hành một hệ thống thể chế hiệu quả về tài chính và làm cho hệ thống nước thích ứng với hậu quả của biến đổi khí hậu.
“Điều hành Văn phòng thường trực này sẽ do các chuyên gia Hà Lan và Việt Nam cùng phối hợp làm việc sao cho trong thời gian 20 tháng tới nhằm đưa ra một quy hoạch thích hợp cho ĐBSCL trong việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu những không mất đi lợi thế về sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản”, ông Lai cho biết.
Còn theo ông Đào Xuân Học, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên 50% diện tích của ĐBSCL bị mặn xâm nhập, và kèm theo xói mòn mỗi khi nước thủy triều lên.
“Theo đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo lần này thì ĐBSCL là một trong 3 khu vực trên thế giới bị tác động của biến đổi khí hậu nặng nhất, trong khi đó, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với nước biển dâng nên việc hợp tác với Hà Lan- đất nước có 60% diện tích thấp hơn mực nước biển sẽ giúp Việt Nam tận dụng được khoa học công nghệ điều phối nước của quốc gia này”, ông Học nói.
Ông Học cho biết, điều kiện tự nhiên của ĐBSCL và Hà Lan là khá khác nhau nên không thể áp dụng và đưa 13 tỉnh, thành của ĐBSCL theo một hình của Hà Lan được. Do đó, là lý do tại sao phải thành lập văn phòng thường trực để tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho ĐBSCL.
Theo các chuyên gia tại hội thảo, ảnh hưởng lớn nhất của ĐBSCL từ tác động của biến đổi khí hậu là nước biển dâng, và giải pháp cho vùng này là tăng diện tích trồng rừng ngập mặn tại các tỉnh ven biển để ứng phó với thủy triều dâng. Hiện tại, Na Uy và Đức là hai quốc gia đã cam kết tài trợ không hoàn lại để giúp ĐBSCL trồng rừng ngập mặn.
(Theo Monre.gov.vn)