Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam không phải là quốc gia mạnh về tài nguyên nước bởi hơn 60% lượng nước bề mặt ở Việt Nam có nguồn gốc từ các nước khác. Dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực nhưng khoảng một nửa dân số Việt Nam vẫn chưa có đủ nước sinh hoạt. Những vấn đề nảy sinh từ biến đổi khí hậu cũng tác động đến tài nguyên nước Việt Nam, làm gia tăng thách thức vốn đã rất nghiêm trọng…
Về nước ngầm, Việt Nam có nguồn nước chất lượng tốt với trữ lượng lớn nhưng ở nhiều nơi, nước ngầm bị khai thác tập trung nên đang có mức sụt giảm nghiêm trọng. Tại Hà Nội và nhiều khu vực ở TP Hồ Chí Minh, mực nước ngầm đã giảm 30m so với mực nước tự nhiên. Tình trạng khai thác quá mức cũng diễn ra ở Tây Nguyên và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đánh giá của các nhà khoa học, một số tầng nước ngầm hiện nay chỉ còn tồn tại được trong khoảng thời gian ngắn nữa.
Không chỉ suy thoái, tài nguyên nước còn ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Tại Hà Nội, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 300.000 – 400.000m3 nước thải. Tuy nhiên, lượng nước thải này không qua xử lý hoặc chỉ được xử lý sơ bộ trước khi xả vào tuyến thoát nước chung, do đó nồng độ chất ô nhiễm ở một số điểm xả rất cao. Ở TP Hồ Chí Minh, riêng lượng nước thải công nghiệp xả ra môi trường mỗi ngày là 400.000m3. Một số ngành công nghiệp hóa chất, phân bón, khai thác khoáng sản có lượng nước thải lớn, chứa nhiều chất độc hại được thải trực tiếp ra các sông, ao, hồ, kênh, rạch nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trên thực tế, tính trung bình, mỗi người Việt Nam có thể nhận 9.650m3 nước/năm trong khi mức trung bình thế giới là 7.400m3. Tuy nhiên, xét về nguồn nước nội địa, Việt Nam chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m3/người/năm, ít hơn mức bình quân toàn cầu (4.000m3/người/năm). Nếu tính theo tiêu chí nguồn nước nội địa, Việt Nam thuộc diện quốc gia thiếu nước. Điều đáng lo là, vì 63% tổng tài nguyên nước mặt của chúng ta là ngoại lai, cụ thể ở lưu vực sông Hồng, nguồn nước ngoại lai chiếm 50% tổng khối lượng nước bề mặt, còn ở lưu vực sông Cửu Long, con số này là 90% nên chúng ta không thể chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn nước, đặc biệt là khi các quốc gia ở thượng nguồn ngày càng khai thác triệt để nguồn nước này. Trung Quốc đang xây dựng hàng chục hồ chứa lớn trên sông Mê Kông, Thái Lan đã xây 10 hồ chứa vừa và lớn, Campuchia dự kiến giữ nước Biển Hồ ở một mực nhất định để phát triển thủy lợi…
Bài toán an ninh nguồn nước
Theo các nhà khoa học, trong thời gian tới, sự gia tăng dân số và sự phát triển kinh tế – xã hội sẽ làm tăng mạnh nhu cầu dùng nước và tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước. Sự gia tăng dân số sẽ kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nước sạch cho sinh hoạt và nước dùng cho sản xuất, đồng thời tác động của con người đến môi trường tự nhiên nói chung và tài nguyên nước nói riêng sẽ ngày càng mạnh mẽ.
Sự biến đổi khí hậu toàn cầu đang và sẽ tác động không nhỏ đến tài nguyên nước. Tổng lượng mưa hằng năm dự kiến sẽ tăng ở khắp mọi nơi, có thể tăng 10% ở vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng vào năm 2050. Trái lại, trong các tháng mùa khô, nhất là ở các vùng phía Nam, lượng mưa bình quân dự kiến có thể giảm 20%. Mặt khác, mực nước biển dâng sẽ ảnh hưởng lớn đến Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, nhiều vùng ở Đồng bằng sông Hồng và một dải đồng bằng lớn ven biển. Theo nhiều nguồn khác nhau, mực nước biển dâng trung bình vào năm 2100 có thể lên tới 18 – 100cm hoặc hơn nếu xem xét các tác động theo kịch bản phát thải cao và tình trạng tan băng của các núi băng. Nếu không có biện pháp thích ứng thì khi mực nước biển dâng 1m, 44.000km2 đất vùng thấp, chủ yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đồng bằng Bắc bộ và ven biển Trung bộ sẽ ngập chìm trong nước biển.
Khan hiếm và thiếu nước là mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với sự tồn tại của con người trong tương lai, do đó cần có các giải pháp quản lý khai thác và bảo vệ tốt tài nguyên nước. Về mặt quản lý, để tránh sự kém hiệu quả do chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, ngành khác nhau, cụ thể là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần đưa tài nguyên nước về một đơn vị quản lý chung, thống nhất. Bên cạnh đó, cần phải củng cố, bổ sung mạng lưới điều tra quan trắc tài nguyên nước, bao gồm cả nước mặt, nước ngầm, cả về lượng và chất; tiến hành kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước trong các lưu vực sông, các vùng và toàn lãnh thổ để từ đó xây dựng chiến lược chính sách phát triển bền vững tài nguyên nước quốc gia nói chung và cho các lưu vực nói riêng.
(Theo Lâm Vũ – hanoimoi.com.vn)