Thừa Thiên – Huế: Công bố “cấp nước an toàn”

Năm 2009, Công ty TNHH Nhà nước một thành viên xây dựng và cấp nước Thừa Thiên- Huế đặt dấu mốc đáng nhớ là công bố “cấp nước an toàn” trên phạm vi toàn tỉnh, tiến tới “cấp nước an toàn và ngon” vào năm 2010 cũng như duy trì sự bền vững lâu dài. Để thực hiện được công bố này, Giám đốc Công ty Trương Công Nam và các cộng sự đã tìm cách đầu tư, đổi mới công nghệ cấp nước để tiếp cận với các thiết bị xử lý, cấp nước tiên tiến, hiện đại nhất.

Công ty đã triển khai chương trình ứng dụng công nghệ xử lý khử khuẩn bằng tia cực tím, lần đầu tiên được áp dụng tại Nhà máy nước Giả Viên, công suất 12.000 m3/ngày đêm; ứng dụng việc dùng than hoạt tính lọc nước tại 2 nhà máy nước Giả Viên và Tứ Hạ. Công ty còn là đơn vị đầu tiên trên toàn quốc ứng dụng công nghệ điện phân muối tạo Javen của Hoa Kỳ, với công suất lên đến 91 kg/ngày đêm để khử khuẩn nước thay cho dùng clo như trước đây đối với tất cả các nhà máy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo an toàn, tránh được các sự cố do dùng clo gây ra.

Tại khu du lịch Bạch Mã, Công ty đã đầu tư 3,1 tỉ đồng xây dựng cơ sở cấp nước công suất 100 m3/ngày đêm, với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay (đạt tiêu chuẩn nước uống theo QĐ 1329/2002/BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế), nước có thể uống ngay tại vòi, phù hợp với điều kiện khách du lịch sinh thái tại Bạch Mã. Nước uống tại vòi hiện không còn xa lạ đối với khách du lịch, bởi trên địa bàn thành phố Huế từ cuối năm 2008 có thêm 25 điểm nước uống như thế đã được lắp đặt.

Giám đốc Trương Công Nam là người khởi xướng đề tài nghiên cứu xử lý, phục hồi và nâng cấp các tuyến ống dẫn nước, để nâng cao chất lượng nước trên toàn mạng, không để tình trạng nước bẩn do mạng truyền dẫn gây nên. Với sáng kiến này, Công ty chỉ cần đầu tư mua 1 dàn máy tráng ống D600, ống trước khi chôn xuống đất được tráng lớp vữa xi măng bảo vệ bên trong, đồng thời quấn bọc nilon bên ngoài để bảo vệ ống. Thiết bị này còn giúp xử lý, phục hồi các ống gang thép cũ, kém chất lượng đã được loại thải trước đây, nay phục hồi tiếp tục và đưa được 35.750m ống DN80-800, góp phần thay thế được trên 90 km đường ống chính, làm lợi cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng.

Ông Trương Công Nam cho biết, hiện nay, các nhà máy nước chính của công ty đang sử dụng nước bề mặt sông Hương. Thế nhưng, các nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, ẩn chứa nhiều yếu tố không an toàn như thuốc bảo vệ thực vật, các kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng, là thách thức lớn đối với công ty trong vấn đề bảo vệ nguồn nước trong quá trình đô thị hóa. Do đó, Công ty đang dự định hình thành những khu rừng mới dọc sông Hương để bảo vệ nguồn nước. Đồng thời, xây dựng bảo tàng nước tại Nhà máy nước Vạn Niên nhằm góp phần giáo dục cộng đồng về ý thức sử dụng nước sạch, bảo vệ môi trường và nguồn nước.