Thái Nguyên: Quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt

13_2Tỉnh Thái Nguyên hiện có 13/15 đô thị có công trình cấp nước tập trung, 120 công trình cấp nước nông thôn và hơn 1.200 công trình thủy lợi, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Tổng nhu cầu khai thác nước của toàn tỉnh lên tới gần 650 triệu m3/năm; trong đó nước dùng cho sinh hoạt hơn 42 triệu m3/năm, nước dùng cho sản xuất công nghiệp khoảng 103 triệu m3/năm và nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 500 triệu m3 mỗi năm. Theo đánh giá mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Nguyên, do quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra với tốc độ nhanh cùng với việc khai thác nguồn nước quá mức, chưa có biện pháp quản lý hài hòa nguồn nước giữa tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước…, nên khả năng thiếu nước trên địa bàn là rất lớn.

Kết quả điều tra, khảo sát mới đây của tỉnh cho thấy: hàng năm có khoảng 9.000 ha đất sản xuất bị thiếu nước, tập trung chủ yếu ở các huyện: Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, Phú Bình… Riêng đối với tài nguyên nước mặt – nguồn cung cấp chủ yếu cho các hoạt động dân sinh, kinh tế trên địa bàn, trong trường hợp dòng chảy ở mức trung bình, có khả năng đến năm 2015 chỉ đáp ứng được nhu cầu cho thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Bình, các khu vực còn lại đều xảy ra tình trạng thiếu nước trong mùa khô. Tổng lượng nước thiếu vào khoảng 46 triệu m3/năm, trong đó khu vực thiếu nước nặng nhất là huyện Đại Từ (khoảng 12,8 triệu m3/năm) và huyện Phổ Yên (khoảng 11,2 triệu m3/năm). Đến năm 2020, tổng lượng nước thiếu khoảng 54 triệu m3/năm, ngoài huyện Đại Từ và Phổ Yên thì huyện Phú Lương cũng có khả năng xảy ra khô hạn với lượng nước thiếu khoảng 11 triệu m3/năm…

Trước thực tế này, tỉnh Thái Nguyên đã lập quy hoạch phân bổ và bảo vệ tài nguyên nước mặt, phân vùng bảo vệ nguồn nước theo 5 vùng: thượng Thác Huống, hạ Thác Huống, hạ Núi Cốc, thượng Núi Cốc và ưu vực sông Rong, xây dựng mạng lưới tự động quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các sông suối chính, các công trình khai thác sử dụng nước lớn, chuẩn bị xây dựng các công trình điều hòa nguồn nước mặt ở các khu vực có nguy cơ thiếu nước như: khu Chợ Chu (Định Hóa), khu sông Đu (Phú Lương), khu hữu sông Công… Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng thực hiện các biện pháp phát triển nguồn nước bằng việc cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi để nâng cao khả năng điều tiết nước và cấp nước, xây dựng bổ sung các hồ chứa, đập dâng, tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn, trồng rừng đảm bảo độ che phủ của rừng nhằm tăng khả năng giữ nước của lưu vực, đặc biệt là khu vực rừng đầu nguồn thuộc thượng lưu Hồ Núi Cốc…

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, tổng nhu cầu sử dụng nước của tỉnh Thái Nguyên đến năm 2015 là hơn 700 triệu m3/năm và đến năm 2020 là 755 triệu m3/năm.

(Theo monre.gov.vn)